COVID-19 khiến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại gia tăng
Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới tăng từ 30% đến 300%. Người ta đã gọi vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là “Đại dịch Bóng” của đại dịch COVID-19 (tạm dịch: cái bóng của đại dịch COVID-19).
Tại Việt Nam, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian giãn cách xã hội (khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam).
Trên thế giới hiện có hơn 62 triệu người nhiễm COVID-19. Tính đến hôm nay Việt Nam có hơn 1.340 trường hợp nhiễm COVID-19, là một trong những nước đã có biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả và chúng ta đã trở lại với trạng thái “bình thường mới”, tập trung phòng ngừa và ứng phó COVID-19 đi đôi với phát triển kinh tế. Tuy vậy hàng triệu người đã và đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
|
Thành viên các câu lạc bộ nam giới tiên phong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em đang góp ý kiến lan tỏa hành động đẹp trong chương trình Bữa sáng ruy băng trắng |
Thống kê của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng tăng 50%. Ở TP.HCM, số cuộc gọi và tin nhắn nhờ can thiệp vì bị bạo lực, xâm hại đến đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội LHPN và Báo Phụ Nữ TP.HCM… cũng tăng cao.
Phá vỡ hạnh phúc gia đình
Bà Lê Thị Thủy - Giám đốc dự án Nhà Bình Yên, Hà Nội - cho biết các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực tìm đến Nhà Bình Yên đều xuất phát từ khủng hoảng kinh tế gia đình do đại dịch. Chồng/vợ mất việc làm khiến nhà cửa trở nên chật chội, ra vào chạm mặt và nảy sinh nhiều mâu thuẫn… Có những chị cho biết, “mùa dịch bệnh, vừa chạy ăn, vừa chạy đòn chồng…”. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Nhà Bình Yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ với những gia đình nhỏ (chỉ có cha mẹ và con), ở những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống thì mất việc, mất thu nhập, thực hiện giãn cách xã hội đã khiến bầu không khí trong nhà trở nên khủng hoảng. Đã có nhiều trường hợp gọi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM liên quan đến va chạm gia đình khi cả nhà cùng thất nghiệp và tất cả nạn nhân đều là phụ nữ. Những cuộc gọi liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục cũng không ít, trong đó có đến chín bé gái “đồng thuận” với kẻ xâm hại đến mức phải mang thai. Đau lòng nhất là vụ bé gái 11 tuổi mang thai gần 31 tuần vừa xảy ra tại H.Cần Giờ, TP.HCM.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, cũng là người phụ trách công tác hỗ trợ cho bệnh nhi đặc biệt này - chua xót: “Do nghi phạm xâm hại cháu bé có quan hệ ruột thịt nên khả năng đa dị tật bào thai là rất lớn. Chúng tôi phải mời các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng cùng hội chẩn, nhưng cơ thể cháu bé quá non nớt…”.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng chia sẻ: “Vì là bệnh viện phụ sản nên các ca bệnh liên quan đến bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái mà chúng tôi ghi nhận hầu hết là bạo lực tình dục, xâm hại trẻ em. Khi nạn nhân tìm đến bệnh viện thì chuyện đã rồi và hầu hết đều để lại di chứng. Có chị mới hơn 20 tuổi đã mấy lần nạo phá thai, có em gái chưa đầy 18 đã phải cắt bỏ tử cung vì viêm nhiễm gây hoại tử do tác nhân bên ngoài, mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc bị bạo lực tình dục”.
“Theo tôi, đã đến lúc chị em đừng giấu kín chuyện mình bị bạo hành, dù là bị bạo lực tình dục, các chị cũng phải lên tiếng để bảo vệ chính mình. Về phía nam giới, các anh cần có trách nhiệm hơn với hành vi của mình. Hội LHPN, các ngành lao động thương binh và xã hội, văn hóa thông tin cần hành động để bảo vệ phụ nữ, trẻ em mạnh mẽ hơn!” - ông Hùng tha thiết. Những điều bác sĩ Hùng tâm tư phần nào lý giải tại sao việc chống bạo lực gia đình bấy lâu thường là hành trình đơn độc và mệt mỏi của các nạn nhân.
Nam giới cần tiên phong!
Được biết, qua việc triển khai dự án “Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” tại TP.HCM từ năm 2019 đến nay, thành phố đã xây dựng được sáu câu lạc bộ (CLB) “Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em” thu hút trên 180 thành viên. Các CLB này hoạt động định kỳ ba tháng một lần, có sự tham gia của hầu hết các thành viên, trong đó nhiều thành viên là cán bộ chủ chốt của địa phương, cán bộ hưu trí, nam thanh niên trên nhiều lĩnh vực lao động, học tập khác nhau. Duy trì các CLB là sự nỗ lực không nhỏ của Phòng Bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM trong việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phổ biến các quy định của pháp luật… giúp thành viên các CLB tự tin trong các hoạt động của mình.
Ông Phan Thanh Chương - Chủ nhiệm CLB tại P.12, Q.10 - cho biết: “Tiêu chí chung là làm sao để lan tỏa đến từng nhà, từng người đàn ông nhận thức đúng về phòng, chống bạo lực về giới, trân trọng, yêu thương, đối xử bình đẳng với chị em”. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cũng rất tâm đắc với mô hình hoạt động này, bởi theo bà, nam giới là tác nhân quan trọng cho việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch truyền thông của Hội thời gian tới, sẽ tập trung vào các chuẩn mực về nam tính tích cực, ví dụ chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái với phụ nữ và xây dựng các mối quan hệ tôn trọng, yêu thương, không bạo lực, hướng đến giải quyết gốc rễ của bạo lực là thay đổi các định kiến giới đã hằn sâu vào nhiều thế hệ.
Theo khảo sát quốc gia về bạo lực với phụ nữ do Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thực hiện năm 2019 tại Việt Nam, cứ ba phụ nữ thì có hai (tương đương 62,9%) trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý, kinh tế bởi chồng hoặc bạn tình của mình. 90,4% trường hợp chị em bị bạo lực không tiếp cận các dịch vụ trợ giúp (chỉ 4,8% đi báo công an) do không tin các dịch vụ này có thể giúp đỡ mình.
Theo nghiên cứu mới nhất, bạo lực gia đình làm giảm năng suất lao động, ước tính mất khoảng 100,507 tỷ đồng hằng năm tương đương 1,8% GDP năm 2018.
Bữa sáng ruy băng trắng cần được lan toả
Sáng 24/11, Bữa sáng ruy băng trắng - sự kiện truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Du lịch, UBND Q.1, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tại Việt Nam, Cơ quan phòng - chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức.
Sự kiện thu hút hơn 100 nam giới thuộc các ngành, các giới, từ trung ương đến địa phương cùng chung tay cam kết xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em ở mọi nơi, từ chỗ riêng tư đến không gian công cộng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tại sự kiện, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women, cơ quan đã hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái (ảnh) - kêu gọi: “Các anh nam giới, là những lãnh đạo, những người trên tuyến đầu chống dịch, những người tiên phong vì bình đẳng giới, đồng thời là những đồng nghiệp, người chồng, người cha, người anh em, bạn hữu… tất cả chúng ta đều góp phần hỗ trợ phụ nữ và trẻ em phòng chống bạo lực giới. Phụ nữ và trẻ em nạn nhân của bạo lực có thể là bất cứ ai xung quanh ta!”.
|
Nghi Anh