Nhưng mặt khác, chính quyền tỉnh này và các tỉnh tiếp giáp lòng hồ lại cũng đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nhằm bổ sung công năng về du lịch cho lòng hồ Dầu Tiếng.
|
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Quốc Ngọc |
Báo Phụ Nữ ngày 17/3 có bài “Tonlé Sap” Dầu Tiếng ngắc ngoải chờ cứu phản ánh đời sống người dân di cư từ Campuchia và tình trạng ô nhiễm tại khu vực ven lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 20/3, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh - đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM xung quanh nội dung bài báo, trong đó khẳng định về yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, biện pháp loại bỏ những tác nhân ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ việc xin bổ sung công năng về du lịch cho công trình thủy nông này.
- Xin ông cho biết, tình trạng người dân sinh sống trên lòng hồ Dầu Tiếng ảnh hưởng thế nào đến nguồn nước nói chung, đặc biệt là nguồn cung cấp nước sạch cho các tỉnh, thành?
Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Cần phải khẳng định ngay, hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy nông. Hiện nay, ngoài việc tưới tiêu, đây còn là nguồn nước ngọt lớn phục vụ cho không chỉ tỉnh Tây Ninh, mà còn cho TP.HCM và các vùng lân cận, vì vậy, yêu cầu bảo vệ môi trường nghiêm ngặt ở khu vực lòng hồ này được đặt ra rất bức thiết. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để loại bỏ những tác nhân ảnh hưởng đến môi trường của lòng hồ, nhất là môi trường nước.
Trước đây, người dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực lòng hồ, tỉnh đã di dời, hiện không còn tình trạng này. Gần đây, một số hộ dân di cư tự do về sống tại khu vực ven lòng hồ, chủ yếu tập trung ở xã Tân Thành (huyện Tân Châu) và xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu). Do điều kiện sống khó khăn nên toàn bộ nước thải, rác thải sinh hoạt của người dân đều xả trực tiếp xuống khu vực lòng hồ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước rất lớn.
- Chính quyền tỉnh sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời toàn bộ gần 200 hộ dân ra khỏi những khu vực đang có khả năng gây ô nhiễm lòng hồ. Tỉnh cũng có đề án khu dân cư tập trung từ quỹ đất công của huyện Tân Châu để tiếp nhận những hộ này.
Bên cạnh biện pháp di dời, xây dựng khu dân cư tập trung, tỉnh cũng đang có các giải pháp hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để người dân có điều kiện mưu sinh tốt hơn, đồng thời tiếp tục có những giải pháp quản lý chặt chẽ để bảo đảm đúng công năng của hồ Dầu Tiếng.
- Điều gì làm ông băn khoăn trong việc chăm lo đời sống cho bà con di dân tự do về sinh sống trên địa bàn tỉnh?
- Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Dù thế nào họ cũng là người dân của mình, mình phải lo thôi. Nhưng nếu lo mà không đồng bộ hoặc không khéo, sẽ nảy sinh hai vấn đề rất khó xử. Một, khi tạo mọi điều kiện, chủ động làm hết mọi cái cho dân, lại đối mặt với việc người dân tiếp tục đổ về. Hai, phát sinh một số mâu thuẫn giữa người di cư về với người dân hiện tại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mà mình đang phải hỗ trợ trong điều kiện kinh phí “chung”.
Một khó khăn nữa là, Việt kiều về rồi lại đi các tỉnh khác, có khi quay lại bên kia. Số lượng không ổn định, việc quản lý, thực hiện chính sách rất khó; vừa mới thống kê đánh giá xong về nhà ở, lo đào tạo nghề, lo học hành, cấp bảo hiểm… thì họ lại đi đâu mất tiêu.
Kế đến, phần lớn họ không có giấy tờ tùy thân, nên chỉ có thể chăm lo cái tạm thời để cuộc sống tương đối ổn định; phải có cơ sở pháp lý như hộ khẩu, quốc tịch… mới kéo theo tất cả các chế độ, chính sách được. Tuy nhiên, thực hiện Quyết định 181 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã rà soát, thống kê và thực hiện chính sách hỗ trợ trước mắt (theo quy định) về đời sống cho những người mới về trong ba tháng đầu, gồm hỗ trợ gạo, thuốc men và chi phí khử trùng, phòng dịch.
- Về lâu dài thì như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Tỉnh tiếp tục rà soát, làm các thủ tục quốc tịch, hộ khẩu đối với những cá nhân và hộ có đủ điều kiện để xác minh, cấp đủ, nhanh, sớm; bảo đảm việc cấp giấy khai sinh cho các cháu sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, dù chưa xác định rõ về cha mẹ, quốc tịch. Ưu tiên rà soát, thống kê số trẻ trong độ tuổi đi học, có nơi ở tương đối ổn định để sắp xếp, bố trí cho các cháu được học hành. Đến giờ này, tỉnh đã giải quyết cho 674 em được học ở các bậc học.
Chúng tôi cũng đang rà soát để xây dựng kế hoạch cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhất là đối với các hộ có khoảng thời gian sống ổn định tại đây từ một năm trở lên, thường xuyên có mặt ở tỉnh.
Về lâu dài, thực hiện Quyết định 1748 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch và đề án xem xét hỗ trợ về nhà ở, đất ở, vốn sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục… Đây là chính sách tổng thể đang xây dựng cho người dân có cuộc sống ổn định hơn.
Cuối cùng, để giải quyết căn cơ vấn đề mang tầm quốc gia này, cần có sự điều phối chặt chẽ của trung ương đối với các địa phương để có những giải pháp đồng bộ, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Cần phải có rà soát để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc bố trí, giải quyết cho các hộ dân.
Nói chia sẻ, tức là rà soát lại, nếu thấy có nguồn gốc ở miền Tây, các địa phương này nên tham gia hỗ trợ. Bởi thật ra, Tây Ninh là địa phương không sống bằng sông nước, khác với các tỉnh miền Tây.
- Được biết, dần dà tại hồ nhân tạo Dầu Tiếng cũng hình thành những khu sinh thái tự nhiên, có lúc người dân tự phát biến thành nơi “nghỉ dưỡng”. Ông nghĩ sao về vấn đề phát triển du lịch trên hồ thủy nông này?
- Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Đúng là qua năm tháng, hồ đã hình thành các khu sinh thái, ốc đảo tự nhiên, nên có tiềm năng để phát triển du lịch. Các địa phương tiếp giáp hồ, trong đó có Tây Ninh, cũng đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT để trình Thủ tướng nhằm bổ sung công năng về du lịch cho lòng hồ Dầu Tiếng. Chính phủ hiện cũng đang nghiên cứu, xem xét để khai thác tiềm năng du lịch.
Tuy nhiên, hễ chỗ nào có du lịch thì sẽ phải nghĩ ngay đến giải quyết ô nhiễm. Tôi nghĩ, cho dù có bổ sung thêm công năng, điều kiện tiên quyết cho các hoạt động du lịch trên hồ vẫn phải bảo đảm nghiêm ngặt về môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ hệ sinh thái hiện có. Đặc biệt, không được để xảy ra ô nhiễm nguồn nước và an toàn cho đập. Chúng ta không khai thác tiềm năng du lịch bằng mọi giá.
- Xin cảm ơn ông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh có 1.102 hộ di dân tự do từ Campuchia về, với 5.499 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Biên và khu vực ven lòng hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Tân Châu và huyện Dương Minh Châu. |
Quốc Ngọc (thực hiện)