Một ngày heo có thải hết chất độc?
“Theo quy định, những con heo bị phát hiện nhiễm thuốc an thần sẽ được lưu lại sau 24 giờ đồng hồ, nếu mẫu nước tiểu sau 24 giờ kiểm tra không phát hiện dư lượng thuốc an thần sẽ được đưa đi giết mổ”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết.
Liệu các loại chất an thần có tồn dư trong thịt, xương, nội tạng… heo khi đến tay người tiêu dùng hay không? Cơ quan chức năng cho biết, sẽ phải đợi lấy mẫu thịt trên thị trường để kiểm tra.
|
Hàng ngàn con heo ngủ li bì do thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á. |
Bộ NN-PTNT đã tham vấn một số cơ quan khoa học về chất an thần tồn dư trong thịt heo. Theo đó, chất này sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể: làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, về thận, thần kinh, gây đãng trí, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, trầm uất, run tay chân…
Trong số gần 5.000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) nghi nhiễm thuốc an thần, cơ quan chức năng phát hiện 3.750 con dương tính với chất an thần. Đặc biệt, theo ông Dũng, kiểm tra dung dịch màu vàng được chích vào heo tại hiện trường cho thấy acepromazine (chất an thần) hàm lượng 0,47-0,51mg/lít.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trước đây những người làm ăn gian dối thường sử dụng loại thuốc an thần sản xuất trong nước để chích cho heo. Loại thuốc này có thời gian đào thải dài (5-7 ngày) nên khi bị cơ quan chức năng phát hiện, phải lưu giữ heo 5-7 ngày mới được đem đi giết mổ. Gần đây, họ chuyển qua sử dụng thuốc nhập ngoại, thời gian đào thải ngắn, chỉ 24 giờ.
Việc thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo có tồn dư chất an thần hay không, người tiêu dùng vẫn phải đợi cơ quan chức năng. Các nhà khoa học thuộc Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, acepromazine là hoạt chất bài thải chậm trong cơ thể vật nuôi.
Gần 20 nhân viên kiểm dịch, vẫn “bó tay”?
Lò giết mổ Xuyên Á mỗi đêm giết mổ khoảng 5.000 con heo. Chỉ một đêm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện đến 3.750 con “dính” thuốc an thần khiến người tiêu dùng không khỏi bất an. Được biết, trước đó Thanh tra chuyên ngành, Bộ NN-PTNT đã theo dõi lò mổ này hơn một tháng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Phụ Nữ, việc chích thuốc an thần cho heo diễn ra hằng ngày hay thi thoảng, ông Dũng nói: “Chưa thể thông tin vì liên quan đến nhiều hoạt động trinh sát, trong đó nhiều điều thuộc về bí mật. Bản thân hoạt động trinh sát không phải ngày nào cũng có thể tiếp cận được cơ sở giết mổ”.
|
Người tiêu dùng khó có thể phát hiện miếng thịt heo mua ngoài chợ, siêu thị… có tồn dư thuốc an thần hay không. |
Tại buổi họp báo diễn ra ngày 30/9, đại diện một kênh truyền hình đã cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin phỏng vấn một trong hai công nhân đang chích thuốc an thần cho heo. Công nhân này khẳng định, đó là công việc hàng ngày (?!).
Ông Dũng chia sẻ thêm, lò mổ Xuyên Á khá “mở”, xung quanh cơ sở này không có hệ thống tường rào, camera quan sát. Trong khi đó, rất nhiều lò mổ khác được xây dựng theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Càng bất an hơn khi được biết, Chi cục Thú y TP.HCM cắt cử 17 cán bộ thay phiên nhau giám sát hoạt động heo nhập về cơ sở, kiểm tra heo trước khi giết mổ, nhưng vẫn không thể phát hiện việc chích thuốc an thần cho heo.
Theo ông Phát, do diện tích cơ sở này quá rộng, lực lượng thú y chưa thể bao quát hết. Lúc cao điểm heo về cơ sở, nhân viên kiểm dịch tập trung vào việc giám sát heo qua cửa, rất có thể các đối tượng lợi dụng thời điểm này để chích thuốc an thần trước khi đưa heo vào các ô chuồng nhốt tạm chờ giết mổ.
Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (tham gia triển khai vòng truy xuất nguồn gốc heo), trong đêm phát hiện gần 4.000 con heo được chích thuốc an thần, có tới hơn 3.700 con được đeo vòng. Việc đeo vòng chỉ cho biết, heo đó xuất phát từ trại nào, của thương lái nào, đi từ đâu… còn việc giám sát heo an toàn hay không là trách nhiệm của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.
Biện pháp ngăn chặn tình trạng chích thuốc an thần vào heo được các đơn vị đề cập nhiều nhất là tăng hình phạt. Thay vì mức phạt cao nhất 30-35 triệu đồng, có thể đề xuất cao hơn. Đồng thời, việc tiêu hủy toàn bộ số heo khi phát hiện chất an thần cũng đang được kiến nghị.
Theo ông Dũng, Thanh tra chuyên ngành, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị thay đổi hình thức xử phạt, nên ràng buộc thêm trách nhiệm của chủ lò mổ trong trường hợp để các chủ hàng chích thuốc vào heo.
Người tiêu dùng e dè với thịt heo
Ghi nhận tại một số quầy thịt heo tại các chợ của TP.HCM ngày 1/10, nhiều tiểu thương cho biết việc bán thịt heo bị ảnh hưởng ít nhiều sau khi có thông tin heo chích thuốc an thần.
Chị Bích, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh) cho hay, hai ngày qua lượng thịt bán ra tại sạp đã giảm khoảng 25%. Nhiều người tiêu dùng hỏi khá nhiều thông tin về nguồn gốc thịt. Nhiều tiểu thương cho rằng, họ là người bán lẻ, trong khi việc heo dính chất cấm (chất tăng trọng hay tạo nạc), chất an thần… diễn ra ở những khâu thu mua, giết mổ nên họ là những người thường bị vạ lây.
|
Dấu hiệu nhận biết thịt heo tồn dư chất an thần
Một số chuyên gia ngành chăn nuôi, thú y cho hay, rất khó để nhận diện thịt heo tồn dư chất an thần bằng mắt thường.
Chuyên viên thú y có thể nhận biết một số biểu hiện (lừ đừ, ngủ li bì, có vết chích mới…) khi vật nuôi còn sống, còn khi đã xẻ thịt thì khó nhận biết.
Thông thường, chích thuốc an thần nhằm thuận lợi cho việc bơm nước vào cơ thể heo, ăn gian trọng lượng.
Người tiêu dùng có thể nhận biết thịt từ heo bơm nước: miếng thịt mềm, ướt, thớ thịt căng mọng, đặc biệt khi ấn ngón tay vào thấy nước từ thớ thịt chảy ra.
Kiến nghị tiêu hủy toàn bộ số heo bị chích thuốc
Chiều 1/10, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, sẽ kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất cơ quan chức năng tiêu hủy 3.750 con heo bị chích thuốc an thần.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, nếu không có quá trình theo dõi, điều tra và không phát hiện thì không ít thịt heo tồn dư thuốc an thần sẽ tới mâm cơm người tiêu dùng. Việc phạt tiền rồi cho giết thịt sẽ không đủ sức răn đe.
Song song với kiến nghị trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng đề xuất cơ quan chức năng công bố đầy đủ 13 chủ hàng và đưa vào danh sách “đen” để kiểm soát. Đồng thời, ban kiến nghị tạm ngừng hoạt động của lò mổ Xuyên Á.
Tiến Đạt
|
Thư Hùng