Thật khó để không bị tổn thương bởi những lời bình kiểu như “chết quách đi cho rồi”. Cha mẹ giúp con đối phó với vấn nạn công kích trên mạng như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà tâm lý giáo dục Mỹ Diane G. Tillman.
Phóng viên: Mạng xã hội đang bùng nổ, trẻ em cũng không tránh được trào lưu này. Theo bà, cha mẹ nên cho con trẻ tiếp xúc Facebook từ độ tuổi nào?
Bà Diane G. Tillman: Độ tuổi sớm nhất để vào Facebook là 13. Cha mẹ hãy cho con biết là mình yêu thương con và giải thích lý do tại sao lại nói “không”. Cha mẹ có thể nói: “Cha mẹ yêu con vô cùng và muốn con có những người bạn thật sự chứ không phải là hàng trăm người quen. Cha mẹ muốn con tìm hiểu về khoa học, không gian và những điều mà con đang quan tâm hơn là biết ai đang làm gì, đi đâu. Đây là những năm quan trọng để con dành cho việc học, vì con còn rất nhiều điều muốn biết. Cha mẹ muốn con có cuộc sống tuyệt vời. Để được như vậy, có một số điều con cần học ngay bây giờ”.
Hãy lắng nghe phản hồi của con, nhưng vẫn cương quyết nói không.
* Khi mạo hiểm với mong muốn tham gia mạng xã hội của con, cha mẹ cần giám sát như thế nào?
- Khi con muốn dùng Facebook hoặc một trang mạng xã hội nào khác, cha mẹ hãy “kết bạn” Facebook với con để bạn xem được tất cả các dòng trạng thái của con. Hãy luôn giám sát nhưng theo một cách yên bình và thân thiện, yêu thương và tử tế. Một mối quan hệ tôn trọng cởi mở để con cảm thấy thoải mái tâm sự với cha mẹ là cách bảo vệ tốt nhất dành cho con.
Nếu con nhận được những lời bình mang tính hận thù trên phương tiện truyền thông xã hội, hãy tích cực lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của con. Thảo luận với con, những người bạn thật sự thì luôn quý trọng, yêu thương và hỗ trợ bạn bè. Giúp trẻ nhận định tình hình. Giúp trẻ giữ được lòng tự trọng và nhận ra rằng, những người đang hành động xấu xa hoặc nhẫn tâm thì không phải là những người bạn. Họ là những người đã hư hỏng. Cha mẹ có thể hỏi con: “Giả sử con năm tuổi và con phải chọn giữa ba người bạn chia sẻ đồ chơi yêu thích của các bạn ấy với con hoặc ba bạn khác ném bùn, đá vào con rồi chế giễu con, con sẽ chọn những bạn nào?”. “Vậy tại sao con lại muốn giao du với những người có hành động ác ý và bắt nạt người khác?”.
Trò chuyện với con về lợi ích của việc không tham gia vào các trang mạng xã hội trong ba hoặc bốn tháng. Hãy hỏi con: “Có lợi gì không khi giao du với những người lấy việc làm tổn thương người khác làm niềm vui cho mình?”. Hoặc: “Con là một người giàu lòng yêu thương, thấu cảm và đáng yêu. Con… (kể tên các tính tốt của bé). Con xứng đáng có những người bạn thật sự”.
* Chẳng may, con bị công kích trên mạng thì cha mẹ nên giúp con như thế nào? Khi nào cần kịp thời cách ly trẻ khỏi mạng xã hội?
- Nếu có ai đó đang công kích con trên mạng, tốt nhất hãy đối phó cùng với một nhóm hỗ trợ. Cha mẹ cùng con thảo luận xem liệu có phải là một ý hay nếu xóa tài khoản, đổi số điện thoại di động và tạo ra một tài khoản mới mà chỉ có những người bạn thật sự mới kết nối được với con. Có thể cân nhắc xem cần thông báo cho ban giám hiệu nhà trường hoặc chính quyền. Cũng có thể cần tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý về những gì đang xảy ra. Nếu con đang nhận những tin nhắn có tính hăm dọa, đã đến lúc phải liên hệ với công an.
Nếu những lời bình luận gây tổn thương vẫn tiếp tục được gửi đến, lúc đó hãy thảo luận với con về hai lựa chọn: hoặc con sẽ ngưng đăng nhập tất cả các mạng xã hội trong ba hoặc bốn tháng, hoặc con cho phép cha mẹ xem trước khi các thông tin được đăng tải. Hãy cho con quyền lựa chọn.
Giải thích với con là không ai - dù là trẻ em hoặc người lớn - phải tiêu hóa một thực phẩm bị nhiễm độc - trong trường hợp này là những lời lẽ bị nhiễm độc. Hãy làm những gì cần thiết để ngăn chặn mọi thứ có thể gây tổn thương cho con. Trong thời gian đó, hãy tăng cường các hoạt động tích cực trong gia đình để hỗ trợ con.
* Những hoạt động tích cực cụ thể là gì, thưa bà?
- Hãy cố gắng sắp xếp “thời gian chúng ta bên nhau” như hoạt động không thể thiếu mỗi ngày. Tạo cơ hội cho con chơi với những bạn tốt của con và thực hành các kỹ năng chống bắt nạt đã được đề cập ở trên. Tập thể dục hoặc chơi thể thao mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa trầm cảm và phục hồi tâm lý. Gợi ý để con tham gia môn thể thao nhóm hay nhóm khiêu vũ hoặc cha mẹ có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày để trò chuyện với con. Có chế độ ăn uống tốt và lan tỏa những điều tích cực cho con mỗi ngày. Cùng nhau xem những bộ phim mang lại sự lạc quan, đọc các sách nuôi dưỡng tinh thần - hãy cho con thấy con quan trọng như thế nào đối với cha mẹ và các phẩm chất của con là đặc biệt đối với gia đình cùng thế giới. Nói với con là cha mẹ biết đây là một việc khó, nhưng mọi chuyện sẽ qua đi và cha mẹ tin sự việc sẽ tốt đẹp theo thời gian.
* Xin cảm ơn bà.
Trường Sơn (thực hiện)
Nắm vững kỹ năng lên mạng an toàn
Trẻ em chơi trò chơi trực tuyến ở những độ tuổi ngày càng sớm, có thể sáu hoặc bảy tuổi. Hãy giới hạn thời gian chơi của con và lựa chọn cẩn thận những trò nào con được phép chơi. Có một số trò chơi lành mạnh và hợp lý. Các cháu có thể luyện kỹ năng tính toán, kỹ năng đọc và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau.
Đối với trẻ lớn hơn, các nguồn trên mạng có thể là công cụ tuyệt vời để học hỏi về một loạt các chủ đề. Tuy nhiên, cũng có nhiều trò chơi và trang web không tốt cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu con bạn tham gia trò chơi hay tra cứu thông tin trên mạng, bạn cần học cách điều chỉnh các thiết lập trên ứng dụng mà các con đang sử dụng để hạn chế quyền truy cập vào những nội dung có hại hoặc không phù hợp với lứa tuổi.
Con bạn cần hiểu rằng, trên đời này có người không an toàn, không tốt cho trẻ em. Do con chưa đủ hiểu biết để phân biệt ai là người lớn an toàn và ai không an toàn trên mạng, nên điều quan trọng là phải có một nguyên tắc: không chia sẻ tên, tuổi, địa chỉ của mình với những người quen biết qua internet.
Điều khôn ngoan nhất nên làm là đặt máy tính của con trong khu vực sinh hoạt chung trong nhà. Cách bố trí như thế sẽ thuận tiện cho các con của bạn khi chúng cần làm gì trên máy tính hoặc chơi trò chơi và cũng dễ dàng cho cha mẹ theo dõi hoạt động của các con trên máy tính một cách tự nhiên.
Diane G. Tillman
|