Bảo vệ con trong thế giới mạng

05/07/2018 - 06:00

PNO - Thay vì cấm, chúng ta thậm chí cần cho trẻ tiếp xúc với thế giới mạng ngay từ lúc còn nhỏ. Nhưng ngay từ những ngày đầu, phụ huynh cần dạy trẻ biết cách sử dụng và bảo vệ mình trên thế giới ảo.

Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chính thức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.

Bao ve con trong the gioi mang
Cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn con cách sử dụng internet - Ảnh: Phùng Huy

Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng 64 triệu người dùng internet, số người dùng đứng thứ sáu châu Á và thứ 12 trên thế giới. Trong đó, có khoảng 32,8 triệu người chơi game với hơn 68% game thủ dưới 20 tuổi. Bên cạnh việc ngày càng nhiều trẻ em nghiện game hoặc sa đà “sống ảo” trên mạng xã hội, vấn nạn xâm hại trẻ em từ môi trường mạng cũng rất đáng báo động.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - nhận định: “Hiện thế giới mạng gần như không phân biệt ảo và thật. Trước đây, việc xâm hại ngoài đời thật và trên môi trường mạng còn có một khoảng cách, còn bây giờ, trẻ bị xâm hại trực tiếp trên mạng bằng nhiều thông tin, hình ảnh mang tính bí mật đời tư, xuyên tạc”. 

Internet mang lại nhiều tiện ích thú vị và mở ra một thế giới thông tin không giới hạn cho trẻ, nhưng trong thực tế, không ít trẻ gặp những vấn đề tiêu cực do không biết cách sử dụng mạng hợp lý. Nhiều bậc phụ huynh vì lo lắng hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát trẻ sử dụng mạng nên đã dùng biện pháp cấm đoán. Thế nhưng, biện pháp này không khả thi, vì internet bây giờ len lỏi ở khắp nơi, việc ngăn cấm chỉ khiến trẻ thêm tò mò và có thêm động lực tìm tới. Nguy hiểm ở chỗ, do sợ cha mẹ la, trẻ sẽ lén lên mạng và với mê hồn trận của thế giới ảo, trẻ rất dễ sa lầy do không có ai định hướng.

Ngoài ra, internet mang lại nhiều kiến thức cũng như phương thức học tập thú vị, hiệu quả cho trẻ. Do đó, thay vì cấm, chúng ta thậm chí cần cho trẻ tiếp xúc với thế giới mạng ngay từ lúc còn nhỏ. Vấn đề đặt ra là ngay từ những ngày đầu, phụ huynh cần dạy trẻ biết cách sử dụng và bảo vệ mình trên thế giới ảo.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc Công ty TNHH Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn - cho rằng, bên cạnh việc hướng dẫn con sử dụng các công cụ để truy cập internet, phụ huynh đừng quên nói cho con biết những nguy cơ con gặp phải khi lên mạng và cách đề phòng. Thay vì cấm con vào trang này trang nọ khiến con tò mò, hãy cho con danh sách các trang web, các trò chơi lành mạnh để con vào.

Việc giới hạn thời gian cho mỗi lần truy cập là rất cần thiết. Với trẻ, không nên quá một tiếng đồng hồ cho một ngày. Việc làm này cần được thiết lập và duy trì từ nhỏ để tạo thói quen cho con. Sau giờ lướt net, phụ huynh nên dành vài phút để hỏi con đã học được gì sau những phút lên mạng để một lần nữa điều chỉnh lại những thông tin mà trẻ đã tiếp nhận khi lên mạng.

Các bậc phụ huynh cần ghi nhớ:

* Không nên cho trẻ sớm sở hữu smartphone và các thiết bị công nghệ cao. Khi nào cần dùng thì trẻ xin phép mượn máy của mình để dùng. Nên khuyến khích trẻ xem ti vi hơn là xem trên mạng để đảm bảo thông tin được kiểm soát.

* Không nên để máy tính ở phòng riêng của trẻ mà nên để ở nơi chúng ta dễ quan sát.

* Phụ huynh phải trở thành những người thông thái. Nhiều phụ huynh tự biện minh rằng mình lớn tuổi, ít học nên không biết công nghệ. Thực ra, công nghệ được thiết kế để tiện dụng nên ít nhất, phụ huynh phải biết những công cụ mà con cái mình hay sử dụng và truy cập. Nên dành một chút thời gian để mày mò, nhờ bạn bè hướng dẫn về công nghệ, web.

* Phụ huynh phải làm gương. Chúng ta cấm hoặc hạn chế con truy cập mạng trong khi chúng ta truy cập bất kể giờ giấc thì con sẽ không phục, không nghe. Phụ huynh cũng cần giới hạn giờ giấc truy cập mạng và nên định ra một số khung giờ sử dụng internet cho cả nhà. Ví dụ như sẽ tắt wifi từ 22g các ngày trong tuần và cuối tuần sẽ không tắt.

* Cuối cùng, phụ huynh cần tăng cường các giờ tương tác thật với trẻ. Thay vì phó mặc trẻ cho thế giới mạng, hãy thu hút trẻ bằng những hoạt động vui chơi, tương tác thực tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - gợi ý: tại nhà, phụ huynh có thể cài một số công cụ trên máy vi tính bàn, laptop, iPad để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em như công cụ quản lý máy tính Qustodio: https://www.qustodio.com/en/, công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ trên mạng KidLogger: http://kidlogger.net  hoặc trình duyệt web an toàn cho trẻ Zoodles: http://www.zoodles.com.

 Trúc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI