LTS: Đô thị hóa ở TPHCM đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Những ruộng lúa, vườn rau dần nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Quy hoạch đất nông nghiệp, định hướng việc sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu bằng nghề nông đồng thời giữ mảng xanh cho phố thị là việc cần làm dù không dễ. |
Không nặng nhọc nhưng không có dư
Cúi xuống vốc 1 bụm muối trắng tinh, ông Nguyễn Văn Đổi - 63 tuổi, có 4 đời làm muối ở ấp đảo Thiềng Liềng - tỏ vẻ ưng bụng: “Đợt này nắng đều nên hạt muối trắng, to. Hạt muối như vầy là đẹp nhất rồi”.
|
Ấp Thiềng Liềng có khoảng 260 hộ dân, trong đó có khoảng 70 - 80% hộ sống bằng nghề làm muối - Ảnh: Tam Nguyên |
Dưới cái nắng rát mặt, 3 người con trai của ông Đổi cào muối trong ô thành 2 vồng rồi thay phiên nhau xúc muối lên xe rùa, đẩy vào nhà chứa muối, chờ cuối mùa, thương lái tới thu mua.
Sức khỏe không còn tốt nữa nên ông Đổi giao lại những việc nặng cho các con. Thế nhưng, ngày nào, ông cũng ra ruộng muối để coi lượng nước, độ mặn, chất lượng hạt muối kết tinh.
Ông nói: “Chiều nay thu xong, sáng mai tụi tui sẽ rút nước ra, làm vệ sinh sạch sẽ rồi dẫn nước đủ độ mặn từ ô chứa kia vô. Nội trong ngày mai là có muối kết tinh trở lại, 10 ngày sau sẽ thu hoạch tiếp nếu nắng cứ đẹp như vầy”. Ông cho hay, nước đang chứa trong các ô muối được bơm từ sông, dẫn qua các ô ruộng, độ mặn trong các ô tăng dần lên. Sau bơm nước khoảng 15-20 ngày là có muối.
Ông Đổi kể: “Nghề làm muối ở huyện Cần Giờ bắt đầu từ năm 1974. Lúc đó, tui 15 tuổi, cùng cha tui, chú tui rời huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), mang theo nghề muối của ông nội về đây khi ấp Thiềng Liềng chưa có dấu chân người”.
Ông tiếp: “Thời đó, máy nổ chưa có, làm muối hoàn toàn thủ công, muốn lấy nước từ sông vô cũng phải quay tay, đạp chân. Đến khi muối kết tinh, phải cào bằng tay rồi gánh bằng đòn gánh hàng tấn. Công việc rất nặng nề. Với công nghệ làm muối bạt như bây giờ, việc làm muối đỡ cực hơn nhiều, bà con cũng dùng xe rùa nên đỡ phải gánh”.
|
Nghề muối ở ấp Thiềng Liềng cho thu nhập không cao, lại bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết. Năm ngoái, mưa trái mùa đã gây thiệt hại trên 28.000 tấn muối ở ấp này - Ảnh: Tam Nguyên |
Hiện nay, gia đình ông Đổi có khoảng 5ha đất làm muối bạt, là một trong những hộ có diện tích làm muối lớn nhất ấp Thiềng Liềng. Ấp này có khoảng 260 hộ dân, trong đó, khoảng 70 - 80% hộ sống bằng nghề làm muối. Số còn lại không có ruộng đất, hoặc ruộng đất quá ít thì sống bằng nghề mò cua, bắt cá. Đến mùa muối, họ đi cào muối thuê.
Cách ruộng ông Đổi không xa, bà Nguyễn Thị Dân - 60 tuổi - mặc đồ kín mít dẫn nước từ ô này sang ô kia. Một mình bà lọt thỏm giữa ruộng muối mênh mông. Bà nói: “Nghề của mình thì mình làm chứ tụi trẻ ngán lắm. Ngặt nỗi, ở đây, ngoài làm muối còn làm gì được? Những người mướn đất thì bỏ nghề vì không có ăn. Mùa rồi thất, mần được có 4.000 giạ”.
Bà nói thêm: “Cũng nhờ làm muối mà tui nuôi được 4 đứa con. Hồi xưa, đất nhà có 1ha thôi, cũng nhờ muối mà dành dụm, mua được 4ha. Nhưng mấy năm nay, mần muối chỉ đủ ăn chớ không có dư”.
Sản lượng, giá cả đều bấp bênh
Ông Nguyễn Văn Yến - Trưởng ấp Thiềng Liềng - cho biết, ấp hiện có khoảng 396ha đất làm muối, trong đó có 80ha nằm trong đê bao, được quy hoạch làm cánh đồng muối. Diện tích nằm ngoài quy hoạch sẽ được định hướng chuyển đổi ngành nghề, như kết hợp nuôi tôm, nuôi yến để có thu nhập tốt hơn. Hiện nay, nếu chỉ làm muối thì không thể đủ sống.
Theo ông Yến, trước đây, vùng này có 2 mùa rõ rệt. Mùa muối chính là mùa khô bắt đầu từ đầu tháng Mười âm lịch, kéo dài đến hết tháng Ba, sản lượng thu hoạch rất lớn. Mấy năm nay, thường xảy ra mưa trái mùa. Đang làm muối mà gặp mưa là hư hết; nửa tháng sau nước vẫn chưa đủ độ mặn để làm muối. “Năm rồi thất muối ghê lắm. Sản lượng của xã bình quân đạt 40 tấn/ha, trong khi những năm trước là từ 80-100 tấn” - ông Yến thông tin.
|
Phút nghỉ ngơi của diêm dân trên ruộng muối - Ảnh: Tam Nguyên |
Ông Đổi cho hay, tết Nguyên đán vừa rồi, triều cường lên 2 đợt khiến trên 50% diện tích đất sản xuất ngập nước. Đầu vụ, diêm dân đã đắp bờ rất cao nhưng triều cường còn cao hơn mức dự đoán. Theo ông, chưa có năm nào mà triều cường dâng cao như vậy: “Làm muối bây giờ khỏe hơn nhưng bấp bênh hơn. Như năm rồi, tui làm 5ha muối mà không dư đồng nào”.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ du lịch Thiềng Liềng - nghề muối còn chịu cảnh “được giá mất mùa” và ngược lại. Năm 2015, giá muối chỉ còn 300 đồng/kg. Cuối năm 2022, muối mất mùa, giá muối lại lập kỷ lục 3.200 đồng/kg. Giá tăng nhưng diêm dân lại không có muối để bán. Đầu vụ 2023, diêm dân có muối để bán thì giá rớt xuống chỉ còn 1.200 đồng/kg.
Hiện tại, ông Đổi đang chuyển một phần đất làm muối sang nuôi tôm để có công ăn việc làm vào mùa mưa. Ông nói: “Chỉ dựa vô muối là thua”. Còn ông Yến thì cho thuê đất bởi con cái không theo nghề muối nữa.
Ông Yến nói, nhân lực để duy trì nghề muối là một vấn đề lớn, bởi lớp trẻ không mặn mà với nghề muối. Ông kể: “Đợt thằng con về nhà, tui kêu ra ruộng phụ ít ngày rồi lên thành phố nhập học. Nó nói làm xong, lên đó nhập viện luôn chớ nhập học gì”.
Thu nhập từ nghề làm muối thấp Nghề muối ở huyện Cần Giờ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Muối Cần Giờ chủ yếu bán thô cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến. Ấp Thiềng Liềng có khoảng 80ha được quy hoạch sản xuất muối. UBND huyện luôn quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ để bà con phát triển nghề muối. Từ sản xuất theo phương pháp kết tinh trên nền đất, hầu hết các hộ đã chuyển sang phương pháp kết tinh muối trên nền trải bạt, xây dựng hầm trữ nước nên giảm đáng kể giá thành sản xuất muối. UBND huyện cũng đặt hàng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối và các sản phẩm chế biến từ muối, đưa muối vào chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) đồng thời phối hợp các sở, ngành giới thiệu các doanh nghiệp ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ muối của hợp tác xã và diêm dân. Ngoài làm muối, thời gian gần đây, bà con ấp đảo Thiềng Liềng còn làm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Hiện đã có 1 hợp tác xã và 1 hộ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ muối để bán cho khách du lịch. Ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ |
Không bỏ nghề nếu giá trị hạt muối cao hơn Năm 2019, tôi nhận thấy có nhiều khách du lịch tự đi đò sang để tìm hiểu về đời sống bà con ở ấp Thiềng Liềng. Đến đây, họ không tìm thấy đặc sản gì để mang về làm quà. Tôi nhìn đi nhìn lại, thấy địa phương chỉ có muối. Tôi nghĩ đến việc làm các sản phẩm từ muối để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình và nâng giá trị hạt muối lên. Hiện tại, muốn duy trì nghề làm muối, đầu ra phải ổn định. Mô hình du lịch cộng đồng vừa hình thành sẽ giúp kinh tế Thiềng Liềng phát triển trong tương lai. Nhưng muốn làm du lịch cộng đồng hiệu quả, cần phải duy trì làng nghề. Là người đứng đầu hợp tác xã, tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nơi khác để thu hút khách du lịch. Tôi đang cố gắng làm ra các sản phẩm từ muối như muối ớt, muối tôm, muối tiêu, các sản phẩm muối thảo dược ngâm chân. Thiềng Liềng là ấp đảo, phí vận chuyển rất cao nên sản phẩm làm ra chỉ mới phục vụ người địa phương và du khách chứ chưa đưa đi các tỉnh được. Tôi mong chính quyền trợ giá vận chuyển cũng như quảng bá để sản phẩm có thể đi xa hơn. Giá trị kinh tế của hạt muối cao hơn thì đời sống của người làm nghề mới khá lên được. Khi đó, chắc chắn không ai bỏ nghề muối. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ du lịch Thiềng Liềng |
* Kỳ tới: Kỳ vọng về “dải lụa xanh” ven sông Sài Gòn
Thu Lê