Bảo vệ phụ nữ, trẻ em: Cần cơ chế và biện pháp cụ thể hơn

20/11/2020 - 08:52

PNO - Môi trường sống an toàn cho phụ nữ - trẻ em thì ở đó phải đảm bảo các giá trị văn hóa được tôn trọng, không còn tình trạng xâm hại, tình trạng bạo lực tình dục...

Mặc dù quyền trẻ em và việc bảo vệ các quyền đó, bảo vệ trẻ trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, lao động sớm... được quy định trong rất nhiều văn bản, nhưng trên thực tế việc thực thi còn rất nhiều hạn chế, nhất là với trẻ nhập cư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các em thường vì điều kiện cuộc sống, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải bươn chải với nhiều công việc để kiếm sống. Từ đó phát sinh những vấn đề như ở trong những khu nhà trọ thiếu an toàn, môi trường ô nhiễm, điều kiện học tập của trẻ bị hạn chế, thiếu thốn.

Trẻ em nhập cư vì thế dễ bị lợi dụng bởi các tổ chức, cá nhân có mưu đồ bất chính. Đã có các vụ án lợi dụng trẻ em vận chuyển trái phép chất ma túy, xâm hại, bạo lực xâm phạm sức khỏe và tính mạng của trẻ, sử dụng lao động trẻ vị thành niên…

Công việc không ổn định, hay di chuyển đến nhiều nơi của trẻ em nhập cư là nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý hộ tịch của các địa phương không đồng bộ, bỏ sót những trường hợp cần khai báo tạm trú, quản lý hộ tịch. Điều này gây khó khăn trong công tác thực thi các quyền của trẻ em nói chung và công tác xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em nhập cư ở TPHCM và các thành phố lớn khác. 

Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra nhiều mục tiêu lớn lao, trong đó định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...

Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, nhiệm kỳ tới cần có những cơ chế và biện pháp cụ thể hơn. Chẳng hạn, phải xây dựng cơ chế hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trên thực tiễn, đồng thời, quan tâm đến sự thực thi, kiểm tra và giám sát, đảm bảo những đường lối chính sách phù hợp thực tiễn.

Công tác quản lý hộ tịch, đặc biệt là với trẻ em nhập cư cần được nâng cao chất lượng, đảm bảo tính xuyên suốt, đầy đủ và chính xác, không bỏ sót. 

Môi trường sống an toàn cho phụ nữ - trẻ em thì ở đó phải đảm bảo các giá trị văn hóa được tôn trọng, không còn tình trạng xâm hại, tình trạng bạo lực tình dục...

Để được như vậy, cán bộ chuyên trách địa phương phải đẩy mạnh các chương trình sinh hoạt, tuyên truyền, khuyến khích chính phụ nữ và trẻ em lên tiếng bảo vệ mình trước thông qua các tổ chức chính trị - xã hội địa phương.

Cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt xóa bỏ nạn chăn dắt trẻ em ăn xin bằng hình thức răn đe đủ mạnh, xử phạt nặng tội xâm hại trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ để có công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, những phương án đầu tư mở các chương trình học nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho phụ nữ không đủ điều kiện về học vấn cũng rất cần được triển khai. 

Một trong những việc làm quan trọng nữa, theo tôi là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích cho phụ nữ và trẻ em tại trường học, xóm trọ, xây dựng các khu vui chơi, các hoạt động giải trí phù hợp với trẻ em.

Hiện nay, tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa giả định tại trường học, khu dân cư về phòng chống bạo lực, xâm hại đã giúp học sinh, sinh viên, người dân có thêm kiến thức về pháp luật, biết cách bảo vệ mình trước tình huống xấu. Tuy nhiên, số lượng các phiên tòa giả định, buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức tại một đơn vị không nhiều, nên chăng phải nâng cao các hoạt động tuyên truyền pháp luật cả về số lượng và chất lượng.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện phiên tòa giả định thì cần tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi mới, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nội tại đơn vị trường học và khu dân cư. Đưa nội dung học về tác hại của ma túy vào chương trình học phổ thông là cần thiết và cần được xem xét, thảo luận như là chiến lược giáo dục lâu dài, trong đó, phải đảm bảo số lượng các tiết học phù hợp, tránh tạo áp lực cho học sinh.

Phiên tòa giả định - một trong những mô hình truyền thông hiệu quả của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM
Phiên tòa giả định - một trong những mô hình truyền thông hiệu quả của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Chú trọng về chất lượng hơn số lượng và mục đích của chương trình là cung cấp kiến thức về ma túy, quy định của pháp luật cũng như phương thức phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy.

Giảng dạy bằng powerpoint, khuyến khích học sinh tự chuẩn bị trình bày trước lớp theo từng chủ đề hẳn sẽ hiệu quả, bởi nó giúp các em chủ động tiếp thu kiến thức thay vì thụ động tiếp cận thông tin từ giáo viên. Đan xen trong chương trình học nên có các buổi diễn tình huống về ma túy, chương trình ngoại khóa thăm các trại cai nghiện ma túy.

Cuối cùng, mỗi cá nhân, bằng thái độ sống tích cực, sống có trách nhiệm với chính bản thân, yêu thương và thân thiện, cần chủ động tham gia xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, lên tiếng khi thấy các trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, vi phạm quyền của họ. 

Luật sư Vũ Huy Cường 

(Đoàn Luật sư TPHCM) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI