Nếu quan tâm thực sự, sẽ không có những “cú giật mình sâu thẳm” như cây cầu Ba Son 130 tuổi đổ sập xuống sông Sài Gòn, không có chuyện Giồng Cá Vồ im bặt cùng nền văn hóa khảo cổ Đồng Nai có niên đại cách ngày nay 2.500 năm, không có một lò gốm Hưng Lợi bị “xóa sổ” trong đau đớn, cũng không có chuyện hàng ngàn biệt thự cổ bị “phong ấn” ngột ngạt trong chiếc áo di sản văn hóa.
Có lẽ, bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị chưa bao giờ là một “cuộc chiến” nhọc nhằn, đầy thách thức như hiện nay.
|
Nhà thờ và Tu viện Thủ Thiêm vừa được lập hồ sơ xếp hạng di tích - Nguồn ảnh: VNExpress |
Nhận thức sớm, nhiều văn bản pháp luật bọc lót
Thực hiện kế hoạch 547/KH-HĐND của HĐND TP, Thường trực HĐND TP lập hai đoàn giám sát, đã đi giám sát, khảo sát ở 10 quận huyện, ở hơn 10 địa điểm… và giám sát ở 4 sở, ngành liên quan.
Sau buổi giám sát cuối cùng diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM ngày 12/11, đoàn giám sát sẽ tập hợp kết quả và báo cáo với HĐND TP.HCM dự kiến từ ngày 7 - 9/12 tới.
Cần nói thêm, cùng với chống ngập, bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị là hai vấn đề trọng điểm của thành phố được đưa vào chương trình giám sát của HĐND TP.HCM trong năm nay, để thấy, câu chuyện di sản không phải là mối quan tâm riêng của các nhà khoa học hay những người quan tâm di sản, mà còn là mối quan tâm của thành phố.
Chưa kể, ngoài Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư liên quan, thời gian qua, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo tồn di sản đô thị. Với bảo tồn di sản là các quyết định số 30 (2011), số 3794 (2016), số 923 (2017), số 1336 (2017), số 973 (2018). Với bảo tồn cảnh quan kiến trúc, chương trình nghiên cứu bảo tồn thậm chí đã được thực hiện từ năm 1995.
Đến năm 1996, UBND đã ban hành thông báo số 46/TB-UB-QLĐT kèm theo danh mục 108 đối tượng được phân loại theo mảng, tuyến, cụm, điểm. Sau này, có thêm nhiều văn bản khác về quản lý kiến trúc đô thị với 4 ô phố trước Hội trường Thống Nhất (2009), quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu (930ha), trong đó nêu những quy định về các công trình, cảnh quan cần bảo tồn (2013); các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung (2014)...
Ngoài ra, còn có các quyết định về thực hiện kiểm kê bảo tồn đối với 168 công trình, địa điểm có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng (2010); quyết định phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh (2017).
Chỉ cần nhìn vào diễn tiến sự ra đời của các văn bản này, dễ nhận ra, hầu như năm nào, UBND TP.HCM cũng ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về di sản đô thị. Đặc biệt, TP.HCM cũng là một trong số ít những địa phương tiên phong trên cả nước nghiên cứu bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị (từ năm 1995).
Trên cơ sở chương trình này, một năm sau đó, UBND TP.HCM đã ban hành thông báo 46 xác định việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc quan trọng phải được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng và làm ngay để sớm xác định được dấu ấn kiến trúc của thành phố.
Tới năm 2010, quyết định số 3691 và số 2751 tiếp tục được ban hành, đưa ra 10 nội dung bảo tồn, trong đó có cả những câu chuyện mà hiện nay thành phố vẫn đang loay hoay chưa thực hiện được như lập danh mục, kiểm kê, đánh giá, khoanh vùng lõi di sản của thành phố, các quy chế liên quan cũng như những chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn...
|
Cầu tàu Ba Son 130 năm tuổi đã đổ sập |
Gần 1/4 thế kỷ vẫn giậm chân tại chỗ
Để thấy, nhận thức về giá trị di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của chính quyền thành phố đã có trước cả khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, sửa đổi năm 2009.
Với một nhận thức có tầm ở thời đó và một mạng lưới các văn bản quy phạm pháp luật bọc lót đó, nếu thực hiện tốt, hiện nay, lẽ ra TP.HCM đã hoàn toàn “thoát xác” trong cuộc vật lộn giữa bảo tồn và phát triển, để vươn mình trở thành một “thành phố di sản” hoặc một “đô thị di sản” đúng nghĩa.
Thế nhưng, nhìn lại, cả thành phố như một công trường, mà ở đó, nhiều di sản, nhiều cảnh quan đã bị phá bỏ hoặc buộc phải nhường chỗ cho sự phát triển.
