Bất bình đẳng lớn trong cơ hội học tiếng Anh

16/01/2019 - 12:10

PNO - Thống kê điểm thi tiếng Anh nhiều năm qua cho thấy, có khoảng cách rất lớn trình độ tiếng Anh của học sinh các TP lớn và học sinh ở vùng sâu, xa. Điều này đồng nghĩa cơ hội vào đại học của các em này càng xa.

Trong khi một số trường đại học dự kiến đưa vào đề án tuyển sinh 2019 thêm các tiêu chí, phương thức xét tuyển trên cơ sở kết hợp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học phổ thông hoặc kết quả thi THPT quốc gia… thì thống kê điểm thi tiếng Anh nhiều năm qua cho thấy, có một khoảng cách rất lớn về trình độ tiếng Anh của học sinh tại các thành phố lớn và học sinh ở vùng sâu vùng xa. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội vào đại học của các em này càng xa. 

Năng lực tiếng Anh của học sinh cao hay thấp?

Nếu nhìn vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn tiếng Anh trong ba năm: 2018 có 78,22%, 2017 có 68,38%, 2016 có 88,27% bài thi điểm dưới trung bình (nguồn Bộ GD-ĐT), nhiều người cho rằng năng lực tiếng Anh của học sinh rất kém. Nhưng tiến sĩ Vũ Thị Lan, người tham gia vào một số dự án và chương trình giáo dục tiếng Anh ở các Sở GD-ĐT và trường đại học, không đồng tình.

Tiến sĩ Vũ Thị Lan sử dụng phương pháp so sánh và dữ liệu từ Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS), đơn vị thiết kế và quản lý kỳ thi TOEFL, để đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh, sinh viên (HS-SV) Việt Nam trong bốn năm từ 2014-2017, so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. 

Quốc gia/
vùng lãnh thổ
Điểm TOEFL 
2014
Điểm TOEFL 2015 Điểm TOEFL 2016 Điểm TOEFL 2017
Việt Nam 471 467 434 82
Trung Quốc 489 480 480 79
Đài Loan 478 494 503 82
Nhật Bản 460 460 461 71
Hàn Quốc 497 486 486 83

Bảng 1: Việt Nam có trình độ tiếng Anh thấp hơn một ít so với các nước tiên tiến ở châu Á

Số liệu trích xuất từ ETS được trình bày trong bảng 1 cho thấy  trình độ tiếng Anh của HS-SV Việt Nam không đến nỗi quá thấp. Năm 2017, điểm thi TOEFL của HS-SV Việt Nam thậm chí đứng thứ hai chỉ sau Hàn Quốc. Chúng ta cũng cần lưu ý là thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia và vùng lãnh thổ này cao hơn hẳn Việt Nam và xét về mức đầu tư cho giáo dục nói chung và tiếng Anh nói riêng thì có lẽ họ cũng hơn ta. 

Việc lấy điểm TOEFL của HS-SV Việt Nam so với HS-SV tại các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn hẳn Việt Nam cũng đã là thiệt thòi. Nên để công bằng hơn, chúng ta sẽ so sánh với các nước láng giềng trong khu vực.

Quốc gia/
vùng lãnh thổ
Điểm TOEFL 
2014
Điểm TOEFL 2015 Điểm TOEFL 2016 Điểm TOEFL 2017
Việt Nam 471 467 434 82
Campuchia 472 463 456 72
Thái Lan 470 466 457 78
Indonesia 477 480 473 85
Lào 416 412 402 99

Bảng 2: Nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì trình độ Tiếng Anh của Việt Nam không hề thua kém

Số liệu từ bảng 2 cho thấy trình độ tiếng Anh của HS-SV Việt Nam không thua kém so với HS-SV tại các nước láng giềng, nếu như không muốn nói là điểm TOEFL của HS-SV Việt Nam tương đối nhỉnh hơn, đặc biệt trong năm 2017. Điều này khá mâu thuẫn với kết quả môn tiếng Anh thi THPT quốc gia trong ba năm gần đây. Tại sao lại có hiện tượng trái ngược này trong đánh giá năng lực tiếng Anh của HS-SV tại Việt Nam? 

Nếu xem xét kỹ về điểm thi công bố của Bộ GD-ĐT, chúng ta thấy rằng có sự phân bố không đồng đều về kết quả điểm thi giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Các thành phố như Hà Nội và TP.HCM có mặt bằng điểm cao hơn hẳn các tỉnh khác như Cà Mau và Hòa Bình. 

Bat binh dang lon trong co hoi hoc tieng Anh
Cần xóa bỏ bất bình đẳng trong cơ hội học tiếng Anh của học sinh các vùng miền

Quay trở lại điểm thi TOEFL, đối tượng chọn thi TOEFL thường là những HS-SV có điều kiện tốt ở các thành phố lớn để đi du học. Như vậy, có thể thấy rằng, có một khoảng cách rất lớn về trình độ tiếng Anh của HS-SV tại các thành phố lớn nơi HS-SV có nhiều cơ hội và kênh học tập và HS-SV ở những nơi có rất ít hay gần như không có cơ hội học tập khác ngoài trường học. Nói cách khác, có một bất bình đẳng rất lớn trong cơ hội học tập tiếng Anh giữa HS-SV tại các thành phố và HS-SV tại các khu vực khác.

Xóa “vùng trũng” tiếng Anh bằng công nghệ

Tiến sĩ Vũ Thị Lan nêu giải pháp: “Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong cơ hội học, thu hẹp khoảng cách trình độ tiếng Anh của HS-SV giữa các vùng  miền, những nỗ lực cải cách chất lượng dạy và học tiếng Anh cần được tập trung nhiều tại các khu vực cần được hỗ trợ”. 

Nếu không thu hút được những giáo viên tiếng Anh xuất sắc về công tác tại các vùng sâu vùng xa, chúng ta có thể tạo ra những cơ hội học tập xuất sắc với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để HS-SV ở những khu vực này được tiếp cận nhiều cơ hội học tập khác nhau nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh của mình thay vì chỉ biết học tiếng Anh với thầy cô trên lớp. 

“Chúng ta nên tìm hiểu và ứng dụng các mô hình dạy học tích hợp công nghệ đã và đang được thế giới khuyến khích ứng dụng như công nghệ phân tích hành vi người học (learning analytics) để đưa ra những hướng dẫn và định hướng học tập phù hợp cho từng cá nhân người học trong và ngoài lớp học”, tiến sĩ Vũ Thị Lan nhấn mạnh.

Vì vậy, tiến sĩ Vũ Thị Lan đã cùng một nhóm các chuyên gia về lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh (TESOL) và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh (CALL) phát triển một chương trình dạy và học tiếng Anh trên nền tảng web dành cho học sinh THPT. Nhóm những người xây dựng chương trình sẵn sàng cung cấp và tổ chức tập huấn miễn phí với mong muốn chương trình này trở thành chương trình ngoại khóa được tích hợp vào chương trình chính khóa ở các trường phổ thông. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI