Bấp bênh thị trường tiêu thụ thanh long

14/01/2022 - 06:57

PNO - Mấy ngày qua, giá thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) “rẻ như cho”. Nỗi lo lắng về thị trường tiêu thụ bấp bênh vẫn thường trực ở nơi được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long của cả nước.

Sáng 13/1, giá thanh long ở H.Hàm Thuận Nam đã lên được 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng thực tế không có hàng bán vì hết lứa trái. Anh Lê Văn Dũng - chủ vựa thu mua thanh long ở H.Hàm Thuận Nam - cho hay ngay khi nghe thông tin các cửa khẩu Đông Hưng (Quảng Ninh) và Hà Khẩu (Lào Cai) mở cửa trở lại thì các nậu vựa thu mua thanh long ở Hàm Thuận Nam đã tức tốc vận chuyển khoảng 120 container hàng ra phía Bắc trong ngày 12/1.

“Trong số này, có nhiều chủ hàng là thương nhân Trung Quốc, số ít là các chủ vựa ở địa phương. Những chủ hàng này bất chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng khuyên không nên vận chuyển hàng đến biên giới lúc này vì lượng xe container còn bị kẹt tại biên giới chưa thông quan được khá nhiều”, anh Dũng cho biết.

Hiện theo thông tin từ phía Bắc báo về các vựa thì phía Trung Quốc mở cửa thông quan cửa khẩu Đông Hưng và Hà Khẩu, nhưng thực tế chỉ có cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Hà Giang) cho thông quan xe thanh long, còn cửa khẩu Đông Hưng xe trái cây vẫn chưa sang được. Theo nhận định của chủ vựa này, vấn đề là thông quan được hay không thôi, chứ thị trường Trung Quốc lúc giáp tết này nhu cầu tiêu thụ thanh long rất lớn. Hàng sang tới nơi hết ngay và có lãi cao.

Người trồng thanh long Bình Thuận đang rất lo lắng về sự bấp bênh của thị trường Trung Quốc (trong ảnh: Đóng gói thanh long xuất khẩu tiểu ngạch ở huyện Hàm Thuận Nam) - ẢNH: ANH TUẤN
Người trồng thanh long Bình Thuận đang rất lo lắng về sự bấp bênh của thị trường Trung Quốc (trong ảnh: Đóng gói thanh long xuất khẩu tiểu ngạch ở huyện Hàm Thuận Nam) - Ảnh: Anh Tuấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Thuận, từ nay đến tết Nguyên đán còn tới hai đợt thanh long chín rộ và người dân thu hoạch cho đợt bán tết. Sản lượng thu hoạch thanh long đợt này (20 tháng Chạp) khoảng 30.000 tấn là hàng chạy điện (thắp đèn) nên có chi phí đầu vào cao; nếu phía Trung Quốc không cho thông quan thì nông dân sẽ thiệt hại rất nặng.

Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam Trần Ngọc Diệp cho biết, sáng 13/1, ông tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND huyện tại xã Tân Thành, tiêu thụ thanh long đang là nỗi lo chung của bà con. Hiện diện tích và sản lượng trái thanh long ở H.Hàm Thuận Nam nói riêng và cả tỉnh Bình Thuận nói chung là quá lớn. Nếu không xuất khẩu được sang Trung Quốc lúc này thì thị trường nội địa không thể tiêu thụ hết được. Theo ông Diệp, huyện Hàm Thuận Nam đang khuyến cáo bà con không trồng thêm thanh long, mà chuyển sang chuyên canh nông nghiệp hữu cơ, chú trọng nâng chất lượng sản phẩm để xuất sang các thị trường khó tính khác. Mặt khác phải chuyển dần sang xuất khẩu có hợp đồng (chính ngạch) để tránh rủi ro.

“Cứ theo lối mòn truyền thống là trồng thanh long rồi chở đường bộ ra biên giới Trung Quốc bán tiểu ngạch thì sẽ vẫn còn rủi ro; quanh đi quẩn lại điệp khúc được mùa mất giá” - ông Trần Ngọc Diệp chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết sở đã khuyến cáo các doanh nghiệp và nông dân chia lẻ thanh long ra bán nội địa dịp tết này nhưng sức tiêu thụ không đáng kể. Ông Tấn cho rằng, về lâu về dài phải chuyển sang chuyên canh thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, EURO GAP để có thể xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)…. “Bên cạnh việc tìm kiếm các thị trường mới và thay đổi phương thức xuất khẩu thì cần có sự liên kết giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với nhà nông để sản xuất chế biến ra các sản phẩm từ thanh long”, ông Tấn cho hay. 

Phải bỏ tư duy “thị trường Trung Quốc dễ tính”

Tại diễn đàn tiêu thụ thanh long do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 6/1, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho rằng không chỉ các nước châu Âu, vấn đề quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đang được phía Trung Quốc siết chặt. Ngoài ra, phía bạn đang kiểm tra chặt dư lượng thuốc kháng sinh trên mặt hàng trái cây. 

Mặt khác ông Thiệt cho biết, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng làm ảnh hưởng đến thương hiệu thanh long. Hiện nay phía Trung Quốc kiểm tra gắt gao mã số vùng trồng, mã đóng gói. Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc vi phạm nhiều lỗi như vi phạm về kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và về hồ sơ lô hàng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần phải thay đổi tư duy về xuất khẩu và “phải bỏ ngay tư duy coi Trung Quốc là thị trường dễ tính”. Trung Quốc là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng không chỉ riêng trái thanh long mà còn các loại trái cây khác. Tuy nhiên phải thay đổi, không quá phụ thuộc vào một thị trường, mà phải chủ động tìm thị trường, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu thụ nội địa cho trái thanh long. 

 

Anh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI