Bảo vệ bệnh viện chặn xe cứu thương chở trẻ sơ sinh: "Bản án" đã được tuyên

09/07/2016 - 13:57

PNO - Mặc dù đã có điều luật xử lý hình sự với hành vi chặn xe cứu thương gây hậu quả nghiêm trong nhưng lịch sử tố tụng Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị kết án.

Khó xử!

Sáng ngày 9/7, trao đổi về vấn đề pháp lý mà 3 nhân viên của Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ AZ mắc phải trong khi làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Luật sư Nguyễn Văn An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là hành vi khó xử lý theo quy định hiện hành.

Theo ông An, hiện trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam có điều khoản quy định hình phạt tù cao nhất lên tới 15 năm cho hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương mà gây hậu quả nghiêm trọng như gây ra chết người.

Nhưng trên thực tế, chưa có vụ án nào liên quan tới hành vi này được đưa ra xét xử và bị kết tội. “Luật đề ra là vậy nhưng áp dụng vào thực tế rất khó xử lý bởi để chứng minh được họ vi phạm là rất khó” – ông An nói.

Áp vào sự việc xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương vào sáng ngày 2/7, ông An phân tích: “Hành vi của 3 bảo vệ trái với đạo đức con người là điều ai cũng biết khi xem qua đoạn băng ghi hình. Nhưng để kết tội họ theo luật hình sự thì phải làm rõ được hậu quả nghiêm trọng mà họ gây ra”.

Vị luật sư phân tích, trong trường hợp các bảo vệ chặn xe khiến cháu bé chưa kịp về với gia đình mà tử vong trên xe cũng chưa thể nói là gây hậu quả nghiêm trọng về mặt vật chất. Bởi trước đó, các bác sĩ đã đưa ra tiên lượng sức khỏe của cháu bé rất yếu, gia đình cũng đã chủ động xin về để cháu qua đời tại quê nhà.

Bao ve benh vien chan xe cuu thuong cho tre so sinh:
3 bảo vệ liên quan đến vụ việc chặn xe cứu thương tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương vào sáng ngày 2/7 (Ảnh cắt từ băng ghi hình).

Hậu quả chính mà nhóm bảo vệ gây ra là tổn thương về mặt tinh thần cho gia đình cháu bé, cộng đồng cũng cảm thấy bị “xúc phạm” khi quy chuẩn đạo đức bị 3 người này đẩy đi lệch lạc khiến mất đi niềm tin giữa người với người, hình ảnh “bệnh viện nhân dân” cũng vì thế mà đi xuống.

“Muốn người vi phạm bồi thường thì phải chứng minh được thiệt hại. Trong khi đó, những giá trị về mặt tinh thần, niềm tin ai cũng cảm nhận thấy nhưng rất khó định lượng cụ thể. Vì thế, trường hợp này để bắt 3 bảo vệ bồi thường là điều khó có thể thực hiện” – ông An nhận định.

Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm các bên liên quan (bệnh viện, công ty bảo vệ) để trấn an dư luận, lấy lại niềm tin từ phía người dân, không để tiền lệ tái diễn trong tương lai.

Bản án nghiêm khắc nhất

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hồng Hà – Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng nói thêm, tuy 3 bảo vệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương có thể thoát án hình sự nhưng sẽ phải chịu mức án khác nặng hơn rất nhiều đó chính là “bản án lương tâm”.

Ông Hà nói: “Dư luận những ngày qua phẫn nộ như thế nào trước hành vi của 3 bảo vệ thì mọi người cũng đã rõ. Hình ảnh của 3 bảo vệ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, kèm theo đó là những lời lẽ lên án, căm ghét thói vô cảm, lạnh lùng của họ. Chính bởi vậy, họ đang phải chịu sự dày vò của xã hội hay chính lương tâm mình”.

Ông Hà đặt ra câu hỏi: “Không biết người thân của 3 bảo vệ này cảm thấy thế nào khi theo dõi thông tin truyền thông trong suốt mấy ngày qua. Sau khi xem xong, hình ảnh của 3 bảo vệ sẽ như thế nào trong mắt người thân?”.

Luật sư Trần Văn Quốc – Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cũng cho rằng: “Bản án tòa tuyên còn có thời hạn chứ bản án lương tâm mới thật sự đáng sợ, nó đeo đẳng cá nhân vi phạm đến hết cuộc đời. Cái mất lớn nhất của 3 bảo vệ trong vụ việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương chính là niềm tin của những người thân xung quanh họ. Mong rằng, sau sự việc này họ sẽ rút ra kinh nghiệm mà trở thành người có ích hơn”.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI