Bất chấp lãi suất giảm, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng

11/07/2023 - 06:12

PNO - Từ mức hơn 10% cách đây vài tháng, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện chỉ quanh mức 7,7-7,9%/năm. Dù vậy, lượng tiền người dân gửi vào các tổ chức tín dụng vẫn liên tục tăng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, từ 0,1-1,4%. Chẳng hạn, tại Techcombank, lãi suất giảm 0,2% ở các kỳ hạn từ 6-24 tháng, mức cao nhất chỉ còn 6,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng giảm lãi suất từ 0,1-0,4% ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,1% xuống còn 6,4%; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% còn 7,2%/năm - hiện là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng giảm 0,1-0,5%. Khung lãi suất huy động kỳ hạn 1-36 tháng đang nằm ở mức 4,6-7,2%/năm.

Tại khối ngân hàng nhà nước, lãi suất đã giảm ở nhiều kỳ hạn từ 0,5-0,7%. Như tại Vietcombank và BIDV, kỳ hạn 6, 9, 12, 24 tháng đều giảm 0,5%. Huy động cao nhất tại các ngân hàng chỉ còn 6,3%, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường đang là 10,9%/năm thuộc về ABBank nhưng hạn mức tiền gửi phải từ 1.500 tỉ đồng trở lên, ở các kỳ hạn khác như 6-7 tháng thì lãi suất là 7%/năm, kỳ hạn 12 thàng còn 7,1% cũng giảm 1% so với tháng vừa qua. HDBank có mức lãi suất 9,3%/năm với số tiền gửi từ 300 tỉ đồng ở kỳ hạn 13 tháng. Bắc Á và Bản Việt, Vietbank là ngân hàng đang có mức lãi suất cao thứ ba trên thị trường với mức lãi suất là 7,9%/năm.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đã bắt đầu giảm kể từ cuối năm 2022 sau khi một số ngân hàng tăng sốc lãi suất huy động lên hơn 11%/năm và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành. Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5-2%.

Lãi suất huy động liên tục giảm nhưng lượng tiền gửi cư dân vào ngân hàng vẫn tăng. Ảnh Thanh Hoa
Lãi suất huy động liên tục giảm nhưng lượng tiền gửi cư dân vào ngân hàng vẫn tăng - Ảnh: Thanh Hoa

Dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lượng tiền gửi của cư dân tại các tổ chức tín dụng vẫn liên tiếp tăng. Theo số liệu NHNN vừa mới công bố thì tính đến cuối tháng 4/2023, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,332 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng 7,96% so với cuối năm 2022 (tăng hơn 467.000 tỉ đồng). Còn so với tháng 3 vừa qua, lượng tiền gửi của cư dân trong tháng 4 tăng đến 52.000 tỉ đồng.

Trong khi đó lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi của nhóm này giảm 338.000 tỉ đồng, đến tháng 4 tiếp tục giảm 8.833 tỉ đồng, xuống còn 5,65 triệu tỉ đồng, giảm 5,02% so với cuối năm 2022. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý.

Thông tin đến báo chí trong chiều ngày 10/7, đại diện NHNN cho biết, đến cuối 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Như vậy mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng huy động là 7,96%. Điều đó cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang yếu, người dân và doanh nghiệp không dám vay tiền.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với kịch bản đề ra hồi đầu năm là tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 14-15%, trong chiều ngày 10/7, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời cần tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh….

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI