Bão thông tin trong một vụ bắt cóc là con dao hai lưỡi

10/07/2017 - 12:01

PNO - Tích cực loan tin rộng rãi nhưng nội dung phần lớn là tiêu cực, thiếu nghiệp vụ có thể gây hiệu ứng ngược khi kẻ bắt cóc không còn “cơ hội” để thay đổi kế hoạch trả em bé lại cho gia đình.

Trao đổi với báo Phụ Nữ chiều 9/7, tiến sĩ Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) - đã có những phân tích từ khía cạnh tội phạm học liên quan đến vụ việc bé trai 6 tuổi Trần Trung Nghĩa (thường gọi bé Nô) tình nghi bị bắt cóc và sau đó phát hiện đã tử vong xảy ra ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang gây xót xa trong dư luận cả nước những ngày qua.

Ông Thuận cho rằng, điều quan trọng đầu tiên trong các vụ bắt cóc là xác định được động cơ. . Xác định được động cơ rồi thì mới có manh mối điều tra cũng như biện pháp phòng ngừa. 

- Sau khi thông tin về bé Nô lan truyền trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã tích cực “vào cuộc”. Chỉ trong vài ngày trẻ mất tích, gia đình đã nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại chia sẻ và cung cấp manh mối. Theo ông, có nên làm như vậy?

- Tiến sĩ Lê Minh Thuận: Như tôi đã nói, tung tin không chính thống, thiếu nghiệp vụ một cách quá rộng rãi như thế lên mạng là con dao hai lưỡi, tác dụng sẽ ngược lại. Một mặt, gia đình nghĩ mọi người có thể chung sức tìm con, giúp thông tin lần ra em bé, nhưng có mấy ai có nghiệp vụ trong việc truy tìm trẻ mất tích.

Bao thong tin trong mot vu bat coc la con dao hai luoi
Tiến sĩ Lê Minh Thuận

Khi thông tin càng lan truyền mạnh trên mạng, kẻ bắt cóc phải tích cực tìm mọi cách để che giấu. Điều bất lợi là khi thông tin đổ dồn, gây áp lực tâm lý rất lớn cho kẻ đang nắm giữ em bé. Ở đây, có khi nào chúng ta nghĩ đến khả năng người ta không phải bắt cóc mà ban đầu chỉ muốn đơn giản hù dọa? Vô hình trung, khi bão thông tin nổi lên, tích cực thông tin rộng rãi nhưng đa số nội dung tiêu cực, thiếu chuẩn xác, thiếu nghiệp vụ từ cơ quan điều tra đã khiến kẻ đang cầm giữ em bé không có “cơ hội” để trả trẻ lại cho gia đình.

Tóm lại, các thông tin liên quan đến vụ việc bắt cóc, mất tích nên để cho công an công bố, phổ biến mà thôi. Họ có nghiệp vụ và có thông tin nội bộ thông qua các cơ quan điều tra khác để cân nhắc đưa thông tin nào ra là có lợi nhất cho việc phá án, truy bắt, tìm kiếm.

- Ông suy đoán thế nào về việc hiện trường phát hiện thi thể bé Nô vào ngày 8/7 (5 ngày sau khi bé mất tích) chỉ cách nhà 2km?

- Tiến sĩ Lê Minh Thuận:  Ở trường hợp bé Nô, chúng ta vẫn chưa biết động cơ của kẻ bắt cóc là gì, nhưng tôi nhắc lại, chính người nhà đã có thể suy xét mà đoán được. Kinh nghiệm trong các vụ bắt cóc, gia đình phải biết 70% động cơ. Giả dụ, gia đình sẽ biết có thù hằn gì với ai không, người thân có ai có vấn đề gì không, sau hết mới nghĩ đến bắt cóc và từ đó cân nhắc, thận trọng khi đưa thông tin.

Bao thong tin trong mot vu bat coc la con dao hai luoi
Bé Nô được phát hiện thi thể tại bãi cát vắng sau khi mất tích 5 ngày.

Thông thường loại tội phạm bắt cóc chuyên nghiệp không bao giờ để xảy ra việc phải giết con tin. Mục đích sau cùng của họ là tìm mọi cách để lấy được tiền chuộc và tìm cách trả lại trẻ cho gia đình, không mong muốn chuyện giết người xảy ra. Hiện trường cách nhà chỉ có hai cây số khiến người ta cũng có thể suy diễn theo hướng vụ này là do người quen, người thân, người trong địa phương làm. Bởi phải có sự gần gũi, sợ bị trẻ nhận diện nên tìm cách thủ tiêu trước áp lực thông tin quá lớn.

- Khi xảy ra việc mất tích, chúng ta nên làm gì, thưa ông?

- Tiến sĩ Lê Minh Thuận:  Tôi khuyên trong tất cả trường hợp, gia đình nên báo cho cơ quan công an. Họ có  đầy đủ nghiệp vụ để định hướng, khoanh vùng, phân tích động cơ, hoặc như đã nói, có lợi thế nhờ thông tin của các cơ quan, địa phương khác… để giúp sớm tìm ra tung tích. Hạn chế tung thông tin không chính thống, trừ khi công an có lệnh truy nã, tìm kiếm thì chúng ta chỉ share thông tin chính thống đó đi.

Bao thong tin trong mot vu bat coc la con dao hai luoi
Công an khám nghiệm hiện trường nơi phát hiện thi thể bé trai xấu số.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là cẩn thận không để trẻ rơi vào tay kẻ lạ. Cha mẹ nhiều khi chủ quan. Khi đi chơi với con cái, cha mẹ phải biết môi trường ở nơi đó. Đám đông thì cảnh giác đi lạc, sông nước cẩn thận tai nạn đuối nước… phải luôn để con trong tầm mắt của mình.

Phụ huynh phải dạy cho trẻ phản xạ không tiếp xúc người lạ. Nếu gặp, tiếp xúc người lạ phải báo cho cha mẹ, gia đình biết. Nên cho trẻ thuộc điện thoại của mình để trong trường hợp khẩn cấp có thể liên lạc. Để phát triển kỹ năng, phải cho trẻ biết sợ để biết dừng lại. Thấy người lạ phải sợ, sợ xe cộ, sợ vũ khí… Khi mình sợ thì mình mới biết bảo vệ bản thân. Cả người lớn, nhất là người Á Đông chúng ta, cũng cần từ bỏ thói quen thân mật quá mức khi gặp con trẻ. Cần có thái độ giữ khoảng cách với con trẻ để trẻ không dễ dãi với người lạ. Khi nào có sự cho phép của gia đình mới tiếp xúc trẻ.

- Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI