Bất an với khẩu trang y tế vứt bừa bãi

19/02/2020 - 07:21

PNO - Những chiếc khẩu trang sau khi sử dụng được vứt bừa bãi không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Khẩu trang y tế vương vãi trên đường

Chị Thanh Hiền, chủ quán trà sữa trên đường song hành quốc lộ 22, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TPHCM bức xúc: “Ngày 17/2, tôi chạy một vòng qua hàng chục nhà thuốc để mua khẩu trang và để ý thấy la liệt những chiếc khẩu trang y tế vứt bừa bãi ở những đống rác, bên vệ đường cũng như ngoài đường, trông rất phản cảm”.

Cũng vậy, bà Nguyễn Thị Phượng, 68 tuổi, ở Q.3, TPHCM, lo lắng: “Sáng nào tôi và nhóm bạn cùng tập dưỡng sinh cũng đi qua các con đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám… Cứ đi vài mươi bước là lại thấy khẩu trang y tế nằm chỏng chơ trên đường”.

Khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi rất có thể là nguồn lây lan dịch bệnh
Khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi rất có thể là nguồn lây lan dịch bệnh

Dọc các tuyến đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Quốc lộ 22 hướng ra các quận huyện ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi, thứ “rác y tế” ấy xuất hiện càng nhiều hơn, thậm chí còn có cả những chiếc găng tay cao su dùng cho các y bác sĩ cùng vô vàn những chiếc túi ni-lông, hộp xốp, thùng mút xốp. Chị Nguyễn Thị Thu, một nữ công nhân vệ sinh cho rằng do thiếu ý thức nên người ta mới vô tư xả rác trên  đường. Người này vứt được thì người kia cũng vứt, nên nhiều nơi trên Quốc lộ 22 bị biến thành bãi rác.

Một chị làm nghề thu gom rác dân lập trên địa bàn Q.Tân Bình thất vọng: “Dân tình là vậy, họ chẳng có ý thức, thứ gì cũng vứt ra đường”.

Luật cần phải được thực thi

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trên thế giới đã ghi nhận hơn 71.000 ca nhiễm bệnh và hơn 1.700 người tử vong do vi-rút COVID-19. Việt Nam cũng đã có 16 ca dương tính với loại vi-rút này.

Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng nơi quy định. Tuy nhiên, không ít người vẫn vô tư vứt khẩu trang sau khi sử dụng một cách bừa bãi. 

ab
Những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường

Ngoài làm mất mỹ quan đô thị, hành vi trên còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là khi bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính vì thế, vào cuối tuần qua, Bộ Y tế đã ban hành công văn đề nghị xử lý đối với hành vi vứt khẩu trang không đúng nơi quy định.

Bộ này cũng đã đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về cách dùng khẩu trang, khi tháo bỏ khẩu trang phải cho ngay vào thùng rác có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay.

Đồng thời với đó là việc bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại những nơi công cộng; tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt thải khẩu trang bừa bãi.

Lo cho hàng ngàn nhân viên vệ sinh

Ông Huỳnh Thanh Toàn - Đội trưởng Đội vệ sinh Tân Phú, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, cho rằng, dẫu không có dịch bệnh do Covid-19 thì vẫn phải xử phạt hành vi vứt khẩu trang ra đường phố, nơi công cộng, bởi đây không phải là rác thải sinh hoạt thông thường mà chính là rác thải y tế với nguy cơ lây lan nhiều loại dịch bệnh, vi trùng có hại.

Với góc độ của nhà quản lý việc thu gom rác thải, ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, bày tỏ sự quan ngại đến tình hình sức khỏe của đội ngũ công nhân vệ sinh khi phải thu gom thêm rác thải y tế ngay trên đường phố.

Ông cho biết, dù công ty đã trang bị đầy đủ vật dụng bảo hộ lao động như quần áo, giày, khẩu trang, găng tay, nước rửa tay cho 1.900 lao động và thường xuyên tổ chức sát khuẩn, khử trùng các dụng cụ, trang thiết bị hằng ngày, hằng tuần, nhưng không có nghĩa là bảo vệ được người lao động 100% trước nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì thế, “rất mong người dân thành phố cùng nhau chia sẻ khó khăn với công nhân vệ sinh cũng như lực lượng hàng ngàn người lấy rác dân lập trên địa bàn thành phố. Dùng xong khẩu trang, hãy cẩn thận bỏ chúng vào thùng rác, hành động đó không mất nhiều thời gian của mỗi người, lại vừa văn minh, vừa bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cả cộng đồng” - ông Huỳnh Minh Nhựt kêu gọi.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI