Bảo vệ sức khỏe phụ nữ bằng những hỗ trợ trong ngày “đèn đỏ”

26/08/2022 - 11:51

PNO - Mới đây tại Scotland, Quốc hội đã thông qua đạo luật cho phép phụ nữ và trẻ em gái nhận các sản phẩm vệ sinh miễn phí vào ngày “đèn đỏ”. Đây là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng nữ giới không được tiếp cận với băng vệ sinh và chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần.

Các sản phẩm vệ sinh cho ngày “đèn đỏ” hiện được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai ở Scotland có nhu cầu. Sáng kiến ​​này đưa Scotland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp các sản phẩm vệ sinh miễn phí. Monica Lennon - nhà lập pháp đã đệ trình dự thảo đề xuất vào năm 2020 - viết trên Twitter: “Chúng ta đang chứng kiến ​​một sự thay đổi lớn về văn hóa, nơi mà sự kỳ thị về ngày kinh nguyệt không còn. Xã hội chú trọng nhiều hơn đến hạnh phúc của phụ nữ và tập trung giải quyết các vấn đề y tế”. 

Quản lý vệ sinh kinh nguyệt tốt đóng vai trò cơ bản trong việc đảm bảo sức khỏe, giúp phụ nữ, trẻ em gái phát huy năng lực của mình - ẢNH: GETTY IMAGES
Quản lý vệ sinh kinh nguyệt tốt đóng vai trò cơ bản trong việc đảm bảo sức khỏe, giúp phụ nữ, trẻ em gái phát huy năng lực của mình - Ảnh: Getty Images 

Chính quyền Bắc Ireland cũng đang xem xét một biện pháp tương tự. New Zealand và thủ đô Seoul của Hàn Quốc thì đã cung cấp các sản phẩm kinh nguyệt miễn phí trong trường học. Năm 2018, Chính phủ Úc công bố kế hoạch cung cấp băng vệ sinh và tampon miễn phí trong tất cả trường công lập. Sau khi trở thành quốc gia đầu tiên loại bỏ “thuế băng vệ sinh”, Chính phủ Kenya bắt đầu phân phát băng vệ sinh miễn phí cho nữ sinh tại các trường công lập vào tháng 4/2018. Nhìn chung, ngày càng có nhiều chính phủ hành động tương tự vì sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái. 

Đối với nhiều thế hệ trẻ em gái và phụ nữ, sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt kém đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Vấn đề này cũng tác động tiêu cực đến giáo dục, sức khỏe, sự an toàn và khả năng phát triển cá nhân.

Một phân tích tổng hợp về tình trạng vệ sinh kinh nguyệt của trẻ em gái vị thành niên ở Ấn Độ cho thấy 1/4 trẻ em gái không đến trường trong ngày “đèn đỏ” vì thiếu nhà vệ sinh phù hợp. Ở Kenya, 95% trẻ em gái có kinh nguyệt đã phải nghỉ học từ 1 - 3 ngày. Ngay cả ở Anh, một nghiên cứu của Tổ chức Plan International cho thấy 64% trẻ em gái, thiếu nữ từ 14 - 21 tuổi nghỉ học một buổi hoặc cả ngày do kỳ kinh và 13% trẻ em gái nói chung nghỉ học ít nhất một ngày mỗi tháng vì lý do tương tự. 

Việc thiếu các phương tiện để quản lý kỳ kinh nguyệt một cách hợp vệ sinh có thể gây ra sự khó chịu và căng thẳng tâm lý. Đồng thời, nó còn làm tăng thêm sự xấu hổ, đôi khi là trầm cảm mà phụ nữ và trẻ em gái gặp phải do sự kỳ thị liên quan đến kinh nguyệt. Jyoti Garg - Giám đốc nhân lực của công ty cung cấp dịch vụ hậu cần Cargo-Partner (Ấn Độ) - chia sẻ: “Trong thời gian hành kinh, phụ nữ thường phải vật lộn với những cơn đau dữ dội, khó ngủ hoặc suy nhược. Để giảm bớt cơn đau, người sử dụng lao động nên cung cấp một phòng riêng cho nhân viên nghỉ ngơi. Công ty cũng có thể chuẩn bị túi chườm nóng, băng vệ sinh và các loại thuốc giúp làm dịu cơn đau bụng”. 

Đối với trẻ em gái, một nghiên cứu năm 2020 đăng trên tập san BMJ Open cho thấy việc cung cấp cốc kinh nguyệt làm giảm tỷ lệ bỏ học của trẻ em gái vị thành niên từ 4% xuống 1%, giảm nguy cơ viêm âm đạo 41%. Các nhà chuyên môn cũng cho rằng, là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, các công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc vệ sinh phụ nữ cần góp phần truyền tải thông điệp, liên kết tới các đường dây nóng và tư vấn về sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực giới và giảm kỳ thị. 

Ngọc Hạ (theo WB, WHO, Global Citizen, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI