Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị ép lao động sớm

03/08/2023 - 06:06

PNO - Nhiều trẻ đã từng phải làm nhiều công việc như: thổi lửa mua vui ngoài đường, giúp việc, bốc vác, ăn xin... trước khi được nhận vào các mái ấm.

Nhiều trẻ em bị ép đi làm

K.V. (quận 1), 12 tuổi, sống trong một đại gia đình có ông bà, cha mẹ và 6 anh chị em, đứa nhỏ nhất gần 4 tuổi. K.V. cũng là một trong rất nhiều đứa trẻ phải tham gia lao động sớm. Ngay từ những ngày đầu hè, em đã tự đến một quán ăn gần nhà xin phụ bưng bê, thời gian làm việc từ 17 giờ đến 21 giờ.

Hỏi nguyên nhân: K.V. nói: “Con ngán ở nhà phải giữ em nên xin đi làm. Chủ quán có trả tiền công nhưng con không nhớ là bao nhiêu. Có tiền con giữ lại một ít để xài, còn thì có lúc con cho mẹ, có lúc con cho bà”. Chúng tôi hỏi: khi con đưa tiền, mẹ và bà có ai hỏi tiền ở đâu con có không? Ba mẹ có biết con đi làm không? K.V. nói: “Con cũng không biết, con đưa tiền mẹ cũng không nói gì”. 

Cuộc sống gia đình K.V. khó khăn khi chỉ có mình ba em đi làm, mẹ ở nhà nuôi con nhỏ, bà dù đã lớn tuổi nhưng vẫn đi phụ làm bánh tráng. 

2 em nhỏ bị bắt ngồi ở đường Châu Văn Liêm, quận 5 để xin tiền - ẢNH: SƠN VINH
2 em nhỏ bị bắt ngồi ở đường Châu Văn Liêm, quận 5 để xin tiền - ẢNH: SƠN VINH

Em N.N. (quận Bình Thạnh) hiện đang sống cùng mẹ và em gái 3 tuổi. 16 tuổi nhưng N. mới vừa học xong tiểu học. Mẹ em làm thợ may nhưng công việc không ổn định nên cứ sau giờ học, em lại theo mẹ đi bán bánh tráng trộn. 

Còn em N.T. (quận 1), tuy chỉ mới 12 tuổi nhưng khá chững chạc trong suy nghĩ. Ba mẹ T. chia tay nhau đã nhiều năm. Mẹ đã có gia đình mới nên T. sống với ba và bà nội. Biết ba không có công việc ổn định, bà nội đã già yếu nên từ nhỏ em đã phụ bà bán nước giải khát. Hằng ngày, em dậy sớm phụ bà dọn quán rồi mới chuẩn bị đi học. Khi rảnh, em phụ bà bưng bê, rửa ly, lau bàn. Tối đến lại phụ bà dọn dẹp. 

Ở trên chỉ là vài trong 250 trẻ em đến từ các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn TPHCM tham gia hội trại “Chắp cánh ước mơ” vừa được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức vào ngày 21/7 vừa qua.

Tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em” với chủ đề “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” - hoạt động nằm trong chương trình hội trại, nhiều trẻ cho biết đã từng làm các công việc khác nhau như thổi lửa mua vui ở ngoài đường, giúp việc, bốc vác, bán hàng, ăn xin… trước khi được nhận vào các mái ấm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ phải đi làm sớm như hoàn cảnh khó khăn, phụ giúp ba mẹ hoặc không muốn đi học vì không theo kịp chương trình… Khi phải đi làm sớm, các em đã từng bị hoặc từng chứng kiến những đứa trẻ khác bị bắt nạt, trấn lột, bị chủ la mắng, thậm chí là không trả lương… 

Các em nhỏ bị ép đi thổi lửa xin tiền… nay được đưa về nuôi dưỡng tại các trung tâm hỗ trợ xã hội ở TPHCM - ẢNH: DIỄM TRANG
Các em nhỏ bị ép đi thổi lửa xin tiền… nay được đưa về nuôi dưỡng tại các trung tâm hỗ trợ xã hội ở TPHCM - ẢNH: DIỄM TRANG

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Đại diện một số cơ sở bảo trợ cho biết từng tiếp cận một số trường hợp trẻ phải tham gia lao động sớm. Đáng buồn là kẻ “chăn dắt” trẻ đầu tiên lại chính là cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ.

Một số trường hợp cha mẹ xem con cái như một công cụ để kiếm tiền, trong khi họ lại lười lao động, ham mê cờ bạc... Những trường hợp này đều từ chối sự giúp đỡ hay nhã ý đưa trẻ vào các cơ sở bảo trợ để được chăm sóc. 

Trường Phổ cập phường 25 (quận Bình Thạnh) hiện có khoảng 150 trẻ đang theo học chương trình phổ cập từ lớp Một đến lớp Năm. Cô Phạm Thị Loan - quản lý trường - cho biết: “Trước đây, trường có rất nhiều học sinh phải đi làm thêm và những đứa trẻ này thường chỉ kéo dài việc học đến hết lớp Ba.

Để đảm bảo các em theo học hết chương trình học phổ cập, 2 năm trở lại đây, trường vận động những đứa trẻ có nguy cơ bị lạm dụng, phải đi làm sớm, nhất là đối với trẻ trong các gia đình đông con… tham gia lớp học bán trú, được hỗ trợ các bữa ăn tại trường cũng như hỗ trợ thêm gạo, nhu yếu phẩm mang về. Nhờ đó, mà tỉ lệ trẻ bỏ học hiện chỉ còn dưới 5%”. 

Chị Nguyễn Ngọc Hân - cán bộ dự án Cơ sở bảo trợ xã hội Tre Xanh - cho biết: “Tỉ lệ trẻ đã từng hoặc đang đi làm chiếm khoảng 30% số trẻ đang được bảo trợ tại Tre Xanh. Đa phần các em đi phụ bán quán ốc, quán nước, bán vé số, phụ ba mẹ đi làm lao công... Với những trường hợp đặc biệt này, Tre Xanh sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ trẻ và cả gia đình trẻ như: dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ, dạy kèm, tặng học bổng, tặng nhu yếu phẩm...”. 

Là chuyên gia quản lý dự án bảo vệ - chăm sóc trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, ông Nguyễn Lữ Gia cho biết: “Lao động trẻ em tại TPHCM rơi vào nhóm đối tượng trẻ em theo cha mẹ di cư từ nhiều tỉnh, thành khác đến kiếm sống. Trong đó, có một nhóm trẻ tham gia làm việc cùng cha mẹ như buôn bán lòng - lề đường. Một số khác tự đi làm với các công việc như bán vé số, ăn xin và nổi lên gần đây là trẻ em thổi lửa mua vui tại các tuyến đường, trung tâm thành phố...

Ngoài ra, còn có một nhóm trẻ cùng cha mẹ làm việc trong các cơ sở sản xuất nhỏ, xí nghiệp may, cơ sở gia công gia đình, hộ cá thể trong khu dân cư... và trường hợp này rất khó phát hiện”. 

Không ít em nhỏ bị đưa vào làm việc nặng nhọc tại các cơ sở may - ẢNH: SƠN VINH
Không ít em nhỏ bị đưa vào làm việc nặng nhọc tại các cơ sở may - ẢNH: SƠN VINH

Để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nhất thiết phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Lữ Gia cho rằng, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em, nhất là quyền được học tập, cho gia đình và cho chính trẻ.

Có những giải pháp căn cơ để hỗ trợ cho các gia đình nghèo nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động như: hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề, việc làm... (để gia đình bớt đi áp lực về kinh tế cũng như việc để trẻ tham gia lao động sớm); huy động nguồn lực xã hội cùng thành phố chăm lo cho trẻ em nghèo thông qua việc hỗ trợ dụng cụ học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí trẻ học bán trú; tăng cường biện pháp giám sát, xử lý của hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; cung cấp kiến thức về lao động trẻ em cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nhằm ngăn ngừa tình trạng sử dụng và bóc lột sức lao động trẻ. 

Theo ông Nguyễn Lữ Gia: “Trẻ tham gia lao động sớm, gia đình có thể thấy được cái lợi trước mắt nhưng không tránh được những ảnh hưởng lâu dài”. Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - nhận định: “Khi trẻ tham gia lao động sớm sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là không được đi học, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đứng trước nhiều nguy cơ không được an toàn.

Đặc biệt, cuộc đời trẻ và cả những khó khăn, trắc trở vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở những thế hệ tiếp theo. Với vai trò của cơ quan nhà nước, các ngành, chúng tôi sẽ phối hợp để chăm lo tốt nhất cho trẻ.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất vẫn là gia đình và người nuôi dưỡng trẻ. Gia đình phải thấy được hệ lụy khi cho con em mình tham gia lao động sớm và phải bảo vệ được con em mình”. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI