Bảo vệ tiền trong ngân hàng, ví điện tử khi mất điện thoại

19/01/2023 - 16:11

PNO - Điện thoại là phương tiện được nhiều người dùng để lưu trữ dữ liệu quan trọng như tài khoản Facebook, Zalo, Instagram, tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Trong trường hợp này, nếu mất điện thoại, cần xử lý ra sao?

Yêu cầu tổng đài khóa sim điện thoại

Số điện thoại được dùng để lập tài khoản ngân hàng, email, Facebook, Zalo; khi có giao dịch chuyển tiền, khôi phục email, tài khoản mạng xã hội, ngân hàng và các nền tảng mạng sẽ gửi mã OTP (mật khẩu dùng 1 lần) qua số sim điện thoại. Nếu bị mất điện thoại (đồng nghĩa mất sim), có khả năng kẻ gian sẽ dùng số điện thoại này để chiếm đoạt các tài khoản trên.

Ông Phạm Hoàng Bảo - Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - khuyên: “Điều cần làm đầu tiên khi bị mất điện thoại là phải liên hệ tổng đài, yêu cầu khóa sim. Tuy nhiên, ít người coi trọng việc làm quan trọng này”. 

Khi mất điện thoại, việc cần làm là gọi ngân hàng khóa  tài khoản, gọi nhà mạng khóa sim… ẢNH: T.H.
Khi mất điện thoại, việc cần làm là gọi ngân hàng khóa tài khoản, gọi nhà mạng khóa sim… Ảnh: T.H.

Cũng theo ông Phạm Hoàng Bảo, bước tiếp theo, người bị mất điện thoại nên mượn điện thoại của người thân quen để truy cập vào các tài khoản Facebook, Zalo, Instagram, email… của mình, thay đổi mật khẩu rồi đăng xuất khỏi các ứng dụng, đồng thời gọi đến tổng đài của các ngân hàng mà mình có mở tài khoản, yêu cầu khóa thẻ tín dụng, khóa tài khoản ngân hàng. 
Nếu tổng đài ngân hàng bận (nhất là vào dịp lễ, tết), chủ thẻ nên dùng dịch vụ ngân hàng điện tử khóa tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng. Theo đó, chủ thẻ truy cập vào website ngân hàng, đăng nhập vào internet banking, vào mục “tiện ích” hoặc “tiện ích gia tăng”, sau đó tiến hành khóa loại thẻ muốn khóa, hoặc có thể mượn điện thoại bạn bè, vào mục “thẻ” để khóa tài khoản qua ứng dụng ngân hàng. Nếu thuận tiện, có thể đến phòng giao dịch gần nhất khóa thẻ, khóa tài khoản.

Cẩn thận vẫn hơn

Thời gian qua, có một số trường hợp bị kẻ gian chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi bị mất điện thoại di động. Theo ông Phạm Hoàng Bảo, những trường hợp này hiếm khi xảy ra; nó chỉ xảy ra do khách hàng đã lưu tên đăng nhập, mật khẩu các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử ở dạng văn bản trên dịch vụ đám mây (iCloud), trên email hoặc ứng dụng ghi chú (note) hoặc chia sẻ với ai đó thông qua tin nhắn trên Messenger, Zalo. Khi lấy được điện thoại, kẻ gian đã mày mò và lấy được các thông tin này, từ đó chiếm được tiền trong tài khoản ngân hàng. 

Nếu kẻ gian không có những thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử thì rất khó chiếm được tiền trong tài khoản của người bị mất điện thoại bởi ngoài đăng nhập bằng sinh trắc học (gương mặt, dấu vân tay), các ứng dụng ngân hàng yêu cầu mật khẩu đăng nhập phải có số, chữ hoa, chữ thường, ký tự đặc biệt nên rất khó vượt qua bước xác 
thực này.

Riêng với các ví điện tử, mật khẩu đăng nhập chỉ là dãy số, không có ký tự đặc biệt. Nếu người mất điện thoại từng dùng ngày tháng năm sinh của mình để đặt mật khẩu và kẻ trộm điện thoại cũng biết thông tin ngày tháng năm sinh này thì sẽ nguy hiểm. Nếu kẻ trộm biết mật khẩu đăng nhập nhưng chủ tài khoản ví đã khóa sim, khóa tài khoản ngay khi mất điện thoại thì không lo mất tiền. Nếu chủ sim điện thoại chỉ khóa sim mà không khóa tài khoản ví hoặc tài khoản ngân hàng liên kết, sẽ bị mất tối đa 2 triệu đồng, bởi chỉ các giao dịch trên 2 triệu đồng cần có mã OTP.

Nên bảo mật cho sim điện thoại

Sim điện thoại rất quan trọng nhưng ít người quan tâm và biết cách bảo mật. Theo ông Phạm Hoàng Bảo, để tránh kẻ gian chiếm đoạt sim rồi dùng sim này để chiếm đoạt tài khoản email, Facebook, Zalo, ngân hàng, ví điện tử, chủ sim điện thoại nên đặt mật khẩu (mã PIN) cho sim.

Theo đại diện ví điện tử MoMo, mật khẩu cho sim được mặc định trên sim nên nhiều người dùng không chú ý. Đây là chuỗi gồm 4 số, nhà mạng Viettel là 0000, MobiFone là 1111, 0000 và Vinaphone là 1234. Khách có thể thay đổi mật khẩu cho sim bằng 4 bước. Bước 1, vào ứng dụng “cài đặt”, truy cập đến mục “bảo mật” đối với hệ Android và mục “di động” đối với iPhone. Bước 2, chọn thiết lập PIN của sim. Bước 3, bật tính năng PIN của sim lên, hệ thống sẽ yêu cầu mã PIN trước đó của sim (là mã PIN mặc định của nhà mạng nếu bạn thực hiện lần đầu). Bước 4, chọn “đổi mã PIN” để đổi sang một mã khác.

Sau khi kích hoạt tính năng mật khẩu trên sim, mỗi khi khởi động lại máy hoặc chuyển sim sang máy khác, phải nhập mật khẩu; nếu nhập sai 3 lần, sẽ bị khóa sim, nhập sai 10 lần thì sẽ bị hư sim. Cũng theo đại diện ví điện tử MoMo, để bảo đảm an toàn cho tài khoản, khi bị mất điện thoại, nên gọi lên tổng đài, yêu cầu tạm khóa sim. Không nên đặt mật khẩu dễ đoán, không cho mượn sim, không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bên thứ ba, không mở các tệp đính kèm hoặc cung cấp thông tin cho các email lạ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI