Bảo vệ rừng bằng công nghệ hiện đại

31/07/2023 - 06:28

PNO - Từ đầu tháng Bảy đến nay, đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng với diện tích lớn ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình. Nguy cơ cháy rừng ở miền Trung đang được đánh giá là ở mức “báo động đỏ”.

 Chính quyền các tỉnh ở miền Trung liên tục phát đi cảnh báo, nhưng hỏa hoạn vẫn xảy ra, thiêu rụi nhiều héc ta rừng, trong đó có rừng phòng hộ ở những nơi trọng yếu. 

Chúng ta đều biết, rừng là một hệ sinh thái phong phú, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động, thực vật và vi sinh vật. Cháy rừng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm mất đi một phần hoặc toàn bộ môi trường sống của các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực. 

Cháy rừng làm giảm nguồn nước ngầm và xói mòn đất do hệ thống rễ bị phá hủy và lớp đất bị xói mòn. Điều này có thể gây ra lũ lụt và sạt lở đất sau cháy rừng, ảnh hưởng xấu đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khu vực. 

Cháy rừng còn tạo ra một lượng lớn khí thải và bụi mịn, góp phần làm ô nhiễm không khí. Các khí và hợp chất hóa học như carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), nitrogen oxides (NOx), sulfur oxides (SOx), hợp chất hữu cơ bay hơi và bụi từ cháy rừng có thể gây ra vấn đề về chất lượng không khí, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Do yếu tố địa lý nên mùa cháy rừng ở miền Trung có thể nói là kéo dài xuyên suốt trong cả năm. Ngoài việc tăng cường chống chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, cần hết sức quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các cấp, các ngành ở miền Trung cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ rừng cũng như các quy định pháp luật về quản lý rừng tự nhiên.

Phải có cơ chế, chính sách về quản lý các hoạt động kinh tế, xã hội trên vùng đất dốc thông qua các giải pháp bảo vệ đất, đảm bảo độ che phủ đất để duy trì việc điều tiết nước trong đất. Cần áp dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ số trong phòng cháy rừng.

Chính quyền và các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng, sử dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát từ xa, camera giám sát và định vị GPS. UBND các huyện thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. UBND các xã rà soát kỹ và xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống cháy rừng, chủ động 4 tại chỗ gồm phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Cần tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Khuyến khích cộng đồng tham gia công tác phòng ngừa cháy rừng, tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập và hướng dẫn về phương pháp phòng cháy rừng.

Cần tạo ra các chính sách và quy định về quản lý bền vững rừng phòng hộ, bao gồm việc thúc đẩy trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường công tác phục hồi môi trường sau cháy rừng nhằm khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế và đối tác để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tài trợ trong công tác phòng cháy rừng. Điều này có thể bao gồm việc đào tạo cán bộ, cung cấp trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến hơn để đẩy mạnh khả năng ứng phó và phòng cháy rừng.

Việc thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp ứng phó và hạn chế tình trạng cháy rừng ở miền Trung trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường và sự an toàn cho cộng đồng. 

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI