Theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNW), công việc chăm sóc không lương được thực hiện chủ yếu bởi phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ làm gấp 2,5 lần công việc này so với nam giới, chiếm 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương, ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, số liệu về vị thế việc làm cũng cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Nếu như lao động gia đình không được trả công ở nam giới chỉ là 9,2%, con số này lại gấp đôi ở nữ giới, lên đến 19,4% vào năm 2019. Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, tiến sĩ Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - cho rằng:
- Phần quan trọng của lao động chăm sóc và việc gia đình không lương (LĐCS-VGĐKL) là nuôi dạy trẻ, đảm nhận các trách nhiệm gia đình, cộng đồng và xã hội, xây dựng vốn con người cần thiết cho xã hội hoạt động. Thực trạng phụ nữ phải thực hiện LĐCS-VGĐKL nhiều hơn thể hiện sự bất bình đẳng sâu sắc giữa nam và nữ trong gia đình, dẫn đến hệ lụy bất bình đẳng giới về kinh tế, chính trị, y tế và chăm sóc sức khỏe.
Phóng viên: Vấn đề trên đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Lương Thu Hiền: Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn nam giới cũng một phần vì gánh nặng LĐCS-VGĐKL. Các hoạt động kinh tế mà phụ nữ tham gia phải linh hoạt về thời gian để họ có thể vừa đi làm, vừa thực hiện công việc gia đình. Thực tế đó dẫn đến sự phân biệt nghề nghiệp trong thị trường lao động. Từ đó, có thể làm phát sinh bất bình đẳng giới trong thu nhập. Phụ nữ phải nhận ít tiền lương hơn so với nam giới trong cùng một công việc. Hoặc có quan niệm cho rằng, phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hiệu quả hơn, cho nên, họ nên quay về lo cho LĐCS-VGĐKL. Hiện thực và trách nhiệm của phụ nữ trong LĐCS-VGĐKL đã dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động ít hơn nam, kinh nghiệm ít hơn, phân biệt nghề nghiệp, khoảng cách giới trong thu nhập và cuối cùng là trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của phụ nữ thấp hơn do ít được đầu tư hơn.
* Nếu phụ nữ phải thực hiện LĐCS-VGĐKL thì khả năng tham gia hoạt động kinh tế, thu nhập và khả năng chi tiêu vào hàng hóa, dịch vụ của họ cũng bị giảm sút, từ đó có kéo giảm tăng trưởng kinh tế?
- Mặc dù LĐCS-VGĐKL là cần thiết cho cộng đồng và xã hội, nhưng sự bất bình đẳng giới trong phân công trong việc này lại sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế do phụ nữ đã dành quá nhiều thời gian cho nó khiến hạn chế sự tham gia của họ vào những công việc được trả lương. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Một hạn chế của chính sách an sinh xã hội (ASXH) hiện nay là thiếu sự công nhận mối quan hệ mang tính ràng buộc giữa LĐCS-VGĐKL trong hộ gia đình và sự tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo tôi, cần phải thể chế hóa quy định LĐCS-VGĐKL vào hệ thống ASXH. Có nghĩa là phải đầu tư và sử dụng chi tiêu công cộng vào các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh nhằm giảm nhẹ gánh nặng chăm sóc và việc nhà không được trả lương cho nữ giới là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
* Có nghĩa là, cần ghi nhận LĐCS-VGĐKL như là một hình thức ASXH?
- Đúng vậy. Tại Việt Nam, các chính sách ASXH cốt lõi mới chỉ bao gồm trợ cấp xã hội, một số hình thức bảo hiểm và can thiệp thị trường lao động. Trong khi đó, ASXH thường được định nghĩa là tập hợp các chính sách và chương trình của Nhà nước được thiết kế để giảm nghèo và sự dễ bị tổn thương của người dân, thông qua đó thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực của mọi người để tự bảo vệ khỏi các nguy cơ đời sống và nơi làm việc. Nhờ đó, giúp người dân ít bị gián đoạn hoặc mất thu nhập. Hiểu theo nghĩa này thì LĐCS-VGĐKL là nền tảng của ASXH bởi nó giúp giảm rủi ro cho mọi người, là nguồn bảo vệ chống lại gián đoạn hoặc mất thu nhập và giúp thị trường lao động hiệu quả hơn khi có thể hỗ trợ năng lực của mọi người, khiến họ có khả năng ra ngoài làm việc.
Trong nhiều trường hợp, khối lượng công việc chăm sóc và việc nhà không được trả lương trong hộ gia đình quá lớn dẫn đến việc phụ nữ phải lựa chọn tạm thời không tham gia vào lao động được trả lương ngoài xã hội. Ví dụ, có người nghỉ không lương một thời gian để dành thời gian chăm sóc người nhà nằm viện 24/24 giờ mỗi ngày. Và nếu những nhu cầu thiết yếu về dịch vụ chăm sóc này không được tích hợp vào trong các chương trình ASXH, cụ thể ở đây là tích hợp vào chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) giúp người bệnh không những được chi trả tiền giường, tiền thuốc trong danh mục BHYT mà còn cả dịch vụ chăm sóc, thì một phần ASXH đã bị bỏ qua trong hoạch định chính sách này.
Hơn nữa, tôi cho rằng LĐCS-VGĐKL mang giá trị đối với sự hình thành vốn con người và xã hội, tiền lương và thu nhập, tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc. Do đó, nếu nó trở thành mục tiêu của các chương trình ASXH, trên cơ sở hiệu quả và công bằng, thì LĐCS-VGĐKL sẽ được công nhận là một khía cạnh thiết yếu của sự bình đẳng và hiệu quả trong xã hội. Và nó không còn được coi là “vấn đề của phụ nữ” nữa, mà là vấn đề của toàn xã hội.
* Một khi được xem là hình thức ASXH, thì việc phân phối lại lao động trong LĐCS-VGĐKL cũng sẽ mang tính “thị trường” hơn, không còn nặng yếu tố giới nữa?
- Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khá hiệu quả việc can thiệp vào chính sách ASXH nhằm giảm và phân phối lại lao động trong vấn đề này. Ở Phần Lan, chính sách nghỉ thai sản bốn tháng cho mẹ, hai tháng cho cả cha và được hưởng nguyên lương. Sau thời gian này, một phụ huynh vẫn có thể ở nhà, nhận được mức lương nhất định tương đương 450 euro/tháng và trở lại làm việc khi con lên ba tuổi.
Việt Nam có một nền BHYT toàn diện và tiến bộ. Tuy nhiên, khi người bệnh, đặc biệt người cao tuổi nằm viện kéo dài, BHYT có thể chi trả những hạng mục thuốc men, giường bệnh nhưng chăm sóc bệnh nhân thì người nhà vẫn phải tự lo, trừ những trường hợp phải chăm sóc y tế đặc biệt và cách ly. Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ gánh nặng chăm sóc người bệnh trong một thời gian ngắn, nhưng lâu dài, nhiều gia đình phải thuê dịch vụ chăm sóc người bệnh với chi phí khá cao. Đây là một áp lực kinh tế đối với gia đình có thu nhập thấp và trung bình; làm giảm sự tham gia vào thị trường lao động, giảm thu nhập, giảm cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, cơ hội và chất lượng tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới.
Theo tôi, Nhà nước có thể cân nhắc những phương thức can thiệp chính sách ASXH từ một số quốc gia trên thế giới để giảm thiểu và phân phối lại gánh nặng trong LĐCS-VGĐKL của nữ giới. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nữ giới vào thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cá nhân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều hơn của phụ nữ theo tinh thần mà Chính phủ đã cam kết.
* Xin cảm ơn bà!
Quốc Ngọc (thực hiện)
|
Chị em được hướng dẫn thực hành các kỹ năng giúp việc nhà chuyên nghiệp, an toàn |
Đào tạo nghề giúp việc nhà cho 25 phụ nữ
Hội LHPN Q.Gò Vấp vừa tổ chức khai giảng lớp đào tạo kỹ năng giúp việc nhà cho 25 phụ nữ có nhu cầu và có hoàn cảnh khó khăn, muốn tìm kiếm một công việc ổn định. Các kỹ năng được đào tạo bao gồm: dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp các vật dụng trong gia đình, cách thức sử dụng các máy móc, thiết bị, vật dụng phổ biến trong gia đình như máy giặt, máy hút bụi, bàn ủi…
Thiên Ân