“Bắt bệnh” cái kết trong phim truyền hình Việt: Tròn mà chưa trọn

12/10/2020 - 06:21

PNO - Tâm lý chung của khán giả khi xem phim, nhất là những bộ phim truyền hình dài tập, đều mong muốn phim kết thúc có hậu. Tuy nhiên, nhiều phim Việt đang gặp tình trạng kết có hậu nhưng người xem không thấy thỏa mãn.

Có hậu nhưng hụt hẫng

Hai bộ phim Việt giờ vàng trên VTV vừa hạ màn cách đây không lâu Tình yêu và tham vọng Lựa chọn số phận, có một điểm chung: cả hai đều kết thúc có hậu nhưng lại bị chê vì diễn tiến chóng vánh, bỏ lửng nhiều tình tiết cũng như số phận một số nhân vật.

Chẳng hạn suốt 59 tập Tình yêu và tham vọng bày ra mối quan hệ tình trường, thương trường rối rắm của các cặp Minh - Linh, Lâm - Sơn, Phong - Linh, Đông - Phương, Ánh - Thiên thì tập cuối nhanh chóng hóa giải các mối quan hệ rắc rối ấy bằng đám cưới tập thể của ba cặp Minh - Linh, Sơn - Kathy, Đông -Phương.

Phim kết mà hàng loạt thắc mắc chưa được giải thích như vụ Ánh kiện Thiên đi đến đâu; số phận các nhân vật phụ Đại Cán, bé Cà Rốt, tên mặt sẹo; mối tình vụng trộm giữa Diễm và thư ký riêng của Phong có bị phát giác…? 

Tình yêu và tham vọng có cái kết gây chóng vánh
"Tình yêu và tham vọng" có cái kết gây chóng vánh

Tương tự, kết phim Lựa chọn số phận sau 72 tập tuy “happy ending” cho hai nhân vật chính Cường - Trang cũng để lại nhiều câu hỏi vì sao. Chẳng hạn, ông Lộc phải trả giá thế nào đối với những vụ đưa hối lộ và chạy dự án của mình? Ai là thủ phạm trong vụ Long đại ca bị đánh tàn phế? 

Trên màn ảnh nhỏ phía Nam, một phim Việt khác vừa kết thúc là Gạo nếp gạo tẻ phần 2 cũng khiến người xem tức anh ách vì kết phim theo hướng mở. Các nhân vật đã không viên mãn mà bi kịch của họ lại còn không nhắc tới được giải quyết ra sao.

Xem tập cuối, không ít khán giả chưng hửng khi câu chuyện chỉ dừng ở việc ông Hải thú nhận chuyện đánh tráo con năm xưa và Bảo Minh khước từ cha; còn lại mọi “sóng gió” của các nhân vật vẫn ngổn ngang: bi kịch hôn nhân của vợ chồng nhân vật Bảo Anh - Đông Quân; vụ ly hôn của vợ chồng Bảo Trâm; Bảo Minh vẫn chưa biết bà Hương là mẹ ruột…

Năm ngoái, kết thúc phần 1 của phim cũng bị chê vì tuy có hậu, nhưng cách lý giải lại thiếu thuyết phục nên không để lại cảm xúc, dù trước đó khán giả đã hào hứng với phim suốt hơn 100 tập.

Hiện tượng phim có tập cuối “hạ cánh an toàn” cũng xảy ra với cả những tác phẩm được lòng công chúng như Về nhà đi con, Mê cung, Tiếng sét trong mưa, Nhà trọ Balanha… Đáng chú ý phim càng nhiều tập, khởi đầu càng hấp dẫn thì càng có kết thúc nhạt, cứ như biên kịch đã tung chiêu hết từ đầu nên về sau đuối dần vì hết ý. Rất hiếm hoi mới có vài phim kết thúc từ tốn, làm hài lòng người xem như trường hợp Đừng bắt em phải quên. 

Kết thúc phim Gạo nếp gạo tẻ phần 2 cách đây vài ngày gây tranh cãi vì nhiều vấn đề  trong phim chưa giải quyết xong
Kết thúc phim Gạo nếp gạo tẻ phần 2 cách đây vài ngày gây tranh cãi vì nhiều vấn đề trong phim chưa giải quyết xong

Dọn đường phần sau?

Tình trạng phim truyền hình đầu voi đuôi chuột không chỉ có ở phim Việt mà ngay cả nền truyền hình mạnh như Hàn Quốc cũng mắc phải. Song, do biên kịch Hàn “cao tay” hơn nên người xem cũng không hụt hẫng như khi xem phim truyền hình trong nước. Thêm nữa, phương thức làm phim truyền hình nước bạn quay cuốn chiếu, nên cái kết có thể điều chỉnh theo ý khán giả.

Trong khi ở ta, các phim đều quay xong mới phát nên cái kết đã được định sẵn, không thể can thiệp theo mong muốn người xem. Hiếm hoi mới có trường hợp ngoại lệ như hai phim Người phán xử Sống chung với mẹ chồng quay thêm cái kết khác so với dự tính ban đầu sau quá trình tương tác thăm dò ý khán giả. Một số phim chọn cách quay thêm phần ngoại truyện vừa để tri ân vừa để giải quyết hết những thắc mắc của người xem như Về nhà đi con, Cả một đời ân oán

Có thể thông cảm với cái khó của biên kịch khi chọn một cái kết cho đứa con tinh thần của mình. Bởi xem một bộ phim, chín người mười ý, rất khó thỏa mãn hết. Tuy nhiên, điều khán giả mong muốn ở cái kết những phim truyền hình Việt là nhanh nhưng phải hợp tình hợp lý, thắt ở đâu mở ở đấy.

Những cái kết theo kiểu mở chỉ nên dùng khi câu chuyện dần khép lại, chỉ lộ ra một vài chi tiết nhỏ khiến khán giả tò mò chứ đừng mở đến mức giống như một bài tập làm văn vừa xong mở bài đã nhảy cóc đến kết bài. Việc thường xuyên áp dụng công thức kết thúc có hậu cũng khiến kết phim dễ rơi vào lối mòn nhàm chán, nhất là khi “happy ending” đậm tính sắp đặt. Khi đó cái kết chỉ là kết của biên kịch chứ không hẳn là của nhân vật, câu chuyện. 

Cái kết ở Tiếng sét trong mưa gây tranh cãi để mở màn cho phần 2
Cái kết ở "Tiếng sét trong mưa" gây tranh cãi để mở màn cho phần 2

Việc để những cái kết gây tranh cãi có khi cũng nằm trong ý đồ của nhà làm phim nhằm cho ra đời phần tiếp theo như trường hợp Tiếng sét trong mưa, Quỳnh búp bê. Dù vậy không thể lấy lý do này để biện minh cho sự lúng túng, vụng về khi xử lý đoạn kết của một bộ phim.

Sức hút của một tác phẩm nên được dàn trải đều đặn, từ tốn hơn là giăng bẫy “drama” khắp phim rồi cuối cùng hạ màn một cách vội vã, bất chấp logic khiến người xem cụt hứng. Tình trạng đầu voi đuôi chuột trên màn ảnh nhỏ nếu kéo dài sẽ càng khiến khán giả mất niềm tin vào phim Việt, vì không ai muốn mất thời gian theo dõi một bộ phim suốt hàng tháng trời để rồi kết phim nhận lấy cảm giác như chưa hề coi vì mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI