3 thách thức lớn
Chia sẻ tại chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” cuối tuần qua tại TPHCM, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục - cho biết học sinh (HS) ngày càng phải đối diện với nhiều mối nguy về sức khỏe tâm thần.
“3 thập niên trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, chất gây nghiện... thì ngày nay, còn có trầm cảm, bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng xã hội, áp lực thi cử - học hành... Trong đó, trầm cảm là vấn nạn nan giải nhất khi ngày càng phức tạp, có em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc” - ông nói.
|
Nhiều khó khăn trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần học sinh đã được các giáo viên kiêm tư vấn tâm lý học đường thảo luận tại chương trình tập huấn do Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục tổ chức ngày 3/8 |
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc trầm cảm. Nhóm tuổi từ 18-29 có tỉ lệ mắc cao nhất là 5,4%, lứa tuổi vị thành niên từ 5 - 8%.
Theo ông Phạm Văn Giào, tuy hầu hết trường học đã có người phụ trách tư vấn tâm lý cho HS nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Ở nhiều trường, phòng tư vấn mang hình thức “trưng bày” là chính do nhà trường chưa nhận thấy tầm quan trọng và cần thiết của tư vấn tâm lý học đường. Họ không mời nhà tâm lý, không tuyên truyền tới HS, phụ huynh, nhiều em không biết đến sự tồn tại của phòng này.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chỉ ra 3 thách thức, khó khăn với hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay. Thứ nhất, hầu hết nhân viên tư vấn tâm lý đều do giáo viên (GV) các môn kiêm nhiệm, điều này dễ khiến xung đột giữa 2 vai trò.
Ở vị trí GV, nếu phát hiện lỗi sai của HS họ phải chia sẻ trong hội đồng sư phạm nhà trường để tìm cách giải quyết. Nhưng ở vai trò là nhà tư vấn, họ phải đứng về phía HS, bảo mật những thông tin các em chia sẻ với mình. Niềm tin của HS với nhà tư vấn vì vậy dễ bị lung lay nếu họ kiêm luôn vai trò GV.
Thứ hai, vì kiêm nhiệm, chuyên môn của người làm công tác tư vấn không cao, không thể xử lý các tình huống khó. Đặc biệt, hiện nay chưa có vị trí việc làm (biên chế) cho những người làm tham vấn tâm lý trong trường học. Chính sách quy đổi giờ cho GV khi làm kiêm nhiệm cũng không xứng đáng, họ khó lòng tận tâm, tận lực khi phải làm 2-3 đầu việc cùng lúc.
Thứ ba, quy trình tham vấn trong trường học hiện chưa bài bản, phòng tư vấn học đường không đảm bảo tính riêng tư; cộng đồng còn kỳ thị với sức khỏe tâm thần, nên HS e ngại bước vào phòng này vì sợ bị người khác bắt gặp. Ở nhiều trường, phòng tâm lý còn được xem như một phòng kỷ luật khiến HS mặc định bạn nào có vấn đề về tâm thần (theo nghĩa tiêu cực) mới vào phòng này.
Tìm nhiều cách tháo gỡ
Thừa nhận gặp nhiều khó khăn khi trực tiếp tư vấn tâm lý học đường, các GV kiêm nhiệm phải nỗ lực tìm cách khắc phục, như: tự nghiên cứu ở nhà, tham gia khóa học nghiệp vụ, tham gia các cộng đồng chuyên môn…
5 năm vừa làm GV ngữ văn vừa kiêm nhiệm nhân viên tư vấn tâm lý học đường của Trường THCS Lam Sơn (TP Đà Lạt), cô Nguyễn Thị Bích Anh thấm thía những khó khăn này. Cô nói: “Có những trường hợp HS bị trầm cảm nhưng mình không đủ chuyên môn, cũng có trường hợp không thể nào kết nối được với cha mẹ các em để hỗ trợ… Những lúc như vậy, tôi phải cầu cứu các chuyên gia. Điều này thôi thúc tôi đi học nâng cao kỹ năng để hỗ trợ HS tốt nhất”.
Thêm một khó khăn nữa, chính là tâm lý e ngại của HS. Nhiều em bị bắt nạt, kỳ thị, chịu áp lực học hành từ cha mẹ và những chuyện tình cảm tế nhị khó nói… nhưng các em chọn im lặng. Nữ GV cho biết, phần lớn trường hợp HS có vấn đề cô chỉ biết thông qua các bạn HS hoặc GV khác và phải chủ động tiếp cận, hỗ trợ.
Do đó, thay vì để 1 người kiêm nhiệm, Trường THCS Lam Sơn sắp xếp 7 GV cùng phụ trách. Trong đó, phân chia mỗi người 1 lĩnh vực như: sức khỏe tinh thần, bạo lực học đường, chuyện học hành - thi cử, chuyện tình cảm… Từ đó, mỗi người có điều kiện nghiên cứu, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phạm vi hẹp hơn để hỗ trợ HS hiệu quả hơn.
Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM) cũng làm theo cách này, phân công 4 GV cùng phụ trách và chia nhỏ từng mảng. Theo thầy Đào Văn Quân - 1 trong 4 GV kiêm nhiệm tư vấn học đường của trường - việc lấy được lòng tin của HS là khó nhất.
Thầy cho hay: “Chúng tôi cố gắng tách biệt vai trò tư vấn ra khỏi vị trí GV, trở thành một người bạn để các em chia sẻ trước. Đặc biệt, luôn tuân thủ các quy tắc bảo mật thông tin, kiên nhẫn lắng nghe và hỗ trợ. Có những HS bị trầm cảm chúng tôi vừa phải liên hệ bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn vừa kết nối với gia đình và theo sát từ 6 tháng đến cả năm trời, cho đến khi các em ổn định. Phòng tư vấn còn tiếp cả phụ huynh, hỗ trợ họ kết nối với con cái...”.
Ông Trần Thành Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý học đường, cơ quan chức năng cần chuẩn hóa vị trí việc làm, các trường cần chuẩn hóa quy trình thực hiện và trang bị năng lực cho đội ngũ nhân sự. Thực hiện truyền thông, giúp HS hiểu đúng vai trò của phòng tâm lý học đường, giảm sự kỳ thị để các em chủ động tìm đến khi gặp khó khăn.
“Nếu làm tốt, tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp HS giải quyết các vấn đề vướng mắc, cải thiện mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè... Đồng thời, các em cũng xây dựng được đời sống lành mạnh, thoải mái; giảm bớt các áp lực, căng thẳng; học tập và sinh hoạt vui vẻ, hiệu quả hơn” - ông nói.
Nguyễn Loan