Bảo vệ trẻ em - chuyện nhà người ta?

03/06/2018 - 11:00

PNO - Khi tư duy bạn khép lại với cái nhận thức "sau lũy tre làng", thì chính bạn đang ngăn cản sự bảo vệ quyền con người, nhất là quyền trẻ em. Và chính bạn, đang không biết rằng mình vi phạm pháp luật.

Trước ngày 1/6 không lâu, chúng ta lại biết thêm một đứa trẻ bị bạo hành trong chính ngôi nhà mình. Thêm một nỗi đau trong danh sách rất đông những đứa trẻ đang phải chịu đựng roi vọt và cũng thêm những lý do cho việc bạo hành được đưa ra. Rằng là vì đứa trẻ hư thế này, rằng là phải dạy dỗ cho chúng nên người thế kia. Cái "rằng", cái "tại vì" cho việc bạo hành tôi đã nghe nhiều, bạn đã nghe nhiều, cả xã hội này đã nghe nhiều lắm rồi.

Bao ve tre em - chuyen nha nguoi ta?
Không điều gì có thể biện minh cho việc bạo hành trẻ, xâm phạm thân thể các em - Ảnh: Võ Tiến

Nếu ở nông thôn, người ta hay nói: "Vì nhận thức thấp". Ơ hay, nếu nhận thức thấp thì hàng chục cơ quan bảo vệ trẻ em đang ăn lương nhà nước đâu, sao không đến phổ biến kiến thức cho dân một cách đúng nhiệm vụ và nghĩa vụ?

Nếu ở những vùng ngoại ô hay những xóm lao động thì "tại vì họ ở xóm lao động". Chẳng biết từ bao giờ lại có khái niệm: ở xóm lao động là được quyền hành hạ trẻ? Vậy ở các xóm lao động thì pháp luật vô nghĩa sao?

Nhưng nguy hại hơn, trên mạng, nhiều người có học, có tri thức, làm một số nghề có thể cũng gọi là "trình độ cao", vẫn lập lờ khái niệm, đánh tráo giữa bạo hành và một cách giáo dục. Nào là "cha ông từng nói thương cho roi cho vọt", một cô làm ở ngân hàng nói thế. Nào là "chuyện nhà người ta dạy con cái, mất gì mà những nhà đạo đức mạng xía vào", một anh nhà báo làm ở một tờ báo điện tử nói thế. Nào là: "Xưa tôi bị đánh nhiều hơn thế, có sao đâu. Nếu không có những trận đòn, giờ tôi chắc đã đi xúc than ở Quảng Ninh", một công chức văn phòng góp thêm.

Vâng, chuyện cha ông "thương cho roi cho vọt" là có. Nhưng lối giáo dục kiểu phong kiến đó đã thực sự không còn phù hợp với xã hội văn minh này; lối tư duy trấn áp, bạo lực trong giáo dục đã chệch khỏi đường ray phát triển của một con người rồi. Bảo vệ trẻ em không phải là "chuyện nhà người ta", mà là chuyện của xã hội. Khi tư duy bạn khép lại với cái nhận thức "sau lũy tre làng", thì chính bạn đang ngăn cản sự bảo vệ quyền con người, nhất là quyền trẻ em. Và chính bạn, đang không biết rằng mình vi phạm pháp luật.

Xin thưa với những ai nói "tôi cũng ăn đòn nhiều mới nên người" rằng: nếu bạn phát biểu như vậy, trong xã hội này, tôi nghĩ rằng bạn chưa nên người đâu. Bởi vì người "nên người" là người phải tôn trọng cái quyền được sống bình thường, được phát triển về thể chất, tinh thần của người khác.

Bất ngờ hơn, mới đây, một vị đại biểu Quốc hội hẳn hoi, còn phát biểu về một vụ bạo hành rằng: vụ việc không quá nghiêm trọng, truyền thông làm to chuyện! Thực sự, tôi không hiểu nổi theo ông thì như thế nào mới là nghiêm trọng? Trẻ bị bạo hành, cả xã hội lên án, mà một đại biểu Quốc hội, người mà lẽ ra phải đi đầu trong việc thượng tôn pháp luật, lại có những phát ngôn như thế, thì cũng đủ nói lên việc nhận thức bạo hành trẻ em trong cộng đồng đang thế nào.

Hãy nhớ rằng, bạo hành là bạo hành, là vi phạm pháp luật. Không được đưa bất cứ lý do nào cho việc vi phạm pháp luật. Bởi vì, lý do là của kẻ bạo hành, của kẻ bênh vực bạo hành. Nếu không có suy nghĩ đúng đắn về việc tìm giải pháp chống bạo hành, thì cứ xin mời quý vị chấp hành pháp luật như một công dân bình thường trước đã!

Hoàng Nguyên Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI