PNO - Trên cầu Ba Son hướng từ trung tâm quận 1 về TP Thủ Đức (TPHCM), 1 cặp nam nữ mải mê tạo dáng chụp ảnh cưới, bất chấp xe cộ bấm kèn. Ở hướng ngược lại, 1 cô dâu khác đứng tại dải phân cách, tay cầm hoa cưới tươi cười, tương tác với máy ảnh. Trên mạng xã hội, có không ít bức hình được chụp ở vách đá, hồ sâu nguy hiểm.
Có thiết kế đẹp, cầu Ba Son - cây cầu dây văng nối liền trung tâm quận 1 với TP Thủ Đức - là điểm đến ưa thích của nhiều người dân, du khách. Từ trên cầu, có thể nhìn ngắm một phần thành phố bên sông. Ngày đẹp trời, hoàng hôn phủ xuống sông Sài Gòn màu vàng rực rỡ. Đêm về, dòng sông lại lung linh nhờ ánh đèn đủ sắc màu. Những điều này đã thu hút nhiều người đến đây check-in. Điều đáng nói là không ít người bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông khi chụp ảnh “sống ảo” ở những vị trí không phù hợp.
Đôi trẻ chụp ảnh cưới trên cầu Ba Son
Trên cầu, 1 đôi trẻ chọn chụp ảnh cưới ngay điểm nhập làn xe từ hướng đường Tôn Đức Thắng và đường Đinh Tiên Hoàng. Đây là khu vực xe cộ phải tăng ga để lên dốc, người lái xe phải quan sát xe ở làn còn lại nên rất dễ mất tập trung, gây tai nạn nếu có vật cản. Đằng này, ê kíp chụp đến 4 người thì 1 thợ ảnh phải “núp” ở dải phân cách giữa cầu để canh góc máy, 1 người theo phụ cô dâu chú rể chỉnh váy áo để 2 nhân vật chính lo tạo dáng. Cô dâu kia thì đứng ngay dải phân cách với 3 người đi cùng mang vác đồ đạc, tấm hắt sáng. Tối về, nhiều xe máy dừng ngay giữa cầu, mọi người đứng hóng gió, quay chụp liên tục.
Chụp ảnh “sống ảo” bất chấp nguy hiểm là chuyện đã được nhiều người lên tiếng, báo chí phản ánh. Tuy nhiên, thường khi có tai nạn xảy ra, mọi người mới “biết sợ” để tạm ngưng đến địa điểm đó chụp ảnh. Đến khi mọi thứ nguôi ngoai, “bệnh cũ” tái phát. Như “bệnh” tụ tập chụp ảnh trên cầu Ba Son đã từng được dẹp khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên; tuy nhiên đến nay, tình hình lại tái diễn.
Tại cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, nhiều bức ảnh chụp ở một số địa điểm nguy hiểm từng lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Khu vực đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, dốc Thẩm Mã... với cảnh đẹp hút mắt nên không ít du khách bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm để chụp ảnh. Tháng 3/2023, 1 du khách người Anh leo ra mỏm đá “sống ảo”, bị đá ở vách rơi trúng người, ngã xuống, chân trái bị thương nặng. 1 tháng sau, cũng tại đây, 1 người bị ô tô lùi trúng khi đang chụp ảnh, rơi xuống hố sâu 56m, phải nhờ tới lực lượng cứu hộ đưa đến bệnh viện.
Cần chế tài mạnh
Đăng 1 tấm hình “sống ảo” ở địa điểm nguy hiểm có thể giúp người đăng nhận về nhiều lượt like, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Sự nổi tiếng tạm thời như một hấp lực, khiến nhiều người bằng mọi giá để có được tấm ảnh “gây sốc” cho dư luận. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này chỉ mang tính nhất thời, không tạo ra giá trị tích cực cho xã hội. Ngày nay, nhiều người dùng mạng xã hội đã biết báo cáo các bài viết, hình ảnh có tác động tiêu cực, nhằm tránh ảnh hưởng đến cộng đồng thay vì hô hào hưởng ứng, bị cuốn theo đám đông.
Đơn cử như trường hợp Tuyệt tình cốc - địa điểm “sống ảo triệu like” thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây là điểm du lịch tự phát với bè gỗ được thả giữa lòng hồ cho du khách chụp ảnh rất nguy hiểm. Đường đi đến đây rất khó, dễ xảy ra tai nạn. Ngay khi lãnh đạo huyện chỉ đạo cấm khai thác vì thấy khả năng xảy ra tai nạn đuối nước, vẫn có khách du lịch lén đến Tuyệt tình cốc chụp ảnh.
Để giảm tình trạng người dân, du khách chụp ảnh tại những địa điểm nguy hiểm, ngoài việc liên tục lên tiếng để mọi người tự ý thức về việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn để xử lý. Bên cạnh việc dán biển cấm ở các địa điểm, khi phát hiện người dân tụ tập chụp ảnh, lực lượng chức năng ngoài nhắc nhở có thể xử phạt hành chính. Ví dụ với tình trạng người dân dừng xe máy ngang nhiên trên cầu Ba Son để hóng gió, chụp ảnh, sau nhiều lần nhắc nhở, có thể phạt hành chính để tăng tính răn đe với những trường hợp khác.
Chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm, giới thiệu cảnh quan, công trình đẹp với bạn bè, người dùng mạng xã hội là cách để mọi người kết nối với nhau. Ở thời buổi internet phủ sóng toàn cầu, việc “sống ảo” không có gì đáng trách, thậm chí nhiều người xem đây là công việc, vì họ phải duy trì độ hot của tên tuổi, thu hút sự chú ý từ dư luận. Tuy nhiên, “sống ảo” bất chấp an toàn của bản thân và người khác, không tuân theo những quy định, cảnh báo từ đơn vị quản lý của công trình, địa phương là vô cùng đáng trách, cần xử lý để đảm bảo sự văn minh cho xã hội.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.