Bảo vệ nạn nhân bạo lực bao gồm phụ nữ, trẻ em và cả nam giới, người có "giới tính thứ 3"

09/05/2022 - 18:25

PNO - Trong bạo lực gia đình, nạn nhân bao gồm phụ nữ, trẻ em và cả nam giới, người có "giới tính thứ 3"...

Chiều 9/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi).

Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi).
Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi).

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM cho rằng: “Luật cơ bản hợp lý, tuy nhiên còn một số điều luật chưa hợp lý, chồng chéo”. Theo PGS.TS Trương Thị Hiền: “Trong BLGĐ cần phải đặt yếu tố bảo vệ nạn nhân bị bạo lực lên hàng đầu, không chỉ người yếu thế là phụ nữ, trẻ em mà cần lên tiếng bảo vệ đối với trường hợp nạn nhân bị bạo lực là nam giới và cả người có "giới tính thứ 3"”.

PGS.TS. Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM  phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM phát biểu tại hội thảo

Bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội Luật gia Q.4 nói thêm: “Thực tế BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ bạo lực về vật chất, tinh thần mà còn bạo lực về kinh tế, tình dục. Tư tưởng dạy con bằng roi vọt, tốt khoe, xấu che vẫn còn… nên khi có bạo lực thì không trình báo, nghĩ rằng BLGĐ là chuyện bình thường, không vi phạm pháp luật. Nhiều người bị bạo lực không biết kêu cứu ai nên dẫn đến xảy ra những hành vi tiêu cực, gây tổn hại về thể xác, tinh thần… Chính vì vậy, việc ban hành Luật phòng, chống BLGĐ là cần thiết ”.

Luật sư Võ Thị Như Ngọc cho rằng: "Để phòng, chống BLGĐ, có thể thiết lập hệ thống cung cấp thông tin để người dân có thể tra cứu, tránh xa người bạo lực để bảo vệ chính mình". Còn Luật sư Trần Thị Hồng Việt cho rằng: “BLGĐ mang tính hình sự, vì xâm hại đến thể chất, tinh thần và kinh tế đối với người bị bạo lực. Trên thực tế, người bị bạo lực phải đi tạm lánh, nên chăng trong luật cần qui định rõ người bị bạo lực phải được ở trong chính ngôi nhà của mình để có được cảm giác an toàn, còn người bạo lực phải được áp dụng các biện pháp chế tài, buộc khỏi rời khỏi nơi cư trú".

Các đạibiểu tham gia góp tại hội thảo
Các đại biểu tham gia góp tại hội thảo

Đối với công tác hòa giải, các đại biểu cho rằng: Nguyên tắc hòa giải trong trường hợp bạo lực có nên đưa lên hàng đầu hay không, hay chúng ta chỉ nên xem nó là biện pháp để hàn gắn khi các bên tự nguyện.

Một số đại biểu cũng nêu ý kiến: Việc hòa giải từ trong gia đình không thành thì người bị bạo lực sẽ thiệt thòi, chất lượng hòa giải không đảm bảo và càng trở nên căng thẳng hơn.

Góp ý cho dự thảo Luật phòng, chống BLGĐ lần này, nhiều đại biểu có cùng ý kiến: Cần quan tâm đến vấn đề phòng ngừa, trong đó công tác giáo dục phải thực hiện ngay từ trong nhà trường. Các cơ sở khám, chữa bệnh khi nghi ngờ trường hợp bạo lực phải có trách nhiệm báo công an để kịp thời can thiệp, xử lý. Tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe. Luật cần phải bổ sung trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp trong công tác phối hợp liên ngành và phòng chống BLGĐ, tăng cường công tác tuyên truyền trong giới... 

Trong hội thảo hôm nay, các đại biểu đã góp ý cho dự thảo Luật phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) rất nhiều nội dung: từ hình thức trình bày đến nội dung các điều luật cần làm rõ để bao quát hết đối tượng, hành vi vi phạm, biện pháp xử lý sau khi bạo lực xảy ra, đảm bảo tính công bằng và cả vấn đề kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, hình thức tuyên truyền, đối tượng được tiếp cận. Công tác phòng ngừa, xử lý cần đảm bảo tính nhanh, kịp thời.

Góp ý cho Luật phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) lần này, các đại biểu cho rằng cần xác định trách nhiệm các cơ quan giải quyết vấn đề BLGĐ; thủ tục liên quan đến giải quyết các trường hợp BLGĐ cần đơn giản hóa, có thể chỉ cần 1 cuộc điện thoại vào số hotline cũng sẽ được xử lý"

Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM

 

Làm tốt công tác giáo dục cho hiện tại và tương lai

Góp ý cho Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), Chủ tịch HĐND TPHCM - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng: “Trong Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) lần này, cần quan tâm đến yếu tố “phòng”. Muốn làm tốt công tác phòng, phải làm tốt giáo dục cho thế hệ hiện tại và tương lai, bước đầu giảm BLGĐ và dần xóa bỏ bạo lực. Tiếp đó là công tác tuyên truyền, công tác hòa giải từ trong gia đình (ông bà, cha mẹ)… cũng rất quan trọng.

Bà Lệ cho rằng: "Cần tiếp tục bổ sung làm rõ đối tượng bị bạo lực là thành viên trong gia đình, gồm cả người sống chung và nhóm như con nuôi, mẹ kế, cha dượng… Các quyền công dân, khái niệm vô cảm, không báo tin cần được bổ sung vào hành vi bị cấm. Chính vô cảm, thờ ơ dẫn tới các trường hợp bạo lực, giết người.

Đối với các trường hợp bạo lực xảy ra, không chỉ hỗ trợ người bị bạo lực mà cần đưa trẻ em vào nhóm đối tượng được trợ giúp, nghiên cứu thêm các điều luật nhận con nuôi đối với trẻ bị bạo hành.

Trong Luật, cần luật hóa số điện thoại đường dây nóng quốc gia và cấp địa phương, đảm bảo thông tin của nạn nhân, người báo tin.

Song An (ghi)


Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI