Bảo vệ trẻ em - Không ai ngoài cuộc:

Bảo vệ trẻ không hiệu quả, nếu xử lý thiếu quyết liệt

17/08/2022 - 06:22

PNO - Ngày 18/8, HĐND TPHCM sẽ tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp”. Trước thềm hội thảo, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM ghi nhận một số vụ việc và ý kiến liên quan đến chủ đề này.

Nạn nhân mòn mỏi chờ phản hồi

Nộp đơn tố cáo việc con gái 11 tuổi bị một người hàng xóm xâm hại từ giữa tháng 3/2022 nhưng đến nay, sau gần năm tháng, chị Đ.T.T.M. - ở khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TPHCM - vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ cơ quan chức năng.

Chị M. cho biết, sau khi gia đình chị tố cáo vụ việc, công an quận đã mời mẹ con chị đến trụ sở tường trình sự việc, lấy lời khai, đưa bé đi giám định và hứa sẽ liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, chờ mãi, chị M. không thấy ai liên lạc. Chị M. nhiều lần gọi điện thoại cho cán bộ công an trực tiếp thụ lý vụ việc, được hứa sẽ đến gặp gia đình nhưng không thấy.

“Tôi cảm thấy thật sự bức xúc, không biết đi hỏi ai, kêu tới đâu. Sự dửng dưng của cơ quan chức năng khiến tôi ngày càng tuyệt vọng” - chị M. nói.

*Thu Lê

Chứng cứ yếu nên không thể khởi tố

13 tuổi, N. yêu người hàng xóm tên P. (sinh năm 1993). Ba của N. là ông T. đã hăm dọa, năn nỉ, van xin cả hai khi thấy họ đi chơi chung. Nhưng ông càng ngăn cấm, đôi trẻ càng yêu nhau, thường xuyên hẹn hò. Để ngăn mối quan hệ này, ông T. cho xây một bức tường kiên cố bao quanh căn nhà xập xệ của mình, cấm con rời nhà. Một tối năm 2014, nhân lúc ông T. ngủ say, N. leo rào, dọn đến ở nhà P. Bất lực, ông T. gửi đơn tố giác P. giao cấu với trẻ em.

Khi đối chất, P. khẳng định không quan hệ tình dục với N., còn N. thì khai, màng trinh có vết rách cũ (theo trưng cầu giám định của cơ quan điều tra) là do N. từng quan hệ với một người khác không rõ lai lịch. Công an hủy điều tra do không đủ chứng cứ.

Ông D. - một người hàng xóm của ông T. - cũng quyết liệt bảo vệ con gái mình là K. (sinh năm 2001) khi biết P. dù đang quen N. vẫn tán tỉnh con gái mình. Một tối tháng 7/2015, ông đồng ý cho K. đi chơi cùng bạn. Không ngờ, P. hay tin và “đón đầu”, đưa K. vào nhà nghỉ. Lúc này, K. cho ông D. hay, đã từng “qua lại” với P. vài lần. Với kết quả giám định “vết rách cũ” cùng chứng cứ không đủ thuyết phục, cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án. Nhiều năm trôi qua, ông D. đi khắp nơi gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vô vọng.

*Tuyết Dân

Cần xử lý triệt để các vụ xâm hại, bạo hành trẻ

Luật đã quy định, khi xảy ra vụ bạo hành trẻ em, dù tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%, cơ quan chức năng vẫn bị khởi tố vụ án. Đó là một quy định hết sức thuận lợi trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em. Việc điều tra, giám định chỉ là cơ sở để quyết định mức độ xử lý.

Trong vụ hai đứa trẻ ở Q.10 bị lực lượng dân phòng đánh tại trường học, camera đã ghi lại hình ảnh, cho thấy sự hung hăng, tàn bạo của kẻ bạo hành, các cơ quan chức năng cũng đồng tình với việc phải xử lý cho thật nặng, nhưng cuối cùng, vụ việc cũng khép lại với lý do “không đủ cơ sở để khởi tố”. Những vụ việc như thế khiến gia đình nạn nhân mất niềm tin vào những người làm công tác trẻ em, các cơ quan chức năng, từ đó họ không muốn lên tiếng khi xảy ra những vụ việc tương tự.

Trong những năm qua, Hội LHPN TPHCM đã phối hợp với Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM giám sát và tham gia quá trình xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Chúng tôi tâm niệm rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt, cần được bảo vệ và được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, việc xử lý không nghiêm minh đối với các vụ việc cụ thể khiến những kẻ bạo hành không chùn tay, mức độ tàn bạo ngày càng tăng.

Do đó, chúng tôi mong mỏi rằng, những kẻ xâm hại, bạo hành trẻ em phải bị xử lý thật nặng. Phải xử lý triệt để các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em và phải công khai kết quả xử lý. Có như vậy, người dân mới tin tưởng vào pháp luật mà lên tiếng tố cáo và ngăn chặn các hành vi này.

* Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI