Năm nay, Liên Hiệp Quốc đã chọn chủ đề cho ngày Nước thế giới là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.
Ngày 2/3 vừa qua, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có bài viết “Nước ngầm ở TPHCM đang dần cạn kiệt” phản ánh về thực trạng khai thác nước ngầm và những hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức.
|
Buổi tọa đàm nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ kịp thời nguồn nước ngầm trên địa bàn TPHCM |
Với mong muốn người dân có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng khai thác và sử dụng ngầm ở TPHCM, để qua đó, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ kịp thời nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố nói riêng cũng như góp tiếng nói chung vào công cuộc bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này, Báo Phụ nữ TPHCM đã phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã Hội, HĐND TPHCM; ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM; ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc SAWACO, ông Nguyễn Văn Đắng, Phó tổng giám đốc SAWACO; bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM và các khách mời diễn giả.
|
Bác sĩ Cao Ngô Lẫm chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn" |
Tại tọa đàm, bác sĩ Cao Ngô Lẫm - chuyên gia sức khỏe cộng đồng, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, năm 2015 HCDC đã lấy mẫu 1.400 mẫu giếng khoan, khi xét nghiệm và nhận thấy, tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2 - 5%.
"Năm 2021, chúng tôi đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước không đạt cao.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới, với 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này thì 100% mẫu sẽ không đạt”, bác sĩ Cao Ngô Lẫm thông tin.
Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết: Theo ghi nhận, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như Gò Vấp, Tân Bình, mực nước ngầm đã xuống thấp nhất là 40 m so với mặt đất. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định.
|
Tiến sĩ Hà Quang Khải |
Năm 2019 cũng xảy ra nhiều vụ sụt lún ở Bình Chánh, theo ghi nhận, nền đất sụt lún trung bình 4cm/năm, phần lớn liên quan đến hoạt động của con người, trong đó một phần trực tiếp do khai thác nước ngầm. Mặt khác, việc người dân khai thác nước ngầm không có quan trắc chất lượng, không biết mình đang uống nước có chất lượng như thế nào. Theo nhiều nghiên cứu của Đại học Bách khoa, tình trạng khai thác nước ngầm đã dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình, Nhà Bè, Bình Chánh.
|
Ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc SAWACO |
Ông Bùi Thanh Giang - Phó ổng giám đốc SAWACO cho biết, hiện nay SAWACO đảm nhận cung cấp nước hầu hết TPHCM, trừ địa bàn huyện Củ Chi, sản lượng 1.900.000 m3/ngày, sản lượng nước ngầm 3%. Theo chủ trương của TPHCM, SAWACO đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. “Chúng tôi đảm bảo làm sao người dân tiếp cận bình đẳng, công bằng về nguồn nước sạch. Để 100% người dân được sử dụng nước sạch, chúng tôi đã đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn để cung cấp mạng lưới cấp nước. Từ năm 2017, 100% người dân ở TPHCM đã được tiếp cận nguồn nước sạch”, ông Bùi Thanh Giang chia sẻ.
Theo đại diện SAWACO, có một điểm khó khăn trong việc cấp nước hiện nay là đơn vị ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân, tuy nhiên, nhiều hộ gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng. Theo số liệu của SAWACO vào tháng 2/2022, TPHCM có 1.534.000 đồng hồ. Trong đó, có 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12. Ngoài ra, cả thành phố có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 – 4m3 nước.
|
Không khí buổi tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn" diễn ra vào sáng 17/3 |
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012 và điểm a, b, khoản 2, điều 16 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013, khi khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên thì người dân phải xin cấp phép. Đối với giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất với cơ quan chức năng cấp huyện. Nếu quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên đến dưới 3000m3/ngày đêm thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất với cơ quan chức năng cấp tỉnh. Trên 3000m3/ngày đêm trở lên thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Trường hợp khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm (với điều kiện ở các vùng mà mực nước không bị suy giảm) và không thuộc danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất thì người dân không phải xin phép, không phải đăng ký.
Bên cạnh đó, điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ TN-MT có quy định rất rõ, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm: khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép. Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra. Khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu. Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.
“Do đó, tùy thuộc vào quy mô cũng như từng khu vực cụ thể thì việc khai thác nước như khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng mà người dân phải đăng ký, xin phép cơ quan nhà nước thẩm quyền hoặc không cần phải đăng ký, xin phép”, luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ.
|
Luật sư Trần Minh Hùng |
Về chế tài xử phạt hành vi khai thác nước ngầm trái phép, luật sư Trần Minh Hùng – cho biết, việc khai thác nước dưới đất không phép là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và sẽ bị xử lý bởi vì khai thác tràn lan nguồn nước ngầm không theo quy định sẽ làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép. Theo điều 9, Nghị định số 36/2020 về mức phạt đối với vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 110.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.
Ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, Sở Tài nguyên Môi trường là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Hiện có 2 nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép. Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải có cam kết kế hoạch giảm hàng năm, đơn vị nào phải giảm hoặc không giảm phụ thuộc vào điều kiện thực tế, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Ví dụ hiện nay khu vực Bình Chánh nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên phải giảm từ từ. Qua rà soát, kiểm tra, Sở cấp phép lưu lượng khai thác giảm dần, thời hạn cấp phép tối đa 2 năm, có đơn vị 1 năm, sau thời hạn đó sẽ xem xét mới cấp lại.
|
Ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM |
Nhóm đối tượng thứ 2 là người dân thì công tác vận động là chính, hằng năm Sở đều phối hợp với quận, phường, xã rà soát danh sách hộ dân nào đã có đường nước sinh hoạt, hộ nào chưa. Chúng ta phải thấy được nhu cầu của dân rất đa dạng chứ không chỉ sử dụng cho hoạt động con người, chẳng hạn ở huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, nhu cầu tưới tiêu nhiều nên bắt người dân mua nước sạch để tưới thì cũng rất khó. Chính vì vậy khó kiểm soát được ranh giới của việc sử dụng nước ngầm cho cá nhân hay cho sản xuất, tưới tiêu.
Theo khảo sát, đối với sản lượng khai thác nước ngầm của hộ dân, theo phân cấp là do UBND quận huyện phường xã quản lý, đến nay tỷ lệ giảm được 81%. Liên quan đến công tác trám lấp và hỗ trợ trám lấp giếng khoan cho các hộ dân, Sở đã lập kế hoạch hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, đã trình UBND TP xem xét, nhưng ngân sách TP khó khăn nên vẫn chưa được chấp thuận.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã Hội, HĐND TPHCM đánh giá toạ đàm của Báo Phụ Nữ TPHCM hết sức có ý nghĩa, giúp lên tiếng để bảo vệ nguồn nước ngầm. Nguồn tài nguyên nước không phải vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm thì trong tương lai chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước sinh hoạt.
|
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã Hội, HĐND TPHCM |
"Chúng tôi đã có tổ chức khảo sát về thực trạng và nguyên nhân sử dụng nước ngầm, ghi nhận có những địa phương có đến vài chục ngàn cái giếng. Theo số liệu Sở Tài nguyên Môi Trường cung cấp, hiện đã giảm được 81% giếng khai thác nước ngầm không biết đã chính xác chưa, nếu đúng là điều đáng mừng cho TPHCM, như vậy tỷ lệ cần trám giếng không còn bao nhiêu cả. Nhưng nếu kinh phí trám tính lên cả trăm tỷ chứng tỏ số giếng trong hộ dân còn lớn. Theo Nghị quyết của HĐND, phấn đấu 100% người dân tiếp cận nước sạch và từng bước nâng cao chất lượng nước sạch, làm sao để 1 số khu vực nước yếu, nước tổng cố gắng đưa nước sạch đến người dân tốt nhất. Thực tế hiện nay cho thấy nghị quyết đã đi vào cuộc sống.
Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, vì nhiều người dân còn suy nghĩ tiết kiệm phần nào hay phần đó, nếu chúng ta tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, chất lượng nước ngầm, tôi tin người dân sẽ chọn phương án sử dụng nước sạch. Nhiều trường hợp dân sử dụng nước ngầm để chăn nuôi, tưới tiêu, nếu chúng ta tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp tận dụng nước mưa, vừa giảm ngập nước, vừa sử dụng nước mưa hiệu quả, đồng bộ các giải pháp sẽ giải quyết được vấn đề này.
Hôm nay chúng ta bàn vấn đề bảo vệ nước ngầm cũng đã muộn nhưng đừng để quá muộn. Cần đưa ra lộ trình giảm số lượng giếng khai thác cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng ngành. Giải pháp phải có lộ trình, trước mắt, trung hạn, dài hạn. Rất mong muốn các ngành cơ quan chức năng thành phố vào cuộc một cách quyết liệt, người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm của chúng ta, vì tương lai con cháu chúng ta. Ngành y tế đã đưa ra những khu vực ô nhiễm nước giếng, chúng ta có thể cấm khai thác nước ngầm tại các khu vực này, vì nếu xảy ra dịch bệnh ai chịu trách nhiệm. Chúng ta đặt mình vào trong cuộc, vào thế hệ con cháu mai sau để đồng lòng chia sẻ, quyết tâm vào cuộc", ông Cao Thanh Bình phát biểu.
Rửa xe tiết kiệm nước bằng công nghệ khép kín Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Wash-Up Holdings chia sẻ, doanh nghiệp chúng tôi hình thành cách đây bốn năm. Làm công việc rửa xe, sử dụng nước, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và hiệu quả để bảo vệ nguồn nước. | Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Wash-Up Holding |
Theo ông, nhờ thành công của công nghệ chuyển đổi số, WASH-UP không chỉ cung cấp cho khách hàng nền tảng đặt lịch chăm sóc xe thuận tiện và nhanh chóng, chúng tôi còn mở rộng thêm các dịch vụ khác như: vệ sinh nhà cửa, giao hàng, bảo hiểm xe, ví điện tử hay kể cả mua sắm trực tuyến. Thông qua ứng dụng WASH-UP, khách hàng sẽ dễ dàng đặt và thanh toán dịch vụ ở mọi lúc, mọi nơi. Với công nghệ hơi nước mà Wash-Up đang áp dụng giúp tiết kiệm cho môi trường một lượng nước đáng kể, giảm 30 lần so với phương pháp rửa xe truyền thống. “Bình thường, để rửa một chiếc xe máy tốn từ 30 -50 lít nước, xe ô tô phải tiêu tốn lên đến hàng trăm lít nước. Tuy nhiên, với công nghệ rửa xe bằng hơi nước nóng, xe hai bánh chỉ tốn hai lít nước, xe ô tô tốn 5 lít nước”, ông Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ. |
Sơn Vinh - Phương Thanh. Ảnh: Phùng Huy