Đào tạo tràn lan vượt ngưỡng quy hoạch, thiếu quy định chặt chẽ trong việc mở các ngành, đào tạo không gắn với thực tế… là những vấn đề bức xúc mà Đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có những giải pháp quyết đoán đưa vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này.
Đào tạo tràn lan - thừa thầy, thiếu thợ
Chiều 12/6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ sự quan tâm tới việc quy hoạch lại hệ thống ngành đào tạo hiện nay. ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu thực tế hiện nay có tới hơn 200.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc đào tạo đang “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển sinh với số điểm thấp, không đạt chất lượng đầu vào.
Để khắc phục tình trạng này, ông Mão đề nghị trong luật cần cân nhắc quy định mở mã ngành, cân đối nhu cầu lao động, tránh dàn trải, không có chất lượng.
Tương tự, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phản ánh: trong thời gian qua có tình trạng tăng nhanh các trường đại học về số lượng không theo quy hoạch, thậm chí “các nơi đều thi nhau xin mở trường”. Đây là điều trái với quyết định của Chính phủ ban hành năm 2013 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng, trong đó gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Nhưng tính tới nay đã có 235 trường đại học và học viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, dù không thành lập thêm trường đại học thì vẫn vượt chỉ tiêu đề ra cả chục trường.
Bên cạnh đó, quy mô đào tạo cũng đang “vượt ngưỡng” quy hoạch. Cụ thể, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo 2,2 triệu sinh viên cao đẳng, đại học nhưng đến năm học 2015-2016, con số này đã đạt hơn 1,7 triệu, chưa kể quy mô đào tạo hệ cao đẳng thuộc Tổng cục Dạy nghề.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, rà soát, quy định lại điều kiện mở ngành bởi “không phải ngành nào cũng giống ngành nào”. Theo đó, các ngành cần yếu tố kỹ thuật cao, tay nghề thực hành nhiều phải có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành, như cần đủ về nguồn lực giảng viên, về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập, nghiên cứu.
ĐB Lan lấy ví dụ, tại một số nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, để đào tạo bác sĩ thú y, họ đòi hỏi điều kiện rất khắt khe, phải có cơ sở thực hành, bệnh viện thú y để rèn tay nghề cho sinh viên, khác hẳn với việc mở các ngành đào tạo nông nghiệp.
“Tuy nhiên, đối với Việt Nam điều kiện để mở ngành đào tạo thú y và cấp giấy phép hành nghề cũng chưa có quy định riêng một cách chặt chẽ và cũng còn dễ dãi trong điều kiện mở ngành, gây nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo bác sĩ thú y ở một số cơ sở đào tạo”.
Các trường đủ điều kiện mới được trao “quyền tự chủ”
Liên quan tới vấn đề tự chủ cho các trường đại học, ĐB Nguyễn Thị Lan cho rằng, dự án luật phải cụ thể hóa được chủ trương “giáo dục là quốc sách”, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng. Do đó, tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục đại học là hướng đi đúng, nhưng ĐB Lan vẫn đề xuất các chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù như: y, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nông lâm ngư và một số ngành khó xã hội hóa bằng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường đại học có thế mạnh về lĩnh vực đó.
Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề “trọng tâm, then chốt” của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) lần này. “Thực tế cho thấy, quyền tự chủ không có mục đích tự thân mà là để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, việc trao quyền tự chủ cho trường đại học là một quá trình, khi nào cơ sở giáo dục đại học bảo đảm các điều kiện nhất định thì mới được trao quyền tự chủ”, thành viên của Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích.
Tán thành với cơ chế tự chủ đại học nhưng ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) lại bày tỏ lo lắng về khả năng cạnh tranh khi tăng học phí. ĐB này đề nghị trong dự thảo cần quy định các cơ sở giáo dục đại học công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí. Bên cạnh đó, không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các trường thu học phí cao cần có những quy định về học bổng, chính sách hỗ trợ nhóm sinh viên này.
Giải trình các ý kiến của ĐB Quốc hội liên quan tới vấn đề tự chủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là nội dung trọng tâm của luật. Theo đó, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình theo từng bước. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ và tiếp tục sang giai đoạn tự chủ cao hơn là không có bộ chủ quản.
“Tất nhiên, trong quá trình tự chủ phải bao gồm quá trình giám sát chất lượng và có lộ trình, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không có trách nhiệm về tài chính, đặc biệt là những trường ở vùng “3 Tây” (3 vùng khó khăn - PV) có đầu tư, có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí; đồng thời có những chính sách đặt hàng theo nhu cầu của Nhà nước. Những ngành có tính đặc thù, Nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.
Quy định “cứng” tiêu chuẩn hiệu trưởng sẽ bỏ sót người có năng lực
ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn liên quan đến tiêu chuẩn hiệu trưởng được quy định cụ thể và chi tiết trong dự án luật. Theo đánh giá của ĐB, với quy định quy chuẩn hiệu trưởng này, có hơn 10% viên chức tại các cơ sở giáo dục đại học có đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ không quản lý, điều hành tốt. Ngược lại, có những người quản lý điều hành tốt, được tập thể tín nhiệm, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn theo quy định.
“Tôi đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu giao quyền tự chủ cho hội đồng trường quyết định tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo khác để phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục, đào tạo”, ĐB Trí đề xuất.
Đồng tình với ĐB Lê Quang Trí, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi, liệu có nên quy định quá chi tiết về tiêu chuẩn hiệu trưởng hay không? Hiệu trưởng có thực sự cần thiết phải bầu lên từ chính khoa, phòng của nhà trường hay không, có cần 5 năm công tác tại trường không? Bởi như vậy sẽ đi ngược với nguyên tắc tự chủ, bỏ sót những nhà quản lý giáo dục có năng lực.
Thực tế, vấn đề được các ĐB Quốc hội quan tâm cũng đã từng xảy ra và nhận được nhiều luồng ý kiến của dư luận. Trước đó, giáo sư “quần đùi” Trương Nguyện Thành - người được phong danh hiệu giáo sư cao cấp nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ, đã quyết định chia tay Trường đại học Hoa Sen và quay lại Mỹ, vì không đủ điều kiện để được công nhận làm hiệu trưởng.
|
Huyền Anh