Theo ông Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng, ta có thứ vũ khí quan trọng số 1 để bảo vệ di sản, đó là quy hoạch. Trong quy hoạch, có quy định rất rõ vùng nào cần được giữ lại để bảo tồn, vùng nào được phép phát triển.
Giữ lại một khu biệt thự, không đơn thuần là vấn đề bảo tồn mà nó còn là giữ cảnh quan môi trường chung cho đô thị đó. Quy hoạch có ý nghĩa lớn, vì thế, nó quyết định giá trị sử dụng đất ở đó. Nếu chỗ nào, ta cũng muốn khai thác tối đa giá trị sử dụng đất, tới đây, sẽ hy sinh môi trường, cảnh quan bao nhiêu nữa… Nếu có kiến thức và hiểu biết về di sản, vũ khí này sẽ phát huy được sức mạnh của nó.
Tuy nhiên, theo ông Cương, “những kiến thức của đội ngũ quản lý nhà nước nói chung về lĩnh vực này không theo kịp sự phát triển. Kết quả dẫn đến việc quản lý về vấn đề này chậm so với yêu cầu phát triển. Thiếu kiến thức làm cho ta không đứng vững trước áp lực của thị trường. Thiếu kiến thức, quyết tâm bảo tồn không đủ mạnh, cho nên mới không giữ được các công trình quan trọng tiêu biểu của thành phố”.
Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di sản; cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp nâng cao trình độ, tổ chức các đoàn đi nghiên cứu trao đổi, học tập kinh nghiệm từ bên ngoài, các cuộc tọa đàm, hội thảo… Tuy nhiên, chất lượng đầu ra như thế nào, đáp ứng được nhu cầu thực tế hay chưa, cũng cần phải xem lại.
Di tích biến thành tài sản riêng? Chiều 12/11, UBND Q.1 cũng đã có buổi báo cáo tọa đàm về "Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch Q.1". Ngoài những thảo luận, kiến nghị phương thức phát triển du lịch trên địa bàn quận, một trong những thực trạng đáng quan tâm là có những di tích cấp quốc gia đã bị biến thành tài sản riêng của các cá nhân. Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Lan (giảng viên Khoa Nhân học - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), hiện trên địa bàn Q.1 có ba di tích lịch sử cấp quốc gia bị biến thành tài sản riêng. “Đó là nơi thành lập An Nam cộng sản Đảng (năm 1929, tại phòng 1, lầu 2, nhà số 1 đường Philippini - nay là đường Nguyễn Trung Trực, Q.1), nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (năm 1928, phòng 5, khách sạn Tân Hòa, Đại lộ Bonard; nay là phòng 5, nhà số 88 Lê Lợi) và trụ sở báo Dân Chúng (số 43 Lê Thị Hồng Gấm). Lục Diệp |
Các hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong những năm qua, dường như chỉ khác nhau về thời gian và địa điểm tổ chức, còn nội dung mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đặt ra, các vấn đề tồn đọng, những khó khăn mà quản lý nhà nước gặp phải trong vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị hàng chục năm nay quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu đó.
Một cuộc tọa đàm, một cuộc hội thảo hay một kỳ giám sát được mở ra, không thể nào vô nghĩa. Vậy sau tọa đàm, hội thảo, giám sát là gì nữa? Hàng chục năm mà những tồn đọng, chưa có dấu hiệu tháo gỡ dần những khó khăn, bất cập đó, vậy trách nhiệm của quản lý nhà nước trong vấn đề này như thế nào?
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đặt vấn đề: từ năm 2013 đến nay, UBND đã sơ kết đánh giá quyết định 2751 chưa? Rút ra bài học gì? Giờ đây, quyết định đó hết thời hiệu, đã ban hành quyết định mới như thế nào? “Chúng ta đã bỏ trống vấn đề này một thời gian quá lâu”, bà Nhung nói thêm.
Chưa kể, Luật Di sản văn hóa cũng đang bộc lộ nhiều bất cập so với thực tế. Trong sự bất cập đó, TP.HCM có tận dụng được cơ chế đặc thù gì trong bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị? Tất cả những điều này, đòi hỏi sự tăng cường giám sát quản lý nhà nước và sự chủ động hơn nữa từ phía UBND về vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Sự quản lý và sự chủ động này, nói không có thì không đúng, nhưng có mang lại hiệu quả không, có lẽ, chỉ cần nhìn vào diễn tiến bị “xóa sổ” của không ít di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị có giá trị cũng đủ một chút ngậm ngùi gọi là cho đúng vị, nếu không muốn nói thẳng như một nhà nghiên cứu là “chua chát lắm!”.
Đậu Dung