Trăn trở
“Khi đến xem trực tiếp xe tăng T59, số hiệu 377, sẽ thấy chi chít vết đạn trên mình. Chiến tranh thật tàn khốc nhưng cũng cho thấy sự anh dũng của các chiến sĩ”, một người bình luận trong bài viết về những bảo vật quốc gia mới được công nhận. Chiếc xe tăng này hiện đang được đặt tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Một người khác cho biết, rất muốn chiêm ngưỡng bảo vật này, nhưng do ở quá xa nên không thể tiếp cận được. Người khác nữa nói nếu có bảo tàng điện tử để tra cứu thì tuyệt.
|
Tượng Quan âm ngàn mắt ngàn tay (được lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những bảo vật quốc gia - Ảnh: Thành Lâm |
Hiện cả nước có 264 bảo vật quốc gia được công nhận. Ngoài số bảo vật hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế… còn một số lượng lớn các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại các địa phương hoặc trong các chùa, đền, đình nằm rất xa trung tâm. Trong đó, trường hợp của xe tăng 377 nêu trên là 1 điển hình.
Những bảo vật khác trong nhóm này có thể kể đến như: bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (vách núi Phia Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), cặp voi đá thành Đồ Bàn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)…
Chưa kể, một số lượng bảo vật quốc gia đang thuộc các bộ sưu tập của tư nhân. Trong đợt công nhận mới nhất, có 7/27 bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân.
Phát huy giá trị của bảo vật quốc gia là vấn đề quan trọng. Trừ một số đơn vị ở các thành phố lớn thì ở nhiều nơi, bảo vật hoặc sẽ được giữ nguyên trạng hoặc cất vào kho để bảo quản. 2 cách làm này đều không giúp phát huy giá trị của bảo vật. Bên cạnh đó, công tác bảo quản bảo vật cũng là vấn đề. Bởi lẽ, ngay tại các đơn vị có chuyên môn cao như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng từng xảy ra vụ làm hư hỏng bảo vật quốc gia - bức tranh Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
|
Ấm ABV-02, 1 trong 9 bảo vật quốc gia (thuộc bộ sưu tập An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng), được số hóa (ảnh chụp màn hình) |
Đi tìm lời giải
Trên lý thuyết, bảo vật quốc gia được đăng ký với Nhà nước, được đánh số, có giấy chứng nhận nên được Nhà nước bảo vệ. Mỗi chất liệu phải có chế độ bảo quản đặc thù. Thường phương án bảo vệ này cũng được nêu khi đăng ký. Khi địa phương không đủ điều kiện quản lý thì có thể giao Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo quản hiện vật ở các địa phương, thậm chí trong bảo tàng, lại có sự khác nhau về trình độ, ý thức. Công tác này ở địa phương cần được sự hỗ trợ thêm từ các đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ cao, có phương án thống nhất; đặc biệt, khi một số bảo vật quốc gia đang được đặt ở điều kiện tự nhiên, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường.
Số hóa hiện vật đang là xu hướng phát triển mạnh, để giúp người dân, công chúng có thể tiếp cận. Tuy nhiên ở nhiều địa phương công tác này vẫn còn mới mẻ hoặc khó thực hiện. Ông Đặng Hoàng Nam (Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) - nơi đang lưu giữ xe tăng T59, số hiệu 377 - cho biết: Hiện đã có nhiều hình ảnh về hiện vật trên cổng thông tin điện tử của huyện. Trong tương lai, địa phương sẽ tính đến các phương án khác để có thể đưa hiện vật đến gần công chúng.
Ông Mai Thành Chung (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam - địa phương cũng có một số bảo vật quốc gia) cho biết số hóa đang nằm trong dự tính của địa phương, tuy nhiên, khó khăn hiện tại là kinh phí. Xã hội hóa là phương án tốt, nhưng khó kêu gọi do tình hình các doanh nghiệp khó khăn. Hơn nữa, những dự án về văn hóa phải tìm được đơn vị phù hợp, có tầm nhìn chung.
|
Xe tăng T59, số hiệu 377, hiện được lưu giữ tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum Ảnh: Cục di sản văn hoá Việt Nam |
Ông Trần Đình Thăng - chủ nhân bộ sưu tập cổ vật An Biên (có nhiều bảo vật quốc gia) - hiện đã xây dựng website, số hóa nhiều bảo vật, giúp người xem tương tác đa chiều, cộng với thuyết minh chi tiết. Ông cho biết kinh phí đầu tư khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông, việc khó nhất là thu thập tư liệu, bài viết để thông tin được dày dặn, có giá trị gửi đến công chúng.
Phát huy giá trị của cổ vật gắn với du lịch cũng là phương án được đề xuất. Việc này đòi hỏi phải có sản phẩm tour du lịch phù hợp, kèm quảng bá. Tuy nhiên, công tác này ở một số địa phương chưa tốt hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, có những địa phương sở hữu di tích, di sản quốc gia (trừ những nơi quá nổi tiếng) nhưng người dân không biết hoặc biết rất mơ hồ khi giới thiệu cho du khách. Vì thế, sự kết nối giữa địa phương với người dân cũng là việc quan trọng.
Một chuyên gia hiện đang công tác tại Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, địa phương có thể phối hợp với bảo tàng nhà nước tổ chức trưng bày, giới thiệu; nếu được Thủ tướng cho phép thì có thể mang đi nước ngoài để giới thiệu. “Bảo vật cần được đặt trong một bối cảnh cùng nhiều cái khác, để tạo ra một câu chuyện, chứ đôi khi chỉ xuất hiện đơn độc thì không thể nói lên điều gì cả. Sự liên kết, kết hợp vô cùng quan trọng trong công tác này” - chuyên gia này chia sẻ.
Năm ngoái, ông Trần Đình Thăng đã kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng để tổ chức hoạt động trưng bày. Tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức trưng bày 3 bảo vật quốc gia vào tháng 8/2022. Những hoạt động này cần được đẩy mạnh trong tương lai.
Để bảo vật quốc gia phát huy hết giá trị trong đời sống hiện đại, cần thiết có sự bắt tay giữa các bên liên quan, chứ không thể là nỗ lực của 1 đơn vị, hay 1 cá nhân nào.
Thành Lâm