Bảo vệ quyền trẻ em không phải là đi trao quà!

27/12/2019 - 12:00

PNO - “Làm từ thiện” không phải là “thiên chức” của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho nên khi tập trung quá nhiều vào nó dễ làm cho người ta cảm thấy là hội đã đi chệch hướng.

Sáng 26/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm. 

Có thể nói, trong năm qua hội đã làm được rất nhiều việc như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các phiên tòa giả định, tư vấn, trợ giúp pháp lý, phối hợp với các tổ chức bảo vệ trẻ em như Unicef, Hiệp hội trẻ em châu Á để triển khai các dự án liên quan đến trẻ em…

Qua những công việc nói trên, năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn của các chuyên gia của hội cũng được nâng lên phần nào. Tuy nhiên, sự có mặt ở mọi nơi, trực tiếp can thiệp và bảo vệ quyền trẻ em cả trong lẫn ngoài tố tụng, đặc biệt là những trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành và kiên trì đi đến cùng trong việc đòi lại công bằng cho các nạn nhân của các trí thức thiện nguyện mới thực sự làm nên tiếng tăm của hội. 

Bao ve quyen tre em khong phai la di trao qua!

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam trao học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bởi thế, khi thấy mục “kinh phí chi cho các chuyến trao tặng quà từ thiện cho trẻ em các nhà mở, mái ấm tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác” của hội quá “nổi bật”, chiếm hơn 1,2 tỷ đồng trong gần 1,3 tỷ đồng kinh phí hoạt động trong cả năm (đều là kinh phí vận động) nhiều người đã cảm thấy… không ổn!

Bởi hoạt động từ thiện, ở TP.HCM hay bất kỳ tỉnh thành nào, đều đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân thường xuyên chăm lo. Vả lại, “làm từ thiện” cũng không phải là “thiên chức” của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho nên khi tập trung quá nhiều vào nó dễ làm cho người ta cảm thấy là hội đã đi chệch hướng. 

Thực tế cũng cho thấy kinh phí dành cho các hoạt động có tính “thiên chức” của hội thì lại quá ít ỏi so với làm từ thiện. Ví dụ, chi cho chăm lo các trẻ em bị xâm hại, bạo hành chỉ 8,3 triệu đồng. Riêng công tác truyền thông, các báo cáo viên đều làm thiện nguyện, trong khi các buổi truyền thông và các phiên tòa giả định với lượng người tham dự vô cùng đông đảo và sự lên tiếng kịp thời của các luật sư trong các vụ trẻ bị xâm hại, bị bạo hành mới làm cho tổ chức hội trở nên có vai trò và tiếng vang như đã nói ở trên. 

Chẳng ai chê trách chuyện làm từ thiện, nhưng thật khó tìm ra sự kết nối gắn bó giữa hoạt động từ thiện với các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ trẻ em. Do vậy, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cần xác định lại đâu là hoạt động cần ưu tiên để phát huy sức mạnh to lớn từ những trí thức thiện nguyện. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI