edf40wrjww2tblPage:Content
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri Q.3, TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 dành nhiều thời gian phản ánh những vấn đề hệ trọng của đất nước như việc Trung Quốc xây dựng các bãi đá ở Biển Đông; những bất cập trong công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nợ xấu, nợ công, tình trạng tham nhũng, lãng phí; đồng thời cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến giao thông đô thị, an sinh xã hội…
Cử tri Hồ Quang Chính (phường 9) cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, tạo điều kiện quan trọng để thực hiện nhanh và bền vững sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cử tri này đề nghị có giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác này; đồng thời cần đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Cử tri Hồ Quang Chính cũng yêu cầu QH, Chính phủ nghiên cứu sớm tổ chức quản lý giáo dục nghề nghiệp ở cả cấp trung ương lẫn địa phương.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7), cử tri Hoàng Xuân Dung (phường 5) bày tỏ bức xúc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc xây dựng các bãi đá ở Biển Đông và đề nghị Đảng, Nhà nước ta cần có những giải pháp mạnh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Thay mặt tổ ĐBQH tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết sẽ phản ánh các ý kiến, kiến nghị của bà con cử tri quận 3 lên QH, đặc biệt lên Chính phủ để nghiên cứu, giải quyết.
Trao đổi về những bất cập trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà cử tri phản ánh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, nhìn tổng thể, công tác đào tạo nghề thời gian qua cũng làm được một số việc, nhưng nhìn chung, lực lượng thợ lành nghề đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn thiếu hụt trong cả nước, trong đó thợ chế tạo máy, làm công nghiệp phụ trợ thì lại cực kỳ hiếm.
Theo Chủ tịch nước, muốn thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dứt khoát phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là điều không thể bàn cãi và dạy nghề là một trong những vấn đề hết sức lớn của nước ta hiện nay.
Về vấn đề Trung Quốc xây dựng các bãi đá, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới đã và đang lên tiếng ủng hộ Việt Nam và chúng ta hết sức cảm ơn họ. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, kiên trì và cốt lõi, bản chất vấn đề là ta phải mạnh lên về mọi mặt, nhất là về kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, đối nội, đối ngoại…
Chủ tịch nước mong muốn: "Bà con cử tri hãy cùng Đảng, Nhà nước nỗ lực đưa nền kinh tế mạnh lên, văn hóa xã hội, an ninh chính trị vững vàng lên, đó là biện pháp tốt nhất để giữ vững nền độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi nhất, là tiền đề quan trọng để các nước, các tổ chức trên thế giới ủng hộ Việt Nam nhiều hơn".
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các ĐBQH đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều vấn đề: Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông khi mở rộng, bồi lấp các đảo chìm; chương trình học phổ thông quá tải; lãng phí trong đầu tư công; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn; chất lượng giám sát của Quốc hội; chính sách bảo hiểm y tế bất hợp lý; giá điện, giá xăng tăng bất hợp lý…
Cử tri Trần Việt Hùng (phường Tân Định) bức xúc cho rằng giá xăng dầu thế giới giảm, trong khi trong nước lại tăng. Bộ Tài chính, Bộ Công thương có giải thích lý do nhưng cử tri thấy không hài lòng. Đây là cách tăng giá bất hợp lý. Người dân cũng còn gánh chịu hệ lụy là giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Cử tri này yêu cầu QH phải có giải pháp điều chỉnh hợp lòng dân.
Kiến nghị về lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Võ Văn Lập (phường Nguyễn Thái Bình) yêu cầu QH phải làm gì đó cho dân bớt khó khăn vì nhiều năm rồi người dân vẫn phải chịu đựng hệ lụy của tình trạng được mùa, mất giá, làm ra sản phẩm bán không có lời mà phải lo gánh nhiều khoản chi phí, lo trả lãi suất ngân hàng…
Cử tri Nguyễn Hoài Nam (phường Nguyễn Cư Trinh) phản ánh: Vai trò giám sát của QH như thế nào mà bộ máy thì cứ phình ra, chi tiêu tăng, tình trạng tài nguyên rừng, khoáng sản của đất nước bị khai thác bừa bãi…
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng vấn đề giá xăng, giá điện là chuyện đại sự và khẳng định sẽ giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu kỹ, trả lời thỏa đáng cử tri.
Liên quan đến vấn đề nợ công, bộ máy nhà nước cồng kềnh mà cử tri phản ánh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định không tinh giản biên chế thì cải cách tiền lương sẽ không tiến hành được. Có một thực tế nan giải là những năm qua, số lượng cán bộ, công chức cứ tăng lên; chi thường xuyên để duy trì bộ máy đã chiếm đến 72% tổng ngân sách nhà nước. “Chúng ta đã phải đi vay nợ để chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Nợ công mà tăng thêm nữa thì rất nguy hiểm”, Chủ tịch nước ưu tư.
NHẬT THỤY