edf40wrjww2tblPage:Content
Cô đoạt danh hiệu Nữ diễn viên phim truyền hình xuất sắc với vai Ngọc Diệp, phim Người chồng điên. Nếu tìm hiểu, công chúng phía Nam sẽ bất ngờ khi biết Bảo Thanh chính là Vũ Phương Thanh - cô bé 11 tuổi năm xưa đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại LHP VN lần thứ 13 với vai Nụ trong phim truyện điện ảnh Vào Nam ra Bắc. Khán giả phía Bắc đã quen mặt cô trong các phim truyền hình Những đứa con vùng đồi, Những con đường, Siêu thị tình yêu, Đi qua ngày biển động, Nốt nhạc con gái, Giọt nước rơi, Trò đời, Những người viết huyền thoại (phim điện ảnh).
Bảo Thanh (trái) rạng rỡ nhận giải Nữ diễn viên phim truyền hình xuất sắc tại lễ trao giải Cánh diều 2014
* Nhiều người không nhận ra chị là DV nhí Vũ Phương Thanh - người đã cùng với Lan Hà (vai Gianh, phim Đời cát) chia nhau giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc ở LHP VN tổ chức tại Vinh (Nghệ An) cách đây 14 năm. Là do cái tên mới Bảo Thanh?
Bảo Thanh: Sau khi tốt nghiệp Khoa Diễn viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (ĐH SK-ĐA HN) năm 2011 rồi về đầu quân cho đoàn kịch 2 - Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, tôi lập gia đình và sinh bé trai đầu lòng. Tôi đặt tên con là Đức Bảo và lấy tên bé ghép với tên mình làm nghệ danh Bảo Thanh.
* Đóng phim từ khi còn bé, theo đuổi nghệ thuật từ rất sớm là một sự ngẫu nhiên hay con đường chị chủ động chọn vì… “có gien nghệ thuật”?
- Gia đình tôi có truyền thống làm nghệ thuật. Ở sân khấu tuồng ngoài Bắc, mọi người quá quen với bố tôi - nghệ sĩ Vũ Nhật Điềm. Mẹ tôi cũng là một DV tuồng. Anh trai đang là DV Nhà hát Chèo, vì vậy tốt nghiệp cấp ba xong, tôi thi luôn vào trường ĐH SK-ĐA HN.
* Hoạt động nghệ thuật ở phía Bắc nhưng chị lại được ê kíp làm phim Người chồng điên trong Nam chấm vào vai nữ chính trong khi DV nữ phía Nam không thiếu, hẳn là một câu chuyện thú vị?
- Năm 2014, hãng M&T Pitures tìm kiếm các gương mặt mới, nhân tố triển vọng kết hợp cả hai miền Nam - Bắc, không chỉ có DV mà còn đạo diễn, quay phim và biên kịch... Khi xem phim truyền hình Trò đời có tôi đóng, nhà sản xuất để ý và chủ động liên lạc mời tôi cộng tác. Khi còn là sinh viên, tôi cũng từng có ý định Nam tiến để phát triển nghề nghiệp nhưng vì nhiều lý do, ước mơ đó không thể thực hiện, nên nhận được lời mời, tôi hào hứng lắm. Hôm đầu tiên mới nhận kịch bản, tôi đọc liền một lèo 30 tập.
* Kịch bản này và vai diễn Ngọc Diệp có điều gì cuốn hút chị?
- Kịch bản của tác giả Thanh Tâm có nhiều tình tiết gay cấn làm người ta phải tò mò, theo dõi để xem rốt cuộc ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Ngọc Diệp trong phim là một cô gái mồ côi mẹ, có cha nghiện rượu. Muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói, cô ấy không từ một thủ đoạn nào. Diệp vừa đáng thương vừa đáng trách, nhưng suy cho cùng cô ấy cũng là phụ nữ, rất yêu con của mình. Đó là điều làm tôi đồng cảm với Diệp.
Đây là một nhân vật có cá tính mạnh, nhiều màu sắc, là dạng vai có nhiều đất cho DV sáng tạo. Nhận được lịch quay, tôi xách một va li phục trang nặng gần ba chục ký vào Đà Lạt để “chiến đấu”. Hơn hai tháng liên tục quay tại Đà Lạt và TP.HCM là những ngày lao động nghệ thuật tuyệt vời.
*Một vai diễn phức tạp như thế hẳn để lại trong chị nhiều kỷ niệm khó quên trên trường quay?
- Cảnh quay làm tôi nhớ mãi có lẽ là lúc Diệp bị chồng, Minh Quang, phát hiện cô đang ngoại tình với Hoàng Sơn. Trong kịch bản, Quang bỏ nhà đi và Diệp đuổi theo tìm anh giữa đêm. Đêm đó Đà Lạt lạnh lắm, đạo diễn Quách Khoa Nam sợ tôi đạp trúng đá sỏi rách chân nên đã ưu tiên quay giấu chân để tôi được mang giày, nhưng tôi xin cứ để tôi chạy chân trần. Quay liền mạch một trường đoạn dài, tới khi quay xong tôi mới cảm thấy mệt, cổ họng khô khốc vì gào khóc.
* Liệu Ngọc Diệp có phải vai diễn “hành” chị nhất từ trước đến giờ?
- Hồi đóng vai con sen Đũi trong phim Trò đời còn cực hơn. Đũi là nhân vật cải biên, hư cấu so với nguyên tác của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Là một cô thôn nữ con nhà gia giáo, được cha chỉ dạy chữ nghĩa, lễ nghĩa đàng hoàng nhưng do hoàn cảnh xô đẩy, Đũi lên thành phố, bị làm hại, rồi nhập vào đám “cơm thầy cơm cô”, làm con sen, làm ca nương, sau đó thành bà chủ ca lầu.
Phim bấm máy vào những tháng cuối năm, trời rất lạnh, nhiều ngày nhiệt độ xuống tới 7-8oC mà DV chỉ được mặc mấy cái áo cánh mỏng vì đây là phim cổ trang. Cảnh quay Đũi tự tử ở bến sông, nước lạnh buốt và dưới chân là cát, đi tới đâu lún tới đó rất nguy hiểm. Ròng rã suốt bốn tháng trời, mưa, lạnh và nhiều bối cảnh xa xôi, tôi mới hoàn tất vai diễn.
* Lần đầu hợp tác với ê kíp làm phim phía Nam, cảm nhận của chị?
- Ê kíp làm phim Người chồng điên rất thân thiện. Đạo diễn Quách Khoa Nam hài hước, luôn khuyến khích DV sáng tạo. Anh Huỳnh Đông là một DV có nghề, hiểu ý bạn diễn rất nhanh, có những phân đoạn tôi chưa cần nói thì anh đã biết tôi muốn diễn gì, ngoài ra anh ấy cũng tếu táo. Không khí làm việc rất chuyên nghiệp. Tôi thích điều đó.
* Khoảnh khắc khi nghe tên mình được xướng lên ở lễ trao giải Cánh diều 2014 có gợi chị nhớ đến thời khắc đăng quang cách đây 14 năm? Hai giải thưởng lớn này có ý nghĩa thế nào với chị?
- Tôi nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại LHP VN lần thứ 13 khi mới 11 tuổi, còn quá nhỏ để cảm nhận sức nặng của nó. đến khi lớn lên, tôi coi đó là một may mắn, một tín hiệu để tôi đeo đuổi nghệ thuật. Còn với danh hiệu mới nhận, đó là một động lực, đánh dấu một cột mốc tiếp theo, một bước ngoặt lớn của tôi trên con đường làm nghề. Giải thưởng nào cũng quý giá nhưng trên hết, được làm nghề, được sống hết mình với đam mê mới là hạnh phúc nhất.
* Sau Người chồng điên sẽ là...
- Cuối năm vừa rồi, tôi đóng xong hai phim Ánh sáng trước mặt, và vào Nam làm phim Ba ơi! Mẹ có về không cũng do M&T Pitures sản xuất. Ánh sáng trước mặt là bộ phim xã hội hóa được VTV đặt hàng sản xuất, tôi thủ vai một cô gái nông thôn với nhiều câu chuyện hấp dẫn nơi làng quê Bắc bộ những năm 54. Trong phim Ba ơi! Mẹ có về không, tôi đóng vai Châu Ngọc, một cô gái nhà giàu ở Sài Gòn, cuộc đời trải qua nhiều biến cố, sau đó bị tai nạn, bị lừa phải nuôi con của người và mất trí nhớ, nhưng cuối cùng cũng tìm được chính mình.
* Cám ơn chị.
HƯƠNG NHU