PNO - Đại biểu Quốc hội quan ngại về tình trạng tội phạm tham nhũng, buôn bán người, buôn bán ma túy, xâm hại trẻ em... gia tăng cả về số lượng lẫn quy mô.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ sáu, ngày 21/11, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và tham nhũng
Đại biểu Lê Hữu Trí (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, thông qua các báo cáo, tình hình an ninh, trật tự xã hội trong năm qua còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội: cả nước xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 18%; trong đó, các loại tội giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi tăng mạnh. Tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn, nhiều loại “núp bóng” thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm, gây tác hại nhiều mặt cho người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên, đe dọa đến an ninh trường học.
Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhận xét, hầu hết loại tội phạm đều gia tăng. Hoạt động mua bán người diễn biến rất phức tạp, số đối tượng mua bán người bị khởi tố tăng 34,88% so với cùng kỳ năm trước với thủ đoạn nổi bật là ép nạn nhân bán dâm hoặc lao động cưỡng bức. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng mua bán bào thai, tuyển người vào làm trong các cơ sở lao động bất hợp pháp ở nước ngoài... Đặc biệt, tội phạm xâm hại trẻ em tăng 41,88% so với năm 2022, trong đó có nhiều vụ người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng lại xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị phải quan tâm, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng tội phạm. Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu), Chính phủ nêu nguyên nhân chủ yếu của tình trạng gia tăng tội phạm là do dịch COVID-19 gây ra khó khăn về kinh tế, xã hội, tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân. Nhưng còn một số nguyên nhân khác, như công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức dẫn tới hiệu quả còn thấp; phương thức cảnh báo về các thủ đoạn phạm tội, lừa đảo cũng chưa kịp thời.
Người được giao chống tham nhũng cũng... tham nhũng
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, trong năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra 7.072 cuộc, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022), trong đó 55 người là cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị đã được kết luận là “thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng”, 13 người đã bị xử lý hình sự, 42 người bị xử lý kỷ luật. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong 2.264 vụ án tham nhũng, thu hồi hơn 20.405 tỉ đồng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trích số liệu từ báo cáo của Chính phủ, ghi nhận: số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%, số tội phạm tăng 96,85%. Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Con số này cho thấy việc xử lý tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn nhưng cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế.
Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận), tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi hơn, hành vi tham nhũng vặt và nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân vẫn còn. Thậm chí, một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử cũng tham nhũng, tiêu cực.
Bà nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu: “Thực tiễn chỉ ra rằng, ở đâu mà người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại”.
Bà cũng cho rằng, cần có cơ chế đảm bảo cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội có hiệu lực. Theo bà, chính sách lương, phụ cấp cho cán bộ, viên chức bộc lộ nhiều bất cập. Để góp phần nâng hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, phấn đấu để họ sống được bằng lương và có thu nhập ở mức khá trong xã hội.
Chưa ngăn chặn hiệu quả nạn lừa đảo qua mạng
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc về tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) nói: “Chúng ta liên tục nghe các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Tôi tin rằng, chính mỗi vị đại biểu ở đây cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác. Thời gian tới, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục gia tăng”.
Bà đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng bằng cách chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Bà cũng mong các cơ quan chuyên môn tăng cường triệt phá các ổ nhóm tội phạm lừa đảo qua ứng dụng điện thoại, điển hình là những cuộc gọi mạo danh. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) phân tích, nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng nhưng luật hiện hành lại chưa có hướng dẫn về việc phong tỏa tài khoản khẩn cấp. Do đó, lực lượng chức năng không có cơ sở để ngăn chặn đối tượng lừa đảo tẩu tán số tiền vừa chiếm đoạt. Điều này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng và khiến người dân bị thiệt hại.
Vụ việc ở SCB làm lộ ra nhiều vấn đề
Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) gây rúng động dư luận xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, đây là vụ có số lượng tiền chiếm dụng và khả năng thất thoát nhiều nhất. Tội phạm trong vụ này có các hành vi táo bạo như làm khống cả ngàn hồ sơ vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỉ đồng từ SCB, trong đó có trên 500.000 tỉ đồng tiền gửi của người dân. “Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Có thể nói, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay” - ông nhận xét.
Theo ông, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản của các đối tượng trong vụ án này. Vụ án này cũng là hồi chuông cảnh báo để Chính phủ, các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về thực trạng vi phạm, tham nhũng, từ đó có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin nơi người dân.
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) lại lưu ý về việc sở hữu chéo ngân hàng từ vụ án này. Ông phân tích, thủ đoạn của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là thành lập doanh nghiệp mượn đứng tên, tạo ra các hệ sinh thái, lực lượng “ma” để làm méo mó các hoạt động tín dụng. Đây là thủ đoạn rất đơn giản, không chỉ chuyên gia mà ngay cả người dân, các cổ đông cũng hình dung được. Nhưng hành vi này vẫn kéo dài được nhiều năm, gây ra những hậu quả ghê gớm.
Theo ông, nếu không cẩn trọng, các tổ chức tín dụng rất dễ rơi vào tình trạng tương tự. Rất dễ nhận ra việc sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng nhưng các cơ quan chức năng lại đang lúng túng về giải pháp để chặt “vòi bạch tuộc” này.