Bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử: Những điều băn khoăn

22/03/2014 - 02:32

PNO - PN - Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra trong buổi họp mặt nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT) và trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trên địa bàn TP.HCM tổ chức chiều 18/3.

edf40wrjww2tblPage:Content

Soạn giả Ngô Hồng Khanh bức xúc: “ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể, muốn bảo tồn cần phải thông qua “vật thể”, đó chính là con người. Khi không bảo vệ, giữ gìn được “vật thể”, chúng ta sẽ mất phi vật thể”. Từ nhiều năm nay, những người có nhiều đóng góp cho ĐCTT cũng chỉ mới được công nhận là Nghệ nhân dân gian (NNDG) do Hội Văn hóa văn nghệ dân gian trao tặng. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và chế độ chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dù đã được quy định tại chương 3 - Luật Di sản và chương 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP nhưng việc thực hiện lại gặp khó khăn.

Tất cả những người có mặt trong buổi họp mặt đều có chung quan điểm: việc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân và có những chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ. Từ lúc các cơ quan quản lý đặt vấn đề cần phong tặng danh hiệu và những chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đến nay đã hơn 10 năm. Trong thời gian ấy, nhiều NNDG rất giỏi về ĐCTT đã qua đời.

Cùng với “điểm nóng” về chế độ chính sách và phong tặng danh hiệu nói trên, vấn đề được nhiều người đặt ra là cần sớm có sự thống nhất một cách khoa học về bài bản, nhịp điệu, câu cú, nguyên lý giữa đờn và ca, ca và đờn… trong nghệ thuật ĐCTT. Soạn giả Ngô Hồng Khanh băn khoăn: “Ngay cả ban giám khảo của các cuộc thi, liên hoan ĐCTT cũng có những tranh cãi trái chiều về chuẩn mực của ĐCTT thì e rằng việc bảo tồn và phát triển sẽ gặp không ít khó khăn”. Ở góc độ giảng dạy, nghệ sĩ Hải Phượng cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất hiện nay trong giảng dạy ĐCTT là thiếu sự nhất quán trong bài bản. Chúng tôi thường xuyên rơi vào tình huống bối rối khi phải giải đáp những thắc mắc của sinh viên hoặc người nước ngoài muốn tìm hiểu về ĐCTT. Mỗi nghệ nhân có một cách giải thích khác nhau theo quan điểm và cách nhìn của mình”.

Bao ton va phat trien don ca tai tu: Nhung dieu ban khoan

Bao giờ những nghệ nhân xuất sắc của đờn ca tài tử mới được vinh danh ?

Theo báo cáo hoạt động nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn TP.HCM, TP hiện đang có 118 CLB ĐCTT với hơn 2.000 tài tử ca, tài tử đờn và nhiều hoạt động hội thi, liên hoan… liên tục được tổ chức. Nhưng, đánh giá từ thực tế lại cho thấy, không ít cuộc liên hoan, hội thi chỉ mang tính phong trào, đơn giản, hời hợt. Có trường hợp địa phương thành lập CLB ĐCTT để biểu diễn phục vụ là chính chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích bộ môn ĐCTT. Điều đáng ngại là ĐCTT không thiếu những giọng ca hay nhưng lại thiếu trầm trọng những tay đàn. Một số CLB không thể sinh hoạt thường xuyên vì thiếu nhạc công. Nhạc sĩ Nhứt Dũng, giảng viên Khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH SK - ĐA TP.HCM, cho biết thêm: “Nhiều người theo học đàn ít chịu đầu tư thời gian, học hỏi bài bản nên trình độ của một bộ phận nhạc công chưa cao, nếu không muốn nói là khá yếu và không rành rẽ bài bản của ĐCTT”. Thực trạng này không khó lý giải bởi hầu hết các tài tử đờn, tài tử ca, thậm chí ngay cả những nghệ nhân ĐCTT không sống được bằng ĐCTT. Do vậy, đa phần những người theo học nhạc cụ dân tộc chỉ muốn học một vài bài đơn giản, chủ yếu để biểu diễn kiếm tiền .

Một không gian đậm chất ĐCTT ngay tại TP.HCM cho những người yêu thích nghệ thuật này, tạo sao không? Ý kiến của nghệ sĩ Hải Phượng được sự ủng hộ cao: “Một không gian ấm cúng, sinh hoạt định kỳ của ĐCTT chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khán giả là người Việt Nam lẫn khách du lịch, góp phần quảng bá rộng rãi ĐCTT trong công chúng lẫn bạn bè quốc tế” . Tuy nhiên, lại vướng kinh phí.

Những băn khoăn trên ít nhiều được giải tỏa khi ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết: “Những vấn đề liên quan đến việc phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân sẽ được đặt ra trong phiên họp đại biểu Quốc hội vào tháng 5/2014. Sở VH-TT-DL cũng đang phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức thí điểm dạy ca và nhạc cổ cho học sinh một số trường tiểu học để bắt đầu chính thức triển khai trong năm học 2014 - 2015”. Song song đó, Nhạc viện TP vừa hoàn tất đề án dạy cho học sinh mẫu giáo làm quen với âm nhạc dân tộc và ĐCTT để đưa vào các trường mầm non trong thời gian sớm nhất.

Một số đề xuất đáng chú ý khác đã được nêu tại buổi gặp mặt: lập quỹ hỗ trợ để chăm lo cho các nghệ nhân gặp khó khăn; có kế hoạch giúp đỡ và định hướng lâu dài cho các CLB ĐCTT, hỗ trợ để sinh viên của Nhạc viện TP.HCM thực sự yêu mến và muốn gắn bó với ĐCTT trở thành lực lượng nòng cốt trong các CLB ĐCTT của các trung tâm văn hóa, quận huyện...

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI