Bảo vệ phụ nữ, trẻ em qua phiên tòa giả định

24/03/2023 - 06:00

PNO - Những phiên tòa giả định tại trường học, khu dân cư, chợ… được các cấp Hội LHPN thực hiện trong thời gian qua đã giúp nâng lên sự hiểu biết về pháp luật cho người dân.

 

Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” do Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Hội LHPN quận Bình Thạnh và Hội Luật gia quận Bình Thạnh tổ chức
Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” do Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Hội LHPN quận Bình Thạnh và Hội Luật gia quận Bình Thạnh tổ chức

“Dù sao chúng tôi vẫn là vợ chồng”

“Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TPHCM kết luận: bà Lê Thị Hiền gãy xương cẳng tay trái, phải phẫu thuật sắp xương, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%.

Hành vi của bị can Nguyễn Văn An là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sức khỏe của người khác, xét thấy cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định hành vi của Nguyễn Văn An đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 2, điều 134, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm”.

Khi bản cáo trạng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh thông qua, mọi ánh mắt đổ dồn vào bà Lê Thị Hiền - vợ bị cáo Nguyễn Văn An - đang có mặt tại buổi xét xử. Bà Hiền hướng mắt về phía chồng rồi quay mặt đi, đưa tay quẹt nước mắt. 

Đứng trước tòa, ông Nguyễn Văn An (ngụ tại phường 6, quận Bình Thạnh) rành mạch kể lại sự việc theo yêu cầu của chủ tọa. Đó là vào chiều 15/7/2022, sau khi đi làm về, ông An ghé quán uống bia cùng với bạn bè, khoảng 21 giờ thì về nhà. Bà Lê Thị Hiền ra mở cửa, vùng vằng: “Sao đi nhậu mà không nói để ở nhà phải chờ cơm?”. 2 bên lời qua tiếng lại. Ông An nói: “Thấy trễ thì biết rồi”. Bà Hiền bực mình nên lớn tiếng: “Đợi đến khi trễ thì cơm nguội, canh lạnh hết rồi”. Ông An dùng tay gạt bà Hiền để đi vào nhà khiến bà ngã xuống đất. Thấy vợ bị ngã nhưng ông An bỏ mặc đi vào phòng ngủ. Bà Hiền thấy đau ở cánh tay trái. Đến 3 giờ sáng, khi cánh tay sưng to, bà gọi con trai đưa đi bệnh viện. Sau khi xuất viện, bà Hiền đã trình báo sự việc với Hội LHPN quận Bình Thạnh để nhờ hỗ trợ. Làm việc với Hội LHPN, bà Hiền còn cho biết, vợ chồng đã có với nhau 2 mặt con, 15 tuổi và 7 tuổi. Quá trình chung sống, vợ chồng cũng có mâu thuẫn, nhiều lần ông An đã chửi mắng, đánh đập bà.

Khi được hỏi, tại sao lại thường xuyên đánh vợ, ông An cúi đầu đáp: “Tôi là người đi làm kiếm tiền về nuôi gia đình, vợ tôi chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ. Vậy mà cơm nước trễ nải, nhà cửa không sạch sẽ, gọn gàng. Xe tôi đi làm về dơ bẩn cũng không ai rửa cho… Nhiều việc khiến tôi không hài lòng. Mỗi lần như vậy, tôi bực bội chửi. Mà tôi chửi thì vợ nên im chứ đừng trả treo”.

Chủ tọa dành câu hỏi sau cùng cho bà Hiền, rằng bà có yêu cầu gì sau những điều đã trải qua, bà Hiền lại hướng mắt về phía chồng và chậm rãi đáp: “Dạ kính thưa quý tòa, tôi không có yêu cầu gì vì dù sao chúng tôi vẫn là vợ chồng”. Không khí lắng xuống. Phần lớn những người phụ nữ đang theo dõi phiên tòa nhìn bà Hiền với ánh mắt xót xa, bởi bà đã chịu đựng quá nhiều rồi. Đâu đó cũng có cái nhìn cảm thông, bởi họ thấy mình trong đó.

Còn nhiều trăn trở
Diễn biến trên là của một phiên tòa giả định xét xử vụ “Cố ý gây thương tích” do Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho phụ nữ và trẻ em

Trong năm 2022, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với các ngành tư pháp, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, công an, hội luật gia tổ chức 1.742 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút 187.258 lượt người tham gia. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng được tổ chức bằng nhiều hình thức như tập huấn, nói chuyện, sân khấu hóa, tổ chức các hội thi, phiên tòa giả định, tọa đàm… 

Riêng 750 chương trình “Ngày phụ nữ và pháp luật” tại các quận, huyện, TP Thủ Đức đã tư vấn trực tiếp cho 3.728 trường hợp về các vấn đề hôn nhân và gia đình, tranh chấp tài sản sau ly hôn, thủ tục khai sinh, khai tử, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi diện tạm trú dài hạn… 

Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cũng trợ giúp pháp lý miễn phí hằng ngày cho chị em tại trụ sở của Hội LHPN. Hiện nay, hội đang giám sát 35 vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 29 trường hợp đã và đang giải quyết.

2.025 tổ tư vấn cộng đồng trên khắp địa bàn thành phố vẫn duy trì hoạt động với 8.981 thành viên, tư vấn thành công 5.139 trường hợp.

em TPHCM phối hợp với Hội LHPN quận Bình Thạnh và Hội Luật gia quận Bình Thạnh vừa tổ chức.

Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi dự phiên tòa, bà Nguyễn Thị Mai - một hội viên phụ nữ - nhận xét: “Dù chỉ là giả định nhưng mọi diễn biến đều có trong đời thực nên tạo nhiều cảm xúc. Đây là một hoạt động bổ ích, giúp người dân hiểu rõ hơn về trình tự của một phiên tòa và nắm thêm các điều luật hữu ích về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”.

Bà Mai cũng cho biết, bà đã tham gia nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật tại chi hội, nhưng phiên tòa giả định dựa trên những câu chuyện, tình huống thực tế, là cách tuyên truyền sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, giúp người dân hướng đến cách xử sự phù hợp, tránh vi phạm pháp luật. 

Là người gắn bó với Hội LHPN các quận, huyện trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho phụ nữ và trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết, việc đầu tư cho một phiên tòa giả định là rất công phu, cần có 10-12 luật sư đóng các vai, bối cảnh diễn ra phiên tòa phải như thật, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. 

Luật sư Ngọc Nữ cho hay, trong năm 2022, Chi hội Luật sư đã tổ chức 48 phiên tòa giả định tại các trường học, khu dân cư, chợ, chung cư… Kiến thức pháp luật là rất rộng, để tuyên truyền có hiệu quả, chi hội chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính liên quan thiết thực đến phụ nữ và trẻ em. Đó là khi bị bạo hành, phụ nữ phải đi đâu trình báo và khi con mình bị xâm hại, họ phải làm gì. “Tuyên truyền pháp luật bằng phiên tòa giả định đã cho thấy những hiệu quả nhất định khi chị em đã bắt đầu lên tiếng tố cáo hoặc chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ. Tại trường học, sau khi tham dự phiên tòa giả định, các em học sinh đã đặt cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi như: Tại sao khi xét xử bị cáo dưới 16 tuổi phải có mẹ ngồi kế bên? Nếu bị cáo không muốn bị tù treo mà muốn vào tù thì sao? Điều đó cho thấy những diễn biến tại phiên tòa đã thu hút sự quan tâm của các em” - nữ luật sư nói.

Bên cạnh các phiên tòa giả định, các cấp hội TPHCM đã có nhiều hình thức  nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến phụ nữ và trẻ em  (trong ảnh: Các luật sư tham gia tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp tại phiên tòa)
Bên cạnh các phiên tòa giả định, các cấp hội TPHCM đã có nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến phụ nữ và trẻ em (trong ảnh: Các luật sư tham gia tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp tại phiên tòa)

Tuy nhiên, những người làm công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật vẫn còn nhiều trăn trở. Họ mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và xử lý đến nơi đến chốn các vụ bạo hành, xâm hại diễn ra trên thực tế. Với họ, đó là cách xác tín, xây dựng niềm tin nơi chị em phụ nữ về những vấn đề mà các cấp hội đang nỗ lực tuyên truyền.

Luật sư Ngọc Nữ cũng mong muốn mở rộng thêm các lớp tập huấn tiền hôn nhân dành cho các bạn trẻ, nhằm giúp các bậc làm cha làm mẹ của tương lai hiểu biết những kiến thức pháp luật liên quan, có trách nhiệm bảo vệ cũng như tạo một môi trường sống an toàn, hạnh phúc cho con mình và cho mình. Điều này sẽ giúp hạn chế được những vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân - gia đình trong tương lai. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI