Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nhìn từ Festival Huế

15/10/2024 - 19:45

PNO - Festival Huế không chỉ là lễ hội văn hóa mà còn được ví như mô hình tiêu biểu của Việt Nam về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Qua mỗi kỳ festival, những giá trị văn hóa của Huế được tôn vinh và lan tỏa.

Trong 5 ngày diễn ra, tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã thu hút hơn 100.000 lượt khách đến Huế tham quan
Trong 5 ngày diễn ra, tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã thu hút hơn 100.000 lượt khách đến Huế tham quan

Phát huy giá trị di sản văn hóa Huế

Là kinh đô của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam với 143 năm tồn tại, Huế lưu giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo, bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng, tẩm, phủ đệ, cảnh quan thiên nhiên, nhà vườn,

Festival Huế được đánh giá thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa sâu lắng của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế và mang thêm nhiều nét hiện đại thông qua sáng tạo văn hóa. Các chương trình nghệ thuật từ nhã nhạc cung đình Huế, đến các buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại... kết nối, hòa quyện với hệ thống quần thể kiến trúc, không chỉ giúp bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện để chúng được cộng hưởng và lan tỏa.

Điện Kiến Trung - Đại nội Huế sân khấu chính của lễ khai mạc, bế mạc Tuần lễ Festival Quốc tế Huế 2024
Điện Kiến Trung - Đại nội Huế sân khấu chính của lễ khai mạc, bế mạc Tuần lễ Festival Quốc tế Huế 2024

Đặc biệt, từ năm 2022, Festival Huế được xây dựng theo định hướng bốn mùa, tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục trong cả năm nhằm khai thác tối đa những yếu tố văn hóa, địa lý, lịch sử đặc sắc của Huế gắn với lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo... Theo đó, những nỗ lực bảo tồn, phục hồi di sản được tiến hành song song với quảng bá, phát huy giá trị di sản.

Đoàn Nghệ thuật dân gian “SaeNyuk” lôi cuốn khán giả với những tiết mục đa dạng
Đoàn Nghệ thuật dân gian “SaeNyuk” lôi cuốn khán giả với những tiết mục đa dạng

Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.

Lễ hội ánh sáng hướng đến việc tôn vinh di sản kiến trúc Đại Nội Huế, đặc biệt là Thái Bình Lâu và khu vực xung quanh
Lễ hội ánh sáng hướng đến việc tôn vinh di sản kiến trúc Đại Nội Huế, đặc biệt là Thái Bình Lâu và khu vực xung quanh

Có thể thấy rằng, bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hòa quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hóa nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước. Đó hiển nhiên là một thế mạnh về văn hóa và đang trở thành một thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Đến nay, đã có hơn 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu lầu Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh… đã được tu bổ, phục dựng.

Làm song song một lúc hai nhiệm vụ

Dẫn chứng trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh luôn chú trọng thực hiện song song hai nhiệm vụ: bảo tồn và phát huy các di sản vốn rất đa dạng, phong phú. Bởi lẽ, để di sản tồn tại bền vững, bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm và phục hồi, quan trọng nhất là làm nó sống trong đời sống đương đại thông qua cách khai thác, phát huy các giá trị một cách phù hợp.

Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế song song quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế
Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế song song quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế

Chẳng hạn, lễ tế giao được các vua Nguyễn tổ chức hàng năm vào mùa Xuân, từ năm 1890 trở đi, 3 năm tổ chức một lần. Tại Festival Huế 2004, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, lễ hội Nam Giao đã được phục dựng, tái hiện, thu hút sự chú ý của công chúng. Nhã nhạc, tuồng cung đình và múa hát cung đình cũng đồng thời được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) và Nhà hát Minh Khiêm Đường (lăng vua Tự Đức) nhằm mục đích giới thiệu, lan tỏa rộng rãi những di sản này. Không chỉ tái hiện truyền thống, chất liệu của các di sản văn hóa cũng được sử dụng, lồng ghép trong các hoạt động, chương trình nghệ thuật của Festival Huế để đưa di sản đến gần với công chúng… Cũng có nhiều ý kiến cho rằng theo thời gian, Festival Huế ngày càng khẳng định thương hiệu, trở thành lăng kính soi rọi những giá trị cố đô, thể hiện uy tín và thế mạnh của một trung tâm văn hóa có di sản thế giới độc đáo, gắn với hội nhập và phát triển.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Chính điều này đã phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Việt Nam, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ. Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, xây dựng thương hiệu du lịch mới của tỉnh: “Cố đô Huế - 1 điểm đến 5 di sản - Quê hương hạnh phúc”.

Như lời Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhận định tại lễ khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, “Nhiều công trình văn hóa, di sản, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc được trùng tu, phục dựng, tạo nên những nét văn hóa hấp dẫn mới đối với cả du khách trong nước và quốc tế. Các hình thức biểu đạt văn hóa mới và công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được phát huy. Thừa Thiên Huế do đó ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực”. Ông Lê Hoài Trung nói.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI