Bảo vệ trẻ em trong môi trường nguy cơ lây nhiễm HIV cao

04/12/2018 - 08:21

PNO - Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân là xét nghiệm HIV định kỳ, cũng như khám sức khỏe định kỳ hằng năm.

Sau loạt bài trên Báo Phụ Nữ TP.HCM về mối nguy , mang đến nhiều bi kịch cho phụ nữ, đặc biệt là những đứa trẻ thơ ngây, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà chuyên môn, bạn đọc nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho hai nhóm đối tượng này. Dưới đây xin lược trích một số ý kiến.

Quản lý, khám sức khỏe định kỳ trẻ ở gia đình có nguy cơ

Dưới góc nhìn của người làm công tác xã hội, tôi cho rằng, trẻ ở gia đình có cha, mẹ nghiện ma túy và hành nghề nhạy cảm là nhóm trẻ sống trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm HIV. Thông thường, những trường hợp này rơi vào hoàn cảnh sống khó khăn, hoặc đứa trẻ ít được quan tâm, chăm sóc. Vì vậy, các đoàn thể, tổ chức xã hội… cần quan tâm, theo dõi các em. Không chỉ tạo điều kiện để các em không bị thất học mà các em còn cần được khám sức khỏe, thử máu định kỳ mỗi sáu tháng để sớm phát hiện trường hợp nhiễm HIV. Việc này cần có kinh phí nên rất cần một chủ trương chung.

Nguyễn Thị Nguyệt (P.14, Q.11, TP.HCM)

Nên xét nghiệm HIV định kỳ  

Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân là xét nghiệm HIV định kỳ, cũng như khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Hiện nay, Việt Nam đã đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV để người dân dễ tiếp cận hơn. Các cơ sở xét nghiệm của hệ thống y tế đã được mở rộng đến cấp xã.

Tại các khu vực trọng điểm về HIV có xét nghiệm HIV lưu động do nhân viên không chuyên của các tổ chức cộng đồng thực hiện. Ngoài ra, hình thức tự xét nghiệm HIV cũng đã được triển khai, thông qua việc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt cho những người trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV, hoặc vợ, bạn tình của người nhiễm HIV để họ tự làm xét nghiệm HIV. 

Nếu một người không biết mình đang sống với HIV thì họ sẽ không được điều trị kháng HIV để bảo vệ sức khỏe. Còn những người âm tính với HIV nếu không xét nghiệm sẽ không có cơ hội nhận được kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiếp tục giữ cho mình âm tính với HIV. Không biết tình trạng HIV của bản thân, mọi người không thể bảo vệ mình cũng như người yêu thương và gia đình.

Nguyễn Thị Bích Huệ, cán bộ chương trình của Tổ chức phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam

Bao ve tre em trong moi truong nguy co lay nhiem HIV cao
Trẻ bị xâm hại tình dục cần được uống thuốc dự phòng HIV trong 72 giờ đầu. (Ảnh minh họa)

Huấn luyện cho thai phụ nhiễm HIV

Là người mẹ vô tình truyền HIV cho con vì thiếu kiến thức chăm sóc, bảo vệ con, tôi đã sống trong dằn vặt, đau khổ suốt bảy năm qua. Tôi không có một đêm yên giấc, phần vì bệnh của mình, phần tự trách bản thân đã làm liên lụy đến tương lai của con gái. Chính vì vậy, từ năm 2016 khi tham gia câu lạc bộ Đồng cảm, tôi bắt đầu chia sẻ thông tin về tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con cho các thai phụ nhiễm HIV. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy mình còn hạn chế, chưa đủ chuyên môn. Chúng tôi mong có chính sách để tạo điều kiện cho các thai phụ nhiễm HIV có chương trình huấn luyện, đảm bảo bí mật nhân thân để có thể sinh ra những đứa trẻ an toàn, khỏe mạnh. 

T.T.H. (Câu lạc bộ Đồng cảm Q.Tân Phú, TP.HCM)

Phát hiện sớm trẻ bị xâm hại, xét nghiệm ngay

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Không ít trường hợp trẻ bất hạnh khi vừa bị xâm hại tình dục, vừa đối diện nguy cơ nhiễm HIV. Công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ đã khó, để truy tìm thủ phạm hay xác định kẻ thủ ác nhiễm HIV hay không càng khó hơn. Vì hầu hết bé bị xâm hại thường sợ hãi, xấu hổ nên không dám nói với người lớn. Mặt khác, các em bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám thổ lộ cùng ai. Vì vậy, phát hiện sớm các bé bị xâm hại tình dục và cho bé uống thuốc phòng ngừa HIV là điều rất cần thiết. 

Bà Võ Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương

Trẻ bị xâm hại cần điều trị dự phòng HIV

Khi trẻ bị xâm hại tình dục và mức độ xâm hại giống quan hệ tình dục thì trẻ thuộc nhóm nguy cơ cần phải uống thuốc dự phòng HIV ngay. Thuốc dự phòng này phải uống trong 72 giờ đầu sau khi trẻ bị xâm hại, nếu để muộn hơn sẽ không hiệu quả. Trẻ sẽ được cho uống thuốc dự phòng liên tục trong một tháng, sau đó sẽ được theo dõi tiếp tục; sau 3 tháng, 6 tháng phải xét nghiệm lại. 

Cha mẹ, người thân phải dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại tình dục, nhất là với bé gái. Đặc biệt, phải dạy trẻ chia sẻ nếu có tình huống bị xâm hại và khi đó, phụ huynh phải bình tĩnh, đưa con đến cơ sở y tế khám, làm xét nghiệm, để được tư vấn uống thuốc dự phòng HIV kịp thời. Hầu hết các bé thực hiện tốt phòng ngừa HIV sau khi bị xâm hại thì khả năng nhiễm bệnh rất thấp, gần như không có.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 

Thùy Dương - Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI