PNO - TPHCM có gần 2 triệu trẻ em đang sinh sống. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về công tác bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - nhấn mạnh: Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của TPHCM. Cần nhận thức rằng, trẻ không chỉ biết tiếp nhận sự yêu thương, chăm sóc từ gia đình và xã hội. Các em còn là những thành viên tham gia tích cực và chủ động vào quá trình phát triển bản thân nói riêng và sự phồn vinh của quốc gia nói chung.
Phóng viên: Qua chương trình gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi hồi tháng 6/2022 cũng như quá trình giám sát, khảo sát từ đầu nhiệm kỳ, HĐND TPHCM khóa X nhận thấy những vấn đề nào cần quan tâm trong công tác bảo vệ trẻ em, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Lệ: Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở TPHCM đa dạng, phong phú, bao gồm cả các cơ sở công lập, ngoài công lập. Điều này thể hiện tính nhạy bén trong công tác bảo vệ quyền trẻ em của TPHCM. Qua khảo sát, tôi thấy còn một số vấn đề rất đáng quan tâm. Ngoài việc tiếp tục giám sát, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị bảo trợ xã hội công lập thì UBND cấp quận, huyện cần quan tâm các cơ sở trợ giúp trẻ ngoài công lập hơn nữa, nhất là giấy phép hoạt động, tính pháp lý của mặt bằng, kinh phí hoạt động.
Hiện đội ngũ phụ trách công tác trẻ em cấp quận huyện, phường xã thường xuyên thay đổi, đa phần là kiêm nhiệm nên hiệu quả thực thi các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em ở cơ sở có thể chưa tốt, chẳng hạn như việc quản lý thông tin, dữ liệu trẻ, can thiệp, hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại, bạo hành. Cần rà soát, đánh giá và kiện toàn hoạt động của các điểm tư vấn cộng đồng trong khu dân cư cũng như công tác nhân sự và hoạt động chuyên môn của hệ thống nhà thiếu nhi quận, huyện.
Việc bố trí cộng tác viên tư vấn tâm lý tại một số trường học chưa tốt. Nhiều địa phương chưa phân bổ hợp lý nguồn lực xã hội trong hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Có nơi, cùng một nhóm đối tượng nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ không đồng đều, không theo nhu cầu của đối tượng.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ
* Bà đánh giá thế nào về công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ bị xâm hại, bị bạo lực về thể chất, tinh thần?
- Hệ thống chính trị - xã hội ở TPHCM đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Từ thực tiễn, đã có nhiều mô hình hay về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh Tổng đài quốc gia về Bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan của TPHCM còn triển khai các đường dây nóng khác như 1900545559 của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên và 18009069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cùng các mô hình “Tòa án gia đình và người chưa thành niên” của hệ thống tòa án nhân dân, “Kỷ luật tích cực” trong trường học, “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em”, “Phiên tòa giả định” của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, hoặc “Bộ quy chuẩn nuôi dưỡng trẻ em trong các cơ sở tôn giáo” áp dụng cho các cơ sở bảo trợ xã hội tôn giáo tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ…
Tuy kết quả đạt được rất đáng trân trọng, nhưng vẫn còn tình trạng trẻ lang thang, cơ nhỡ, bị chăn dắt, ép lao động trái luật, bị bạo lực, xâm hại tình dục. Hệ thống phần mềm cập nhật thông tin trẻ em chưa hoàn thiện, thống kê dữ liệu về trẻ chưa đầy đủ và việc trích xuất dữ liệu trẻ em còn khó khăn, nhất là dữ liệu liên quan đến nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Giải pháp truyền thông về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ đối với người nhập cư, người lao động tại các khu nhà trọ, các khu chung cư cao cấp, khu phố biệt lập… còn hạn chế. Chương trình giáo dục, hướng nghiệp, giáo dục giới tính cho học sinh chuyên biệt vẫn chưa được xây dựng một cách đồng bộ, hiệu quả.
* Theo bà, cần định hình công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ như thế nào để hiệu quả hơn?
- Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định, phải đảm bảo tính hệ thống, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Việt Nam, hệ thống bảo vệ trẻ em phải bao gồm tất cả các biện pháp và tổ chức phối hợp với nhau trong công tác này. Đó có thể là những tổ chức chăm lo phúc lợi xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.
Như vậy, hệ thống bảo vệ trẻ em phải là tổ chức liên ngành được hình thành ở cấp tỉnh, huyện, xã và chịu sự quản lý trực tiếp của UBND các cấp. Đồng thời, ngành lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng.
Các em học sinh ở P.Bình Hưng Hòa B tham gia buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em do Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè tổ chức - Ảnh: Sơn Vinh
3/4 cán bộ làm công tác trẻ em từ 3 năm đổ lại
* Bà cho rằng, biến động nhân sự khiến công tác trẻ em ở cơ sở chưa hiệu quả. Xin bà nói rõ hơn về điều này?
- Lãnh đạo TPHCM luôn định hướng, trọng tâm của công tác trẻ em là ở cơ sở. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cơ sở lại thuộc diện cán bộ không chuyên trách. Người làm công tác trẻ em dưới 1 năm và từ 1-3 năm chiếm gần 3/4 số nhân sự phụ trách công tác này của cả thành phố. Điều đó cho thấy sự không ổn định của đội ngũ này, dẫn đến công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở không bảo đảm tính thường xuyên, liên tục.
Các ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em đã được đổi tên thành ủy ban trẻ em và đã kiện toàn, có tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương nhưng cấp Trung ương lại chưa có văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, nhiệm vụ đối với cộng tác viên trẻ em nên nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến lực lượng này. Tương tự, bộ máy nhân sự của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM chưa ổn định kể từ khi sáp nhập, chức năng công tác xã hội chưa được phát huy, chức năng giáo dục, dạy nghề gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp. Đó là chưa kể, nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19.
* Từ thực tế và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bà có thể cho biết các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em ở TPHCM?
- Đối với tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trong các thành phần xã hội, đặc biệt là người nhập cư, người lao động tại các khu nhà trọ. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ. Chính quyền địa phương cần bố trí cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường học phổ thông; nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, bảo trợ xã hội.
Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho TPHCM trong việc bố trí, đãi ngộ đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em. Về phần mình, TPHCM cần tiếp tục sắp xếp và kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, theo hướng hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và chính sách đối với cán bộ, cộng tác viên, nhân viên xã hội; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; giảm dần các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em và tăng cường các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng; tăng cường sự kết nối, phối hợp trong hoạt động bảo vệ trẻ em giữa các cấp, ngành, lĩnh vực. * Xin cảm ơn bà.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tư vấn cho một trường hợp trẻ bị xâm hại - Ảnh: Phùng Huy
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, tính đến quý I/2022, TPHCM có 1.849.777 trẻ em, trong đó trẻ em gái chiếm 48,3%. Toàn thành phố có 11.168 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 17.224 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng và 2.513 trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội (8 cơ sở công lập và 52 cơ sở ngoài công lập). Với tổng dân số ước tính khoảng 13 triệu người và 130.000 người từ nơi khác đến mỗi năm, việc cập nhật thông tin dữ liệu biến động về trẻ em gặp nhiều khó khăn.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.