PNO - Chỉ trong tháng Ba này đã có tới ba di tích bị xâm hại, điều này đang thu hút sự chú ý của công luận. Sự việc đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về phân quyền quản lý di sản về địa phương đang có nhiều bất cập.
Ngày 19/3, dư luận hết sức bất ngờ về một công trình hưởng ứng Tháng thanh niên của Đoàn Thanh niên địa phương Cẩm Thượng (TP. Hải Dương): Phủ sơn, vẽ bích họa trực tiếp lên di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thời Hậu Lê là đình Tự Đông. Trước phản ứng của dư luận, địa phương đã vội vàng cho phủ sơn xóa bức bích họa với màu sơn xa lạ. Hai hành động nối tiếp nhau: một xâm hại di tích, một sửa chữa không đúng cách, đã tác động, làm giảm giá trị di tích.
Từ ngày 18/3, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng vấp phải sự không đồng tình của người dân lẫn giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa, khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới diện tích nhỏ hơn. Hiện, dự án này đang tạm dừng thi công để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Cũng trong tháng Ba, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, cụm tháp Chăm ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thay vì dùng phương pháp thủ công, sử dụng máy đầm đất cầm tay, nhà thầu lại sử dụng máy đào để đào một khối bê tông ở phía đông và san gạt sân trước cũng như khuôn viên của tháp Chính. Tháp Bánh Ít là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982. Cách đây ba năm, cũng tại di tích này và tháp Đôi, cơ quan quản lý di tích tỉnh Bình Định cũng khiến dư luận hết sức bức xúc khi cho thợ khoan thẳng lên tường tháp, mặt tháp, bắt vít các khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch; khiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phải gấp rút ra văn bản yêu cầu bảo vệ di sản.
Từ trên xuống: Các di tích đình Tự Đông (Hải Dương), tháp Bánh Ít (Bình Định), đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (Thanh Hóa) lần lượt bị xâm hại
Đáng nói, một dự án thì được sự đồng ý của chính quyền địa phương (vẽ bích họa ở Hải Dương), một dự án thì chính quyền sở tại là chủ đầu tư (vụ phá giếng cổ ở Thanh Hóa) và dự án còn lại thì được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí lớn (vụ xâm hại tháp Bánh Ít ở Bình Định). Khi vụ việc bị đưa ra công luận, đều có những giải thích chung: đây là sự việc không mong muốn, còn nhiều thiếu sót khi chưa nhìn nhận hết vấn đề… Thậm chí, như vụ phá giếng cổ ở Thanh Hóa, chính quyền địa phương còn cố tình lơ đi những lưu ý của Bộ VHTTDL trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án trước khi phê duyệt.
Cần sửa đổi luật Việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng về các cấp địa phương có mục đích đúng đắn là nhằm tăng trách nhiệm của chính quyền cơ sở, tạo điều kiện cho địa phương chủ động, huy động nguồn lực, đặc biệt từ xã hội hóa, nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích - danh thắng. Trong những năm qua, việc phân cấp này đã phát huy những hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên có một thực tế là có không ít trường hợp, di sản văn hóa bị xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chính cơ quan chịu trách nhiệm quản lý di sản.
Không chỉ ba vụ việc kể trên, lần lại những sự vụ ồn ào được báo chí truyền thông phản ánh những năm qua, có thể thấy con số các di sản, di tích bị xâm hại không hề nhỏ. Trong nhiều nguyên nhân, có việc buông lỏng, lơ là, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết về di sản và pháp luật về di sản của những cán bộ, công chức đang thực hành bảo vệ di sản, di tích… Trong một cuộc hội nghị tổng kết thực hiện Luật Di sản Văn hóa do Bộ VHTTDL tổ chức hồi đầu năm, điểm vướng mắc, tồn đọng trong phân cấp quản lý di sản tại các địa phương được xem là một vấn đề bất cập, cần được khơi thông. Chính Cục Di sản văn hóa nhận định: “Nhiều lúc, nhiều nơi, ý thức và kiến thức pháp luật về di sản chưa cao. Nhiều tổ chức, cá nhân khi bị xử lý vi phạm mới biết đến quy định”.
Một mảnh vỡ nghi là tượng Chăm cổ được phát hiện tại tháp Bánh Ít (Ảnh: TTXVN)
Kết quả là di sản, di tích bị đưa vào “sự đã rồi”. Mọi sự “tráng men”, sửa chữa sai lầm… dù bằng cách gì đi nữa, cũng không thể trả nguyên vẹn giá trị của di tích, di sản.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân, phải bảo vệ theo đúng Luật Di sản Văn hóa. Ý thức, sự hiểu biết về di sản của nhân dân cũng như cán bộ công chức rất quan trọng. Ở đây, câu chuyện thuộc về ý thức, nhận thức, không chỉ của cán bộ, mà còn ở người dân. “Như vụ việc ở Hải Dương, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên phải xây dựng một chương trình giáo dục di sản, để tất cả đoàn viên, thế hệ trẻ hiểu và nhận thức được thế nào là di sản”, ông Nguyễn Văn Huy lấy ví dụ.
Ông nói thêm: “Khi tham gia vấn đề di sản, quan trọng hơn cả, phải có thái độ ứng xử thế nào cho tốt. Muốn hiểu, phải có tri thức, phải được tập huấn, hiểu về di sản. Ở câu chuyện cụ thể này, dường như người ta vẫn nghĩ tới câu chuyện phong trào nhiều hơn là chất lượng bảo tồn di sản. Bảo tồn di sản là cả một nghề nghiệp, một quan điểm về mặt khoa học, không thể tùy tiện được”.
Ông đề xuất, ngoài những người công tác trong ngành văn hóa, di sản, thì Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các cấp, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi là những nhóm thường xuyên tiếp cận về vấn đề di sản, họ cần được tập huấn, nâng cao trình độ, để hiểu về bảo vệ di sản.
Tính đến nay, Luật Di sản văn hóa sửa đổi cũng đã hơn mười năm, đã bộc lộ những bất cập, thiếu sót, chưa theo kịp sự phát triển và thay đổi của đời sống xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta xem xét lại, làm thế nào để luật được thực hiện một cách hữu hiệu hơn trong vấn đề bảo vệ di sản. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đề xuất, cần quy định trách nhiệm rõ ràng, cũng như tăng chế tài xử phạt. Hiện, di sản của chúng ta ở trong tư thế bị động, bị phá/xâm hại và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.