PNO - Bên cạnh việc tích cực tiêm vắc xin ngừa COVID-19, TPHCM đang đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, chặn dịch bệnh từ xa.
Tích cực theo dõi, điều trị COVID-19 cho người cao tuổi
Thời gian qua, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã tổ chức các đội bác sĩ đến tận nhà thăm khám, tư vấn cũng như tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao: người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền. Nhờ vậy, tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong ở nhóm này giảm rõ rệt.
TPHCM đang mở đợt chiến dịch bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền (trong ảnh: Đội bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến nhà người già ở P.Phước Long A, TP.Thủ Đức để khám bệnh) - Ảnh: Phạm An
Bác sĩ Hồ Hữu Đức, Bệnh viện Thống Nhất, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TPHCM), cho biết, hiện tại bệnh viện dã chiến có trên 250 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có khoảng 80 bệnh nhân là người cao tuổi. Nhận định về tình trạng bệnh của bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi, bác sĩ Đức nói: “Nhìn chung, số lượng bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn hiện tại tương đối nhẹ hơn so với lúc cao điểm của dịch. Đa số người bệnh có triệu chứng thông thường kèm theo bệnh lý nền, chuyển nặng rất ít, có cụ mắc COVID-19 nhưng do quá lo lắng nên được người thân đưa đến nhập viện theo dõi bệnh”.
Cũng theo bác sĩ Đức, số lượng chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể, hầu hết trường hợp tử vong rơi vào các cụ từ 72 - 74 tuổi, có bệnh lý nền nặng. Trong số 80 bệnh nhân cao tuổi, có 5 trường hợp thở máy (bao gồm xâm lấn, không xâm lấn), không có cụ nào phải chạy ECMO. Bác sĩ Đức lưu ý, tuy dịch đã tạm thời được kiểm soát nhưng hiện vẫn có nhiều cụ lo ngại, không chịu đi khám bệnh định kỳ mà uống thuốc theo toa thuốc cũ liên tục nhiều tháng sẽ không có lợi. Các cụ nên đi khám lại để bác sĩ đánh giá sức khỏe và có sự điều chỉnh đơn thuốc phù hợp để kiểm soát bệnh nền, phát hiện kịp thời các diễn tiến nặng của bệnh. Nếu để bệnh phát triển âm thầm, một khi lây nhiễm COVID-19 sẽ rất khó có hiệu quả điều trị.
Còn ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, bệnh viện đã có nhiều đợt thăm khám, cấp thuốc miễn phí định kỳ cho hơn 600 cựu chiến binh. Vì vậy, lúc dịch bệnh ồ ạt, bệnh viện khá chủ động trong việc phối hợp cùng cơ quan chức năng, trạm y tế địa phương rà soát, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ từ 55 tuổi trở lên, sau đó chia làm các đội bác sĩ mỗi ngày đến tận nhà người dân khám bệnh, xét nghiệm COVID-19, vận động tiêm vắc xin phòng dịch. Tính đến nay, sau nhiều tháng “chia quân” gõ cửa từng nhà, bệnh viện đã chăm sóc sức khỏe, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho hơn 4.200 người thuộc nhóm nguy cơ. Đa số các cụ mắc bệnh tim, huyết áp, tiểu đường… Một số ít trường hợp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cũng đã được điều trị.
Săn sóc nhóm nguy cơ cao tận nhà
Do bác sĩ “gõ cửa” từng nhà đã nhiều tháng nên người dân địa phương gần như đã quen thuộc, phối hợp rất tốt với các y, bác sĩ trong việc đăng ký, tầm soát COVID-19 tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Giàu (P.Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi, bị yếu liệt hai chân, rất khó di chuyển nên không thể đến bệnh viện tiêm vắc xin được. Ngay khi cả nhà loay hoay không biết làm thế nào thì được chính quyền địa phương cung cấp số điện thoại của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Sau liên hệ hai ngày, bệnh viện đã cử bác sĩ đến thăm khám, cho đơn thuốc tim, huyết áp, và tiêm vắc xin cho mẹ tôi. Tính từ tháng 12/2021 đến nay, bác sĩ đã xuống nhà bốn lần, khám và tiêm đủ ba mũi vắc xin cho mẹ tôi rồi. Hiện chúng tôi tạm yên tâm về sức khỏe của mẹ”. Theo chị Giàu, mặc dù cụ bà đã tiêm đủ ba mũi vắc xin ngừa COVID-19, nhưng cả nhà cũng không chủ quan trong việc chăm sóc bà, bởi biến chủng Omicron vẫn đang rình rập.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông tin, trong tháng 1, 2/2022, ngoài việc chia ca đến nhà người dân thăm khám, bệnh viện cũng cử nhân sự xuống trạm y tế ở các phường tại địa phương để trực tiếp hỗ trợ. Hiện tại, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch cao điểm sắp tới, bệnh viện tạm “rút quân” nhưng vẫn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa, trường hợp cần thiết sẽ phối hợp với các phường, đưa người cao tuổi về bệnh viện điều trị.
Tính đến nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao cho chiến dịch cao điểm vào tuần tới. Nhân viên bệnh viện đang phân chia từng trường hợp theo nhóm địa chỉ để thuận tiện đến nhà người bệnh. Bệnh viện có nhiều đội, mỗi đội gồm một bác sĩ, một điều dưỡng, dùng xe cấp cứu mang theo vắc xin ngừa COVID-19, thuốc điều trị và những dụng cụ cần thiết để thăm khám và tiêm ngừa cho người dân.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Trung bình mỗi đội sẽ khám 20 người/ngày, bệnh viện sẽ cố gắng để tăng cường đội ngũ, mỗi ngày thăm khám từ 60 - 100 người tùy theo danh sách thân nhân bệnh nhân hay các phường gửi về nhằm “đánh nhanh” chặn dịch từ xa. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cấp phát thuốc ngay và tiêm vắc xin cho người đủ điều kiện tiêm ngừa. Trường hợp thiếu thuốc điều trị, bác sĩ sẽ lưu lại thông tin, số thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh, chuyển về bệnh viện. Sau đó, bệnh viện sẽ gửi thuốc về nhà người bệnh. Các cụ sẽ hạn chế việc đi lại, tiếp xúc, giảm nguy cơ mắc COVID-19. Việc thăm khám này hoàn toàn miễn phí”.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, từ giữa tháng 2/2022, thành phố đã phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ năm 2022”.
Cụ thể, sở đã giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các phường, xã, thị trấn lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Căn cứ vào đó, trung tâm y tế sẽ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho từng thành viên của các hộ gia đình. Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích người F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ. Ngược lại, nếu F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ cấp phát thuốc kháng vi-rút và cách ly tại nhà (nếu người F0 có nguyện vọng).
Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm. Đối với người thuộc nhóm nguy cơ, có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất sáu tháng.
Bên cạnh đó, trung tâm y tế chuyển danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa. Bà Mai nói thêm: “Nội dung của chiến dịch là đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao. Chủ động phát hiện người trong nhóm này chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục tiêm cho đủ liều. Hạn chế lây lan cho nhóm người nguy cơ cao từ người thân trong gia đình.
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp hạn chế lây lan từ trẻ em sang người thuộc nhóm nguy cơ. Theo hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ mắc COVID-19, tất cả trẻ dưới 12 tuổi có triệu chứng như sốt, đau họng… cần được khám và tầm soát COVID-19. Với các hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ mắc COVID-19 với người thuộc nhóm nguy cơ cao, Sở Y tế khuyên nên cho trẻ nhập viện điều trị”.
Hạn chế xét nghiệm tập trung
Ngày 8/3, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao. Theo phân tích của ngành y tế, phần lớn các trường hợp nặng, tử vong do COVID-19 có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi, có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin. Vì vậy, từ kiến nghị của Sở Y tế TPHCM, UBND thành phố phát động đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người trên 65 tuổi, có bệnh nền từ nay đến hết ngày 31/3/2022.
Liên quan đến nội dung tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho nhóm có nguy cơ cao phải hoàn thành trước ngày 20/3 mà văn bản đề cập, gây ra lo ngại về việc có thể sẽ phải tổ chức xét nghiệm tập trung, trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia về dịch tễ cho rằng, việc tập trung xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong cộng đồng nói chung và người có nguy cơ cao trong giai đoạn này cần hạn chế, chỉ nên lấy mẫu cộng đồng ở những khu vực quan trọng, điểm nóng trong trường hợp cần thiết để khoanh vùng dịch.
Về việc người dân lo ngại tiếp xúc với nhân viên y tế khi tổ chức xét nghiệm, tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho rằng người dân không nên quá lo lắng vì hiện nay lực lượng lấy mẫu đã rất thuần thục và chuyên nghiệp, không giống như thời gian đầu mùa dịch. “Giai đoạn hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin, ý thức phòng, chống dịch của nhân viên lấy mẫu cũng như người dân cũng rất tốt nên theo tôi người dân không nên lo lắng”, tiến sĩ Nhân phân tích thêm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện tại thành phố có 140.000 người có bệnh nền, 33.500 người trên 65 tuổi.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.