Bảo tàng tư nhân cần hỗ trợ để phát triển

12/01/2024 - 07:21

PNO - Những năm qua, bảo tàng tư nhân phát triển mạnh về số lượng. Tuy nhiên, để hệ thống bảo tàng này tiếp tục phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Số lượng tăng mạnh

15 năm trước, số lượng bảo tàng tư nhân trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Nhưng hiện nay, theo thống kê chưa chính thức, con số này đã hơn 50. Các bảo tàng thuộc nhiều lĩnh vực phong phú như y học dân tộc cổ truyền, khoa học kỹ thuật, cổ vật, lịch sử, gốm sứ… Nhiều bảo tàng được giới chuyên môn, người xem đánh giá cao như: Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), Bảo tàng Đồng quê (Nam Định), Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (TPHCM), Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Hòa Bình)…

Bảo tàng  Áo dài  (TP Thủ Đức, TPHCM) hiện là một trong những bảo tàng  tư nhân  hoạt động hiệu quả -  Nguồn ảnh: Bảo tàng  Áo dài
Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức, TPHCM) hiện là một trong những bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả - Nguồn ảnh: Bảo tàng Áo dài

Hiện nguồn lợi từ bảo tàng vẫn còn rất ít, thậm chí người trong nghề xem đây là hoạt động kinh doanh văn hóa phi lợi nhuận. Do đó, việc ngày càng có nhiều bảo tàng tư nhân là điều đáng mừng. Các hiện vật, tư liệu được phát huy hết giá trị phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu. Kết quả này cũng cho thấy “câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tư liệu… không chỉ còn của Nhà nước mà của nhiều tầng lớp, toàn dân” - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - chia sẻ.

Tại hội thảo lấy ý kiến cho Luật Di sản văn hóa sửa đổi diễn ra ở TPHCM vào cuối tháng 12/2023, đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhấn mạnh sự phát triển của các bảo tàng tư nhân đóng góp vào việc xây dựng văn hóa. 

Cần sự kết nối

Để các bảo tàng tư nhân thuận lợi phát triển, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam - cho rằng luật cần làm rõ khái niệm di sản văn hóa phi vật thể là gì, bởi hiện quy định khá chung chung khiến bảo tàng tư nhân khó hoạt động. Chẳng hạn y học cổ truyền, sâm Ngọc Linh… không được coi là di sản văn hóa phi vật thể nên khó có thể được ủng hộ trong quá trình phát triển.

Bà đề xuất Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế đối với bảo tàng tư nhân bởi chắc chắn nguồn thu của bảo tàng không đủ để vận hành. Hiện hoạt động của các bảo tàng tư nhân đang chịu chế độ thuế của doanh nghiệp, chưa được hưởng ưu đãi thuế ở một số dịch vụ như các bảo tàng công lập. Để bảo tàng tư nhân hoạt động bài bản cần đầu tư nhiều kinh phí cho diện tích, công tác nghiên cứu, sưu tầm, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm… rất tốn kém.

Ông Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần có một quỹ hỗ trợ làm “bà đỡ” cho bảo tàng tư nhân, các hoạt động bảo tồn di sản. Quỹ này có thể thành lập từ việc huy động các nguồn lực xã hội với tôn chỉ, mục đích, tiêu chí hoạt động rõ ràng để các bảo tàng tư nhân dễ tiếp cận. Nhà nước cũng cần ban hành chính sách hướng các đơn vị có điều kiện đầu tư, quan tâm các hoạt động văn hóa, bảo tàng. 

Khách tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền (quận 10, TPHCM) (Ảnh: Quốc Thái)
Khách tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền (quận 10, TPHCM) (Ảnh: Quốc Thái)

Một trong những vấn đề lớn của các bảo tàng tư nhân là thiếu nhân lực. Phần lớn những cán bộ bảo tàng có kinh nghiệm thì phải sau khi nghỉ hưu mới chuyển sang làm việc cho bảo tàng tư nhân. Vì vậy, hiện nhân sự của các bảo tàng tư nhân chỉ ở mức đủ để duy trì hoạt động cơ bản, chưa thể phục vụ cho sự đầu tư, nâng tầm chất lượng. Việc có các nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm cao là đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng nói chung nhưng không phải bảo tàng tư nhân nào cũng có điều kiện mời nhân sự trình độ cao về làm việc.

Bà Huỳnh Ngọc Vân nhận xét ngành văn hóa Hà Nội và TPHCM đã có sự quan tâm đến các bảo tàng tư nhân. Hiện đã có 2 bảo tàng tư nhân lọt vào tốp 100 điều thú vị của TPHCM. Ngành văn hóa, du lịch cần tiếp tục phát huy sự quan tâm hiện tại, đưa các bảo tàng tư nhân khác vào hệ thống phát triển chung. Trước mắt là ngành du lịch tiếp cận với các bảo tàng tư nhân, nghiên cứu đưa vào lịch trình tham quan, tour du lịch…

Việc tạo ra một tổ chức kết nối các bảo tàng tư nhân cũng là điều rất cần thiết. “Tổ chức này sẽ giúp các bảo tàng phản ánh được các khó khăn, đề xuất các vấn đề cần được cơ quan quản lý hỗ trợ về chuyên môn, nhân sự... Khi đã trở thành một cộng đồng thì tiếng nói sẽ hiệu quả, có sức phát triển hơn” - ông Nguyễn Văn Huy nói.  
 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa