Bảo vệ con trước “cơn bão” mạng xã hội

27/11/2024 - 19:44

PNO - Một khảo sát do Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện mới đây cho thấy, trong tổng số các trẻ tham gia khảo sát, có đến 91% trẻ có truy cập internet, nhưng chỉ 10% trong số đó có kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Cho không đặng, cấm không xong

Có 2 cô con gái đang ở tuổi ngấp nghé dậy thì, chị Nguyễn Cẩm Hường (ngụ quận 5, TPHCM) rất lo ngại về việc con nghiện lướt mạng. Mỗi khi chị đi làm về, vừa để túi xách xuống bàn là 2 con chạy ùa ra lục tìm điện thoại rồi chụm đầu vào máy quên hết trời đất.

Trong thời gian chị Hường nấu ăn, dọn dẹp, các con chị tiếp tục chơi game, lướt TikTok. “Sau khi chuẩn bị bữa tối xong, tôi đòi lại máy. Tuy nhiên, chẳng khi nào con trả ngay. Lúc thì viện lý do đang xem đoạn phim này hay, lúc thì đang chơi dở trận game, lúc xin thêm 5 phút… Tôi nghiêm giọng tịch thu điện thoại thì con xụ mặt, làm trận làm thượng. Hễ động tới điện thoại là mẹ con gây nhau” - chị Hường ngao ngán kể.

YouTube, TikTok, game online…  là những thứ rất dễ hấp dẫn trẻ nhỏ
YouTube, TikTok, game online… là những thứ rất dễ hấp dẫn trẻ nhỏ

Chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có cô con gái 14 tuổi. Vì trường học xa nhà nên chị mua điện thoại cho con để tiện liên lạc lúc đưa đón. Ban đầu chị định mua điện thoại “cục gạch”, nhưng bé cứ năn nỉ và đưa ra lý do phải lên mạng tham khảo tài liệu nên chị chấp nhận mua điện thoại thông minh.

Từ ngày có điện thoại, mỗi khi đi học về, con chị Hồng cứ ở suốt trong phòng xem máy. “Tối 8g là tôi bắt con tắt đèn đi ngủ. Nhưng có lần tôi thức giấc, qua phòng kiểm tra thì thấy con đang trùm mền bấm điện thoại. Vài hôm sau, thử tìm hiểu bạn thân của con thì mới biết con đang quen một bạn nam qua mạng, mỗi tối đều nhắn tin nói chuyện” - chị Hồng lo lắng kể.

Thực tế, tại các thành phố lớn, trẻ em được tiếp cận mạng internet từ rất nhỏ, thậm chí khả năng sử dụng mạng xã hội, lướt web của trẻ còn sành sỏi hơn người lớn. Số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em (chiếm gần 25% dân số). Trong đó, gần 97% trẻ em sử dụng mạng internet. Đáng lưu ý, có tới 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ em từ 14-15 tuổi sử dụng mạng internet.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM - trong quá trình làm công tác trợ giúp pháp lý, ông gặp nhiều trường hợp trẻ chỉ mới 13, 14 tuổi nhưng thường xuyên vào mạng xã hội, truy cập vào những hội nhóm hẹn hò, kết bạn qua mạng và dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Tôi từng tham gia không ít vụ xét xử hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên thông qua hẹn hò trên mạng. Khi xét xử, bị cáo trả lời rằng không biết đối tượng mình giao cấu chưa đủ tuổi và tài khoản mạng xã hội của bị hại cũng thể hiện thông tin trên 18 tuổi. Theo tôi, những trường hợp này phần lỗi lớn nhất thuộc về cha mẹ vì thiếu quan tâm, quản lý con. Bị cáo học vấn thấp, không có kiến thức về pháp luật và cách sử dụng mạng xã hội an toàn” - ông Huỳnh Tấn Đạt nói.

Cha mẹ làm gương và dành thời gian cho con

Để con không nghiện thiết bị điện tử, mạng xã hội, ngay từ khi con 5, 6 tuổi, anh Nguyễn Hải Đăng (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đã ý thức làm gương cho con. Khi ở nhà, anh rất ít dùng điện thoại, trừ khi có việc gấp cần xử lý. Thay vào đó, anh dành thời gian dạy con học, cùng con chơi những môn thể thao nhẹ nhàng. Khi con lớn hơn, anh cho con dùng các thiết bị đăng nhập bằng tài khoản trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng của con.

Anh Đỗ Đức Tùng (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) luôn dành thời gian theo dõi và hướng dẫn con trai sử dụng điện thoại, mạng xã hội
Anh Đỗ Đức Tùng (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) luôn dành thời gian theo dõi và hướng dẫn con trai sử dụng điện thoại, mạng xã hội

Bên cạnh đó, anh Đăng thường xuyên kiểm tra lịch sử hoạt động và các chương trình con xem. “Tôi chỉ cho con xem YouTube bằng tài khoản trẻ em, còn TikTok và Facebook thì tuyệt đối không. Khi con xem và thấy chương trình nào hay, muốn mua gói học, đều xin ý kiến tôi chứ không thể tự thao tác được. Con thích chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời nên không bị lệ thuộc vào điện thoại. Ba kêu trả là trả ngay không kì kèo” - anh Đăng tự hào kể.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - để dạy con cách dùng mạng xã hội hợp lý, cha mẹ nên nằm lòng quy tắc 3T - tôn trọng, trí tuệ và thời gian. Mỗi cá nhân đều cần được tôn trọng và con trẻ cũng vậy.

Đặc biệt trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý trẻ có nhiều thay đổi, cha mẹ phải tôn trọng sở thích, sự thay đổi của con; đồng thời thay đổi cách giao tiếp, vì khi ấy con mình không còn là đứa trẻ nói gì nghe đó như lúc nhỏ. Tuy nhiên, cần tôn trọng ở mức độ vừa phải và có điểm dừng chứ không nên nuông chiều theo ý con.

Song song đó, cha mẹ phải có sự am hiểu thì con cái mới phục và nghe lời. Ông Nguyễn Hoàng Dũng phân tích: “Nếu thực sự am hiểu vấn đề, cha mẹ hoàn toàn có thể phân tích những mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội cho con. Trái lại, nếu chỉ nói chung chung cái này không tốt, cái kia không được rồi cấm đoán thì trẻ càng tò mò, muốn thử. Điều quan trọng là cha mẹ phải dành thời gian, quan sát, chia sẻ để kịp thời uốn nắn con, vừa giúp bồi đắp tình cảm gia đình thêm gắn bó”.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI