Giao dịch nhộn nhịp
Trên mạng xã hội, thuốc lá điện tử vẫn được rao bán sôi nổi. Trong các nhóm kín, mặt hàng này được rao bán với đủ mẫu mã, hương vị, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Thông qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi tìm được nhóm chuyên trao đổi, mua bán thiết bị hút thuốc lá điện tử hiệu Pod, Vape, Juice giá rẻ ở TP Hà Nội. Trong nhóm, các bài đăng bán thuốc lá điện tử dưới tiêu đề “Họp chợ” xuất hiện khá nhiều. Dưới mỗi bài là những bình luận về việc mua, bán.
Để tránh bị quét nội dung vi phạm, người bán thường sử dụng các từ thay thế như “Máy xông hoa quả”, “máy thở”, “nước ép”, “ống hút”… Người mua chỉ cần gọi điện hoặc nhắn tin thì mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng. Do đã bị cấm nên khi giao hàng, sản phẩm sẽ được “thay tên đổi họ” thành “nước hoa”, “mỹ phẩm”… để qua mặt người giao hàng và cơ quan chức năng.
Liên hệ với tài khoản tên H.S. - chuyên kinh doanh các loại thuốc lá điện tử tại quận Ba Đình (Hà Nội) - hỏi về việc muốn mua hàng, người bán cho biết, hiện tại cửa hàng đã đóng, chỉ bán online. Theo anh này, sau khi có lệnh cấm, cửa hàng đóng cửa nên đang cố gắng bán những sản phẩm còn tồn đọng, giá rẻ hơn thời điểm trước. Khi bày tỏ lo ngại về việc giao hàng, người bán trấn an: “Hàng sẽ ghi tên một sản phẩm khác rồi đóng gói vận chuyển, không lo xảy ra vấn đề”.
 |
Các sản phẩm thuốc lá điện tử được đăng tải, mua bán tràn lan trên các hội nhóm |
Vô tư sử dụng như chưa hề bị cấm
Tại các tụ điểm vui chơi như quán cà phê, quán bida, quán bar hay club… không khó để bắt gặp một bộ phận giới trẻ vẫn vô tư sử dụng thuốc lá điện tử mà không hề e ngại bị xử phạt.
Tại một quán cà phê ở quận Tây Hồ, nhiều thanh niên với những tẩu thuốc lá điện tử trên tay thản nhiên nhả khói trắng mà không quan tâm đến những người xung quanh. Tại TPHCM, trong một quán cà phê trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), một nhóm bạn trẻ túm tụm quanh chiếc bàn ở một góc khuất vừa uống cà phê, trà sữa vừa nhả ra những làn khói trắng mờ mùi vani.
Ở bàn bên cạnh, một nữ khách nhăn mặt, đưa tay quạt khói và phàn nàn. Nhân viên quán đến nhắc nhở nhóm khách trẻ về việc không được hút thuốc. Nhóm thanh niên miễn cưỡng giấu ống hút, nhưng thi thoảng lại lén đưa lên miệng. Cho đến khi người quản lý quán chỉ vào camera và yêu cầu rời đi thì nhóm thanh niên mới miễn cưỡng cất thuốc vào túi.
Nhân viên tại quán cà phê chia sẻ, đây không phải lần đầu quán gặp tình trạng này mà ngày nào cũng gặp, dù quán đã treo biển cấm. Có người còn cãi rằng thuốc lá điện tử không gây khó chịu như thuốc lá truyền thống. Nhưng thực tế, mùi tinh dầu vẫn ảnh hưởng đến người xung quanh, đặc biệt là khách lớn tuổi hay gia đình có trẻ nhỏ.
Không chỉ tại quán cà phê, thuốc lá điện tử còn len lỏi vào nhiều không gian công cộng. Buổi chiều tan tầm, tại bến xe buýt trung tâm quận 1 (TPHCM), giữa đám đông đang chờ xe, một nam sinh viên khoác ba lô, đeo tai nghe, lén rít một hơi thật sâu từ chiếc pod nhỏ gọn. Làn khói trắng lơ lửng trong không khí khiến một phụ nữ bế con nhỏ giật mình quay lại nhăn mặt rồi vội kéo áo che mũi cho con.
Ngay cả môi trường công sở cũng không tránh khỏi sự xuất hiện của thuốc lá điện tử. Anh H.H. - nhân viên một công ty truyền thông tại TPHCM - chia sẻ: “Dù làm việc trong văn phòng máy lạnh, một số đồng nghiệp vẫn thản nhiên hút ngay tại bàn. Họ thường cúi xuống bàn để tránh bị phát hiện”. Tuy nhiên, mùi tinh dầu của thuốc lá điện tử vẫn khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu.
Trước đó, Nghị quyết kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV nêu rõ: từ năm 2025, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận, sản xuất thuốc lá điện tử sẽ bị phạt từ 1-200 triệu đồng Cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử (là hàng bị cấm) sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 8, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, sửa đổi - bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ. Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị phạt hành chính từ 1-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, từ 2-200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Riêng đối với hành vi sản xuất thuốc lá điện tử sẽ bị phạt từ 2-200 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 4-400 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Đối với những cơ sở kinh doanh, chủ quán phải đảm bảo không có bất kỳ hành vi sử dụng, kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nào diễn ra trong cơ sở kinh doanh của mình. Việc không tuân thủ các quy định trên có thể dẫn đến việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, những cơ sở kinh doanh có quyền từ chối phục vụ những khách hàng cố tình vi phạm. Nếu phát hiện khách hàng sử dụng, phải có biện pháp ngăn chặn, yêu cầu khách hàng ngưng sử dụng ngay lập tức. Chủ quán cần tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động trong quán để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như lắp đặt camera giám sát hoặc tăng cường nhân viên giám sát. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty luật AE |
Sẽ xử lý hình sự những hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã dự thảo quyết định xin ý kiến các đơn vị. Dự thảo quy định các nội dung tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chế tài xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bằng các hình thức phù hợp. Đối với việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, qua rà soát, Bộ Y tế nhận thấy hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và điều 190, 191 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do vậy, “Bộ Y tế đã bổ sung mức phạt và hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại dự thảo nghị định. Dự thảo nghị định đang thực hiện quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi nhận được các ý kiến, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, chỉnh sửa và trình Chính phủ ban hành theo quy định” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. Theo dự thảo, người hút thuốc lá điện tử sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Mức phạt tăng gấp 2 lần đối với hành vi tái phạm. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung gồm tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên. Dự thảo cũng quy định buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức. |
Nhóm phóng viên