Bảo vệ hệ hô hấp mùa cuối năm

04/12/2023 - 06:08

PNO - Các cơ quan hô hấp của cơ thể rất dễ bị tổn thương trước tác nhân gây bệnh bên ngoài như gió, lạnh, khô; hoặc vi rút… Do đó, phòng ngừa các bệnh liên quan đến hô hấp là giữ cho cơ thể đủ ấm và đủ nước.

Mùa này, từ lúc đêm khuya đến sáng sớm, nhiệt độ thường giảm sâu, kèm thêm những cơn gió lùa. Vì vậy, cần giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài, đặc biệt cho các bộ phận cổ gáy, ngực, niêm mạc mũi họng, 2 bàn chân. Người có cơ địa hàn lạnh nên kết hợp dùng thêm dầu nóng dạng cao đặc, thoa vào gan bàn chân, xung quanh rốn, 2 bên mang tai xuống sau gáy.

Gừng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt
Gừng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt

Nên tránh chỗ gió lùa, máy lạnh, quạt xả trực tiếp vào người. Mỗi buổi sáng, cần xoa bóp làm ấm cơ thể trước khi rời khỏi giường, lưu ý các bộ phận như 2 bên sống mũi, chân mũi, trước sau tai, 2 bên ót/gáy; xung quanh rốn, 2 bàn chân… 

Khi nhiệt độ giảm, cơ thể cần huy động nhiều dương khí để các cơ quan được vận hành trơn tru. Bạn có thể trợ lực làm tăng dương khí cho cơ thể bằng cách mỗi tối, dùng đèn hồng ngoại hoặc máy sấy tóc chiếu vào vùng bụng trên, bụng dưới, thắt lưng, gan bàn chân.

Vào mùa này, bạn nên dùng nước gừng để tắm thay cho xà bông, nhất là sau 7g tối. Dùng khoảng 30-50g gừng giã nát, nấu sôi lọc lấy nước. Hòa nước cốt gừng với nước cho vừa đủ ấm. Dùng khăn thấm nước gừng nhẹ nhàng làm sạch cơ thể (tránh vùng đầu mặt) sau đó xả lại bằng nước ấm sạch. Tinh chất chứa trong gừng không chỉ giúp da sạch, thơm mà còn giữ ấm cho cơ thể rất tốt.

Làm ấm và ẩm cho cơ thể từ bên trong bằng việc uống đủ nước ấm, rải đều trong ngày. Nên cho vào nước một số loại trà thảo mộc có tính ấm nóng để tăng thêm dương khí, tăng sức đề kháng cho cơ thể như: gừng, sả, tía tô, kinh giới, quế chi, quế nhục, táo đỏ, mật ong… Đồng thời phối thêm các loại như: kỷ tử, quả dâu tằm, sa sâm, ngũ vị tử, sâm Hoa Kỳ…

Không chỉ nhạy cảm với thời tiết, cơ quan hô hấp còn là đầu nguồn để các loại vi rút xâm nhập gây bệnh cúm. Để phòng ngừa, bạn nên dùng một số loại thảo dược có đặc tính chuyên biệt giúp tăng khả năng miễn dịch tế bào, kháng lại vi rút như: nhân sâm, đảng sâm, sâm ngọc linh, tam thất, hoàng kỳ, cam thảo… dưới dạng hãm trà hoặc ngậm trực tiếp.

Nếu phòng bệnh không tốt, nhiều nguy cơ bạn sẽ bị nhiễm phong hàn (cảm lạnh), nhất là những người thường xuyên phải di chuyển, lao động ngoài trời, người suy giảm hệ miễn dịch. Ngay khi có những dấu hiệu mắc bệnh như ớn lạnh, hắt xì, nghẹt mũi, nên tránh ngay nơi có gió, quạt, máy lạnh; mặc thêm trang phục để giữ ấm cơ thể. Sau đó, lấy 1 củ gừng già, rửa sạch, giã nát, cho khoảng 200ml nước sôi vào khuấy đều và gạn lấy phần nước, thêm mật ong vừa đủ, uống khi còn nóng ấm. 

Trường hợp phong hàn tà quá mạnh, các triệu chứng bệnh nhiều và nặng hơn như đau đầu, nóng sốt, ho, không ra mồ hôi thì nên kết hợp thêm xông và ăn cháo giải cảm với gừng, tía tô, kinh giới, hành lá, tiêu. Nếu bị cảm lạnh mà cơ thể có đổ mồ hôi thì nên uống nước quế chi, cộng với gừng tươi, táo đỏ, cam thảo và bạch thược.

Sau khi các triệu chứng cảm lui dần, nếu còn bị ngứa cổ, húng hắng ho nên làm một số cách sau: lấy một miếng gừng tẩm vài hạt muối nhai và nuốt chậm. Mỗi ngày chỉ nên nhai khoảng 3 lần, trước khi ngủ dùng thêm 1 lần. Dùng khoảng 2-3 ngày sẽ thuyên giảm.

Nhai lá húng chanh (tần dày lá) với vài hạt muối và nuốt chậm, mỗi lần dùng khoảng 5 lá, nên hái lá vào sáng sớm.
Củ cải trắng gọt vỏ, rửasạch, ăn sống giúp mát họng, hết ho. Hoặc 250g củ cải trắng thái nhỏ, cho nước vào đun sôi, uống khi còn ấm; uống vào mỗi tối, liên tục đến khi hết ho. 

Hà Nguyễn (đông y sĩ, Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe