PNO - Một số môi trường nghề nghiệp đặc thù có thể gây hại cho đôi mắt. Nếu những người làm các công việc nói trên không được bảo hộ đầy đủ, thăm khám kịp thời để phát hiện bệnh và điều trị thì rất dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa.
Làm việc với máy tính thường xuyên dễ bị hội chứng thị giác màn hình - Ảnh minh họa: Internet
Chấn thương, suy giảm thị lực
Chị P.T.D. (35 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết chồng chị bị bất thường ở mắt, phải đi khám cấp cứu cách đây vài hôm. Anh N.V.H. - chồng chị D., là thợ hàn, đang làm việc tại một cơ sở chuyên hàn lan can sắt, xích đu. Một tối đi làm về, anh D. kêu đau, cộm mắt. Tình trạng nặng tới mức anh không thể mở mắt. Anh đã cảm thấy mắt bất thường cách đó 2 ngày nhưng ráng chịu đựng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định có dị vật (mạt sắt) trong mắt. Rất may, anh đã được xử lý, lấy mạt sắt kịp thời nên thị lực chưa bị ảnh hưởng.
Một trường hợp khác là chị T.C.V. (32 tuổi, làm công việc văn phòng tại quận Phú Nhuận, TPHCM) đi khám vì gần đây mắt thường nhìn mờ, nhìn đôi, kèm nhức đầu. Chị được chẩn đoán bị hội chứng thị giác màn hình (hay gặp ở người thường xuyên làm việc với máy tính). Hội chứng này khiến năng suất lao động của chị V. bị ảnh hưởng rõ rệt. Chỉ nhìn màn hình máy tính hoặc điện thoại chừng 5 phút là chị bị mỏi mắt, lóa mắt. Chị V. là kế toán. Ngoài công việc chính ở cơ quan, buổi tối, chị còn làm thêm cho nơi khác. Ước tính, mỗi ngày chị V. phải ngồi trước màn hình máy tính từ 10-12 tiếng. Nếu khả năng nhìn bị giảm, không thể làm việc với máy tính, cuộc sống của chị V. sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nghề nào dễ gây hại cho mắt?
Bệnh nghề nghiệp là bệnh đặc trưng của nghề do yếu tố độc hại trong nghề đó đã tác động thường xuyên, từ từ vào cơ thể người lao động gây nên. Trong số đó, có không ít nghề nghiệp gây hại cho đôi mắt.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy - giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết tổn thương mắt do đặc thù nghề nghiệp thường được chia thành 2 nhóm chính là chấn thương mắt và bệnh lý mắt liên quan đến nghề nghiệp.
Những người thường xuyên làm việc với máy tính cần chủ động chăm sóc và bảo vệ võng mạc từ bên trong bằng cách bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E, lutein và zeaxanthin - Nguồn ảnh: Internet
Chấn thương mắt bao gồm dị vật vào mắt (mạt sắt, vụn gỗ hoặc các dạng mảnh nhỏ), phỏng hóa chất, tổn thương do tia xạ (tia hồng ngoại, tia tử ngoại). Bên cạnh đó, mắt còn có thể bị phỏng hóa chất (a xít trong bình ắc quy, thuốc nhuộm, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu, các loại dung dịch ngâm rửa khác…).
Đây là các loại phỏng mắt nguy hiểm, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được xử trí kịp thời. Việc tiếp xúc với tia bức xạ trong thời gian dài cũng có thể gây nguy hiểm đến mắt như viêm giác mạc chấm nông, đục thủy tinh thể, tổn thương hoàng điểm và võng mạc. Bệnh nhân có thể gánh chịu hậu quả suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mất thị lực.
Theo bác sĩ Minh Huy, trong thực hành lâm sàng, một tổn thương mắt liên quan nghề nghiệp mà các bác sĩ thường cấp cứu là phỏng tia hàn. Các bệnh nhân này thường có đặc điểm là 2 mắt đau nhức, kích thích, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng, không thể mở mắt, triệu chứng thường nặng lên sau 1 ngày làm việc và vào buổi tối. Điều này là phù hợp vì triệu chứng bệnh thường xuất hiện 8-12 tiếng sau khi tiếp xúc với tia hàn.
Nguyên nhân là do các tia UV gây chết các tế bào biểu mô giác mạc, tế bào mất đi để lộ các đầu thụ thể thần kinh giác mạc bên dưới liên tục ma sát với kết mạc mi mắt gây cộm xốn, đau nhức. Thông thường triệu chứng này sẽ biến mất khi biểu mô lành trở lại trong 24-48 tiếng nên bệnh nhân thường được chỉ định các loại thuốc nhỏ hoặc tra mắt, giúp giảm ma sát và kích thích biểu mô lành nhanh hơn.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến ở thợ hàn kim loại là bị mạt sắt bay vào và bám trên giác mạc mắt (phần trong suốt ngay phía trước tròng đen của mắt). Chỉ định điều trị trong các trường hợp này thông thường chỉ là lấy dị vật. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, mạt sắt bám sâu trên giác mạc rất nhiều, do đó khi lấy sẽ mất nhiều thời gian và có khả năng bệnh nhân bị để lại sẹo trên giác mạc. Hoặc một số trường hợp khác, bệnh nhân đến quá trễ, mạt sắt bám lâu trên giác mạc để lại vòng gỉ sét, gây viêm giác mạc. Lúc này, sẽ rất khó điều trị, bệnh nhân hay bị biến chứng bội nhiễm trùng gây viêm loét giác mạc.
Bên cạnh những chấn thương nguy hiểm tức thời, một số nghề nghiệp còn có thể gây ra những vấn đề diễn tiến chậm ở mắt. Tuy không tới mức đe dọa tính mạng nhưng chúng khiến người bệnh khó chịu nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và chất lượng cuộc sống. Một trong số đó phải kể tới hội chứng thị giác do sử dụng máy vi tính (computer vision syndrome).
Đây cũng là bệnh lý phổ biến gây suy giảm chất lượng thị giác ở nhóm nhân viên văn phòng. Nhóm đối tượng này bị tác động bởi ánh sáng xanh (vùng ánh sáng nhìn thấy trong phổ quang học có bước sóng từ 450 - 495nm) phát ra từ các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại, các thiết bị điện tử khác hoặc ánh sáng từ đèn LED, đèn huỳnh quang… Người mắc hội chứng này sẽ có các biểu hiện như mỏi mắt, nhìn mờ không thường xuyên, khô mắt, nhức đầu, nhìn đôi.
Còn một tổn thương nữa tại mắt do tính chất đặc thù của nghề nghiệp gây ra là đục thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể nghề nghiệp là bệnh lý thường gặp ở những người làm việc trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, tia X, tia hàn…
Năm 2016, đục thủy tinh thể nghề nghiệp chính thức được bổ sung vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm ở Việt Nam. Một số nghề nghiệp có nguy cơ gây đục thủy tinh thể là nhân viên y tế làm việc tại phòng chụp X-quang và xạ trị, nhân viên sân bay trực tiếp sử dụng thiết bị giám sát hành lý, nhân viên trạm thông tin liên lạc, công nhân sử dụng thiết bị đo đạc và thăm dò trong quá trình khai thác mỏ…
Làm gì để bảo vệ mắt?
Theo thống kê tại Mỹ, trong năm 2020, trung bình cứ 10.000 công nhân làm việc toàn thời gian sẽ có 1,7 trường hợp có chấn thương hoặc bệnh lý liên quan tới mắt cần phải nghỉ làm ít nhất 1 ngày. Theo Hiệp hội Khúc xạ nhãn khoa Mỹ, các ngành nghề phổ biến có khả năng dễ bị tổn thương ở mắt bao gồm công nhân sản xuất, thợ mỏ, thợ sửa điện nước, thợ hàn và công nhân bảo trì. 81% các trường hợp chấn thương mắt trong lao động xảy ra ở nam giới, độ tuổi 25-44 và hầu hết có liên quan đến nhiệt hoặc hóa chất.
Dù vậy, một điều đáng mừng là hơn 90% các chấn thương tại mắt có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc đeo kính bảo hộ khi làm việc. Do đó, người lao động cần đeo kính bảo hộ hoặc tấm chắn trước mặt (face shield) khi làm việc ở nơi nhiều bụi, dị vật nhỏ và môi trường làm việc hóa chất. Nếu có bất kỳ chấn thương nào ở mắt dù nhẹ, người bệnh nên đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được xử lý và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, những người làm các nghề có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về mắt nên tái khám định kỳ mỗi 6-12 tháng. Đối với nhóm dễ mắc hội chứng thị giác màn hình, cần bổ sung nước mắt nhân tạo thường xuyên cho mắt, sử dụng màn hình điện tử theo nguyên tắc 20-20-20. Nghĩa là sau mỗi 20 phút nên nghỉ mắt bằng cách nhìn ra xa khoảng 6 mét (20 feet) trong vòng 20 giây. Những người thường xuyên làm việc với máy tính cần chủ động chăm sóc và bảo vệ võng mạc từ bên trong bằng cách bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E, lutein và zeaxanthin.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.