|
Một bé gái bị tai nạn gãy tay, chân được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu |
Ngày 17/6, tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể 2 bé gái (2 tuổi và 8 tuổi) là chị em ruột, tử vong trong khu vực ao của một dự án tái định cư. Nguyên nhân nghi do trẻ bị đuối nước. Trước đó, 2 bé khác là chị em ruột bị đuối nước trong hồ bơi ở phường Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh). Cùng gia đình đi nghỉ dưỡng, trong lúc cha mẹ không để ý, 2 bé đã bị ngã xuống hồ bơi. Gia đình lập tức đưa 2 bé đi bệnh viện nhưng bé gái 4 tuổi đã tử vong. Sau hơn 1 tuần điều trị, bé gái 7 tuổi cũng qua đời.
Nhiều trường hợp trẻ đuối nước, phỏng…
Cứ tới hè, tình trạng trẻ đuối nước lại tăng. Mới đây, tại huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), 2 bé gái cũng được phát hiện đuối nước trên sông Bưởi. Sau đó, nạn nhân được đưa tới trung tâm y tế cấp cứu nhưng không qua khỏi. Bác sĩ Lê Nhật Cường (Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, ngay từ thời điểm cuối tháng Tư, đơn vị này đã ghi nhận liên tiếp 3 ca bị đuối nước. Có trường hợp do mẹ bận làm việc, bé ngã xuống hồ cá cảnh; trẻ rủ nhau đi tắm ao bị đuối nước…
Tất cả bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn và phải áp dụng các biện pháp lọc máu liên tục, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở; sử dụng thuốc trợ tim; hạ thân nhiệt để bảo vệ não… Mặc dù trẻ hồi phục sau cấp cứu, song các di chứng thần kinh có thể xảy ra sau này.
Cùng với đuối nước, các tai nạn thương tích luôn “rình rập” trẻ khi đến hè. Đầu tháng Sáu, Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho bé trai 11 tuổi (tỉnh Cao Bằng) bị phỏng điện cao thế. Theo gia đình, trẻ cùng các bạn leo lên cột điện cao thế bắn chim, sau đó bị điện giật, ngã từ cột điện cao 10m xuống đất. Trẻ bất tỉnh 15 phút, đau rát toàn thân, khó thở, chảy nhiều máu mũi… Người dân phát hiện và đưa trẻ tới trạm y tế sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cũng cảnh báo các vụ phỏng điện, nước ở trẻ. Đáng lưu ý là trường hợp bé trai 9 tuổi bị vấp vào dây điện máy bơm bị hở khi đang chơi đá banh trong nhà. Sau khi được người nhà sơ cứu 20-30 phút, trẻ được đưa vào viện cấp cứu với nhiều vết phỏng sâu, phải cắt lọc, ghép da. Hay một trường hợp khác là bé trai 7 tuổi bị phỏng nước sôi vì đổ nước mì tôm vào gót chân và bộ phận sinh dục…
Tại TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, mới đầu hè nhưng số lượng trẻ bị tai nạn sinh hoạt được đưa vào cấp cứu đang có xu hướng tăng. Đa số các bé bị tai nạn giao thông, phỏng nước sôi, phỏng điện, thậm chí có trẻ bị rắn cắn, đuối nước…
Chăm con trai 8 tuổi bị phỏng điện tại bệnh viện, anh K’Sor - 32 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk - không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại 2 tuần trước, vợ anh đang nấu ăn thì nghe tiếng con hét lớn bên nhà hàng xóm. Chạy qua tìm con, chị chết đứng khi thấy 2 chân bé bị cháy ngùn ngụt.
“Sau khi lửa tắt mới biết, con tôi đi chơi, vô tình đạp lên sợi dây điện bị đứt, điện phóng cháy chiếc quần đang mặc” - anh K’Sor nói. Người dân ở đó đã vội vàng đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Bé được chẩn đoán phỏng sâu độ 4, phỏng diện tích rộng, nhiễm trùng, hoại tử gần hết 2 chân nên phải chuyển đến TPHCM tiếp tục chữa trị.
Hiện bé đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử, điều trị tích cực, cố gắng giữ lại đôi chân. Các bác sĩ cũng tập vật lý trị liệu để hạn chế co rút vết thương. Tuy nhiên, cả 2 chân của bé yếu liệt, không đi lại được. Sau khi lành bệnh nguy cơ để lại di chứng khá cao, ảnh hưởng đến vận động của bé.
|
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn sơ cấp cứu cho người ngừng tuần hoàn |
Nguy hiểm tính mạng vì cấp cứu sai cách
Theo các chuyên gia, thời điểm nghỉ hè, trẻ không đến trường nên có nhiều thời gian để thỏa mãn sở thích chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, hầu hết trẻ chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro nên rất dễ gặp tai nạn. Thực tế, chính người lớn vẫn còn loay hoay khi đối diện với các trường hợp tai nạn.
Điển hình như vụ 2 trẻ tử vong ở hồ bơi Quảng Ninh. Qua hình ảnh camera trong căn hộ, khi phát hiện trẻ đuối nước, 2 người đàn ông đã cấp cứu bằng cách bế xốc ngược trẻ lên, chạy 1 vòng rồi mới đặt xuống sàn nhà để ép tim ngoài lồng ngực.
Theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương - cách cấp cứu này là sai. 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu trẻ đuối nước. Việc sơ cứu không đúng gây chậm trễ, làm mất khoảng thời gian này, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ. Khi nạn nhân bị dốc ngược, dịch dạ dày sẽ trào ngược vào đường thở.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo, việc người dân trang bị kiến thức sơ cấp cứu vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc. Trung tâm Cấp cứu A9 đã tiếp nhận không ít bệnh nhân có thêm bệnh cảnh nặng nề do bị cấp cứu sai cách. Thậm chí, rất nhiều trường hợp tử vong do nôn nóng cứu người khác, bỏ qua yếu tố an toàn của bản thân.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Hải Lợi (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2), đa số bệnh nhi được phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ có tỉ lệ phục hồi cao. Tuy nhiên, vẫn có trẻ bị thương tật rất nặng nề, nguy cơ để lại di chứng. Có những tai nạn đòi hỏi trẻ phải được sơ cấp cứu ngay tại hiện trường để giảm nguy cơ tiến triển nặng, thậm chí tử vong. Như trẻ bị hóc dị vật đường thở, đuối nước… nếu không khai thông đường thở ngay thì tổn thương não, tổn thương đa cơ quan, di chứng não nghiêm trọng.
Để tránh rủi ro, tai nạn sinh hoạt ngày hè, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ các tình huống nguy hiểm với nước sôi, đồ điện, khi đi cầu thang, leo núi… Hướng dẫn trẻ cách phát hiện, tránh các mối nguy hiểm ở địa điểm du lịch mà cha mẹ sắp đưa con đến nghỉ ngơi, vui chơi. Quan trọng nhất là người lớn tuyệt đối không rời mắt khi trẻ chơi đùa, sinh hoạt, nhất là ở các nơi có sông, hồ, biển, thác nước… Cha mẹ cũng cần dạy con kiến thức sơ cứu cơ bản, cách báo hiệu, cầu cứu khi xảy ra tai nạn.
Các bước cơ bản sơ cứu nạn nhân Mỗi kiểu tai nạn, thương tích có cách sơ cứu khác nhau. Dù vậy, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, nguyên tắc chung sẽ tiến hành theo các bước: đánh giá hiện trường, đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân, gọi trợ giúp (113, 114, 115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển. Khi gọi cho số máy khẩn cấp cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, thông báo về loại tai nạn, tổn thương, mức độ nghiêm trọng, nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn… Với trường hợp tai nạn giao thông, để đề phòng bệnh nhân bị gãy đốt sống cổ, bác sĩ Ngô Đức Hùng khuyên nên giữ họ nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến. Với các trường hợp bị ngừng tuần hoàn, hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu. Hồi sinh tim phổi cơ bản phải thực hiện cho tới khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế. Để cấp cứu nạn nhân đuối nước, nên đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí; kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ. Nếu trẻ bất tỉnh, người thực hiện sơ cứu quan sát lồng ngực có di động hay không. Từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. |
Huyền Anh - Phạm An