edf40wrjww2tblPage:Content
Kẻ gian thường lợi dụng lúc bảo vệ sơ hở và mất cảnh giác để hành động - Ảnh: Phùng Huy
LƠ LÀ CẢNH GIÁC
Vụ án mạng vừa xảy ra tại Trường tiểu học Bình Long (đường 1A thuộc KP.7, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã khiến nhiều người hoang mang vì nạn nhân chính là bảo vệ của trường, ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1959). Rạng sáng 2/8, một số giáo viên đến trường đã phát hiện ông Tấn nằm chết trong vũng máu. Công an Q.Bình Tân khám nghiệm hiện trường cho biết, chiếc điện thoại di động ông Tấn hay sử dụng có thể đã bị kẻ gian lấy mất. Đáng lo ngại hơn, thời điểm ông Tấn bị giết, trong trường còn một bảo vệ khác nhưng người này không hề biết đồng nghiệp gặp nạn.
Tuy vừa qua có nhiều vụ phạm pháp hình sự đã xảy ra tại các trường học, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, công tác kiểm tra người ra vào và tuần tra ban đêm khá lơ là. Sáng 21/8, chúng tôi có mặt tại Học viện hành chính quốc gia TP.HCM. Ở cổng chính trên đường Ba Tháng Hai, dù có bảo vệ trực nhưng chúng tôi vẫn đi thoải mái vào gửi xe ở khu vực bãi giữ xe của trường vì bảo vệ này đang chăm chú vào điện thoại di động. Một số sinh viên cho biết, khu vực cổng sau của trường còn có một quán cà phê nên mọi người ra vào thoải mái. Trước đó, một buổi tối tháng Bảy, chúng tôi đến Trường Lâm Văn Bền trên đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè. Trời đang mưa nhỏ, bên ngoài cổng có nhiều thanh niên tụ tập nhưng bảo vệ của trường vẫn nằm trên giường xếp bật ti vi xem phim.
Theo Trung tá Tăng Văn Liệt, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.12, hiện rất nhiều trường học đang sử dụng bảo vệ cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo cho việc canh gác. Trên địa bàn Q.12 vừa xảy ra vụ trộm cắp xe máy ở Trường trung cấp Đông Nam Á. Nửa đêm, bọn trộm đột nhập vào nhà giữ xe, phá khóa lấy đi một lúc sáu xe máy nhưng bảo vệ không hề hay biết do… ngủ say. Trong một vụ trộm cắp tài sản khác xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi (khu phố 5, P.Hiệp Thành, Q.12), kẻ gian đã phá cửa phòng hành chính, phá két sắt trộm hơn một tỷ đồng. Sau khi bọn trộm ôm tài sản trốn hết, bảo vệ mới phát hiện sự việc và trình báo công an.
Thiếu tá Trần Kim Sơn, Phó đội hình sự công an Q.Thủ Đức, phụ trách lực lượng trinh sát cho biết, rất nhiều lần trinh sát hình sự tuần tra ngang các trường học phát hiện đối tượng nghi vấn nhưng nhìn vào trong trường thì thấy bảo vệ đang... ngủ. Có trường hợp bảo vệ bật ti vi âm thanh lớn nên không thể phát hiện có âm thanh lạ trong khuôn viên trường. Chính vì vậy, các vụ trộm cắp tài sản trong trường học được bảo vệ phát hiện không nhiều. Điển hình như vụ trộm cắp tài sản mới đây xảy ra tại Trường ĐH Thể dục thể thao Trung ương 2, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, tên trộm bị các sinh viên đuổi theo bắt giữ. Làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng khai nhận đã nhiều lần đột nhập vào khu vực nhà ở của các vận động viên để trộm cắp trót lọt.
Đồ nghề trộm xe máy mà đạo chích vứt lại trường học
Két sắt trường học bị phá tung dù trường có bảo vệ
KHÔNG TIỀN NÊN KHÓ CHẤT LƯỢNG
Phần lớn bảo vệ ở các trường đều là người cao tuổi và đa phần không qua các lớp nghiệp vụ chuyên môn, vì nhân viên bảo vệ thuộc biên chế do ngân sách trả lương nên thu nhập không cao, chỉ trên dưới hai triệu đồng/tháng, không thể kiếm ra bảo vệ chuyên nghiệp hay người trẻ tuổi, thậm chí có trường còn tuyển nhầm “kẻ cắp”. Cơ quan cảnh sát điều tra công an Q.Thủ Đức từng tạm giữ hình sự Ngô Quang Hùng (27 tuổi, quê Hải Phòng) là bảo vệ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn để điều tra xử lý hành vi “trộm cắp tài sản”. Theo điều tra, Hùng đi tuần tra trong khuôn viên nhà trường thì phát hiện trước nhà thi đấu đa năng có hai máy tính xách tay, một bóp tiền của hai nữ sinh viên đang đi dạo chụp hình gần đó. Hùng đã lấy số tài sản trên, đem giấu trong phòng giáo viên chờ thời cơ tiêu thụ. Một số sinh viên năm hai của trường cho biết, trước khi bị bắt, Hùng từng hỏi mượn tiền nhiều sinh viên với lý do thua cá độ bóng đá.
Theo quy định, mỗi trường học thường chỉ có hai bảo vệ nằm trong biên chế được hưởng lương từ ngân sách. Nếu trường muốn thuê thêm thì phải tự “móc tiền túi”. Một hiệu trưởng trường mầm non (MN) ở Q.5 cho biết: Trường MN nào cũng có một cửa chính và cửa phụ, nên bảo vệ rất “đa năng”, vừa phải gác cổng, vừa trông coi an toàn khu vực trong trường học, lại kiêm nhiệm vụ giữ xe. Vào giờ cao điểm đón và trả trẻ, phụ huynh ùa vào rất đông, bảo vệ rất khó phát hiện kẻ gian.
Ths Nguyễn Bá Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) cho biết: khu vực quanh trường tương đối phức tạp, quy mô trường quá lớn, đến hơn 2.000 học sinh nên hai bảo vệ có phần quá tải. Tài sản máy móc, trang thiết bị dạy học ngày càng nhiều, trường đang cân nhắc thuê thêm một bảo vệ và tính đến phương án gắn camera để quan sát khu vực quanh sân trường. Nhưng, chuyện vẫn còn là… dự tính vì chưa tính được kinh phí để tự trả lương.
Theo một cán bộ điều tra Công an TP.HCM, thời gian các đối tượng gây án tại trường học thường từ 12g đêm đến 6g sáng. Lợi dụng đêm khuya vắng người, nhân viên giữ xe ngủ say, các đối tượng dùng kìm cộng lực phá khóa cửa, hàng rào, đột nhập lấy trộm xe gắn máy với số lượng lớn. Ngoài ra, bọn trộm còn thường đi thành nhóm từ hai đến bốn tên, dựng tình huống gây lộn tranh cãi, đánh nhau với lực lượng giữ xe, tạo sơ hở cho đồng bọn trộm cắp.
Các trường học cần thiết phải trang bị camera và có chuông, đèn báo động ở những nơi bọn trộm cắp có thể đột nhập; phải bố trí người trực 24/24, khi phát hiện đối tượng nghi vấn phải cử lực lượng theo dõi giám sát, tổ chức vây bắt khi chúng ra tay. Với lời khuyên trên, nhiều hiệu trưởng than “khó làm”. Trường rất muốn thuê bảo vệ chuyên nghiệp chia ca trực 24/24, lắp đặt hệ thống báo động, camera quan sát để chống trộm nhưng… tiền đâu mà làm. Mọi khoản chi tiêu của trường đều phải được tính toán cẩn thận vì “chiếc bánh” ngân sách không cho phép làm những chuyện ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ công tác giảng dạy, chi lương giáo viên... Nếu tính đến phương án vận động phụ huynh thì cũng dễ bị phản ứng. Thực tế đó đã khiến an ninh trường học bị xem nhẹ, trong khi học sinh là đối tượng ít khả năng phòng vệ và cần được bảo vệ nhất.
Vinh Quốc- Gia Tuệ