Bảo tàng trưng bày hiện vật thời COVID-19

24/08/2020 - 10:00

PNO - Bảo tàng Lịch sử Urahoro ở Hokkaido (miền Bắc Nhật Bản) đang trưng bày các hiện vật trong thời đại dịch COVID-19.

Nhiều hiện vật đời thường đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Urahoro ở Hokkaido (miền Bắc Nhật Bản). Qua đó, khắc họa cuộc sống hằng ngày khi cả nhân loại đang chống chọi với COVID-19.

Hokkaido là một thị trấn chỉ có 4.500 cư dân, không có tiệm McDonald’s hay rạp chiếu phim nào. Nhưng ông Makoto Mochida - người phụ trách bảo tàng ở đây - tự hào cho hay, họ có cả một kho lưu trữ về những gì đang xảy ra. Đó là những thứ có thể nói cho các thế hệ mai sau biết về cuộc sống đã trở nên như thế nào trong thời COVID-19. “Tôi bị cuốn hút bởi những vật dụng có thể kết nối mọi người. Những thứ được sưu tập sẽ cung cấp một cách tuyệt vời với mục đích bảo đảm rằng lịch sử sẽ được lưu giữ một cách chính xác nhất. Vì vậy, ở đây lưu lại những tập tài liệu hướng dẫn trẻ con đã học như thế nào khi phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Có cả những hướng dẫn kèm theo hình minh họa về cách làm khẩu trang từ khăn tay”, Mochida nói.

Khách tham quan xem trưng bày liên quan đến COVID-19 tại Bảo tàng Lịch sử Urahoro, Hokkaido - Ