Bảo vệ trẻ trước nạn làm giả hình ảnh khiêu dâm

15/01/2025 - 06:02

PNO - Vấn nạn sử dụng deepfake - một kỹ thuật ứng dụng trí tuệ nhân tạo - để tạo ra hình ảnh, video hoặc bản ghi âm giống như thật vào các mục đích nguy hiểm chẳng hạn như khiêu dâm đang đe dọa nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Sự hỗ trợ của cha mẹ rất quan trọng khi trẻ gặp phải những tình huống xấu do nạn làm giả hình ảnh trên mạng - ẢNH MINH HỌA: GETTY IMAGES
Sự hỗ trợ của cha mẹ rất quan trọng khi trẻ gặp phải những tình huống xấu do nạn làm giả hình ảnh trên mạng - Ảnh minh họa: Getty Images

Những hình ảnh khiêu dâm giả mạo thường hướng đến phụ nữ và trẻ em gái, có thể gây tổn thương lâu dài cho nạn nhân. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ Mỹ, có 40% học sinh và 29% giáo viên nói họ từng biết về một deepfake của ai đó có liên quan đến trường học của mình. Trong đó, 15% học sinh và 11% giáo viên nhận được deepfake của những người ở trường với nội dung thân mật hoặc khiêu dâm.

Theo nghiên cứu của bà Kara Alaimo - phó giáo sư truyền thông tại Đại học Fairleigh Dickinson (Mỹ) - hình ảnh khỏa thân giả trên mạng có thể khiến nạn nhân rơi vào trầm cảm, tự tử và khả năng bị tấn công tình dục cao hơn. Nó cũng có thể khiến nạn nhân khó hẹn hò hoặc tìm việc hơn. Các trường học thì có xu hướng hành động khi hậu quả đã xảy ra. Họ tập trung vào việc trừng phạt thủ phạm hơn là cung cấp các hỗ trợ thích hợp cho nạn nhân.

Luật sư Lindsay Lieberman - người đại diện cho nhiều nạn nhân của deepfake - cho biết: “Công nghệ này tinh vi đến mức trông nó quá thật và tác hại có thể sâu sắc vô cùng. Các nạn nhân thường trải qua tổn thương tâm lý, bao gồm: đau khổ đáng kể, lo lắng, trầm cảm, cảm giác sỉ nhục, bất lực và một số thậm chí đã bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Loại sỉ nhục này có thể khiến trẻ mất đi bạn bè, tổn hại đến danh tiếng và một số nạn nhân cuối cùng không thể đến trường”.

Lindsay Lieberman cho rằng, cha mẹ cần giáo dục con cái về những rủi ro khi trở thành nạn nhân. “Tôi luôn khuyến khích các bậc cha mẹ trì hoãn việc sử dụng mạng xã hội và điện thoại ở trẻ càng lâu càng tốt. Nếu con bạn sử dụng mạng xã hội thì nên nói chuyện với chúng về việc cài đặt quyền riêng tư, đảm bảo rằng chúng biết mọi người mà chúng kết nối”.

Tiến sĩ Devorah Heitner - tác giả cuốn sách Lớn lên ở nơi công cộng: Trưởng thành trong thế giới kỹ thuật số - cho biết. “Tất cả người trẻ tuổi đều nhận ra: họ không muốn trở thành một phần của việc khiến người khác cảm thấy kém an toàn hơn”. Lieberman cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên “làm gương trên mạng” bằng cách cẩn thận với những gì họ chia sẻ trực tuyến. Cô nói, cha mẹ nên đảm bảo rằng khi trẻ là nạn nhân của deepfake, chúng có thể mạnh dạn nói với cha mẹ, người thân để được giúp đỡ.

Tiến sĩ Devorah Heitner cũng khuyên các bậc cha mẹ: “Hãy nói với trẻ rằng đó là trò chơi bẩn của người khác và chúng ta không may trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Chúng ta phải vượt qua bằng chính con người thật của mình”. Ông đồng thời đề nghị phụ huynh nên làm việc với nhà trường và tìm kiếm sự giúp đỡ của pháp luật để bảo vệ trẻ khỏi trở thành nạn nhân. Điều cần thiết là cha mẹ phải hướng dẫn trẻ cách chúng có thể tự bảo vệ bản thân và tránh tham gia những hình thức nguy hại này.

Thu Thanh (theo Women’s Health, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI