Bất chấp nguy hiểm, người lao động châu Á vẫn trở lại Israel

04/12/2023 - 06:07

PNO - Sau 7 ngày tạm dừng giao tranh, cuộc chiến giữa Hamas và Israel tiếp tục khi những đàm phán không thể đi đến kết quả mong muốn. Thế nhưng, vì mưu sinh, bất chấp nguy hiểm, nhiều công nhân châu Á vẫn chọn đến Israel tiếp tục làm việc.

Những ngày qua, khi hình ảnh các con tin Thái Lan được trả tự do, trở về quê nhà sau nhiều tuần bị Hamas bắt cóc đang được báo chí truyền đi thì Panaphan Klongsuwan lại đặt vé trở lại Israel - nơi tình trạng thiếu lao động đang diễn ra trầm trọng. “Hầu hết các nhà tuyển dụng đều tăng gấp đôi lương cho những người quay trở lại. Đây là một cơ hội tốt, tôi không muốn bỏ lỡ” - người đàn ông Thái Lan 37 tuổi nói.

Trước ngày 7/10 - thời điểm Hamas phát động cuộc tấn công đẫm máu vượt ra ngoài hàng rào biên giới Gaza - Panaphan là công nhân nông nghiệp ở Israel. Anh kiếm được khoảng 1.400 USD mỗi tháng để gửi về nhà. Bất ổn xảy ra nhưng Panaphan vẫn trụ lại làm việc cho đến ngày 7/11 anh mới về Thái Lan theo lịch nghỉ phép. Và nay, sau khi hết phép, Panaphan kiên quyết trở lại Trung Đông để tiếp tục công việc. “Cơ hội không chờ đợi. Ngân hàng cũng không chờ đợi. Các khoản vay mua nhà còn đó nên tôi phải đi làm kiếm tiền để trả nợ” - anh nói.

Chiến sự ở Gaza đã khiến các trung tâm nông nghiệp của Israel rơi vào khủng hoảng thiếu nhân lực - Nguồn ảnh: AP
Chiến sự ở Gaza đã khiến các trung tâm nông nghiệp của Israel rơi vào khủng hoảng thiếu nhân lực - Nguồn ảnh: AP

Trước khi xung đột xảy ra, có khoảng 30.000 công nhân Thái Lan làm việc tại Israel, thu nhập trung bình 1.420-1.700 USD/người/tháng - cao hơn nhiều so với mức lương ở quê nhà. Vì thế, dù tình hình xung đột tiếp diễn, nhiều công nhân Thái Lan và một số nước châu Á khác vẫn quay trở lại làm việc, bất chấp hiểm nguy. “Ở Thái Lan lương rất thấp. Chúng tôi không thể trả nợ hay nuôi sống gia đình. Ở Israel, tôi có thể kiếm được nhiều hơn” - Panaphan nói.

Tuy nhiên, theo Chính phủ Thái Lan, việc trở lại Israel là điều không nên. Nhất là Chính phủ Thái Lan đã phải mất nhiều tuần ngoại giao không mệt mỏi để có thể đưa các con tin vừa được thả trở về, sơ tán thêm hàng ngàn công nhân khỏi Israel. Veerapong Injai - Sở Lao động Phrae - cho biết: “Chính phủ đã tốn rất nhiều nguồn lực để giúp công nhân Thái Lan thoát khỏi vùng chiến sự. Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai trong số họ quay trở lại vào lúc này”.

Do nhiều công nhân bỏ việc quay về nhà, các trang trại ở Israel rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng khi mùa thu hoạch đang đến gần. Các nhà tuyển dụng phải tăng lương rất cao nhằm thu hút công nhân trở lại. Trong những ngày tới, hàng ngàn công nhân Sri Lanka cũng sẽ đến Israel để làm việc, kiếm tiền gửi về nhà. Dự báo sẽ có khoảng 20.000 người Sri Lanka sớm đến quốc gia Trung Đông này, phần lớn họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kể từ năm 2019, Sri Lanka đã phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài nghiêm trọng, lạm phát cao, thâm hụt tài chính gia tăng và đồng tiền suy yếu. Hơn 300.000 người Sri Lanka đã rời bỏ quê hương để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Adhikari Jayaratne - Chủ tịch Công đoàn dịch vụ công độc lập - cho biết: “Người Sri Lanka thích làm việc ở Israel vì ngoài tiền lương cao, quyền lợi của họ được bảo vệ”.

Trong khi các ngôi làng Thái Lan mừng đón những con tin được thả trở về thì nhiều người lao động khác lặng lẽ tìm cách trở lại Israel. Ông Shane Rienthong (60 tuổi) nói: “Chúng tôi thà tìm cách thoát nghèo còn hơn sống cuộc đời thiếu thốn hay đi ăn xin. Chúng tôi ra nước ngoài làm việc vì chúng tôi không có trình độ học vấn. Những công việc tốt được trả lương cao ở Thái Lan chỉ dành cho những người có học. Tài sản duy nhất của chúng tôi là sức lao động của chúng tôi”. 

Lệ Chi (theo AFP, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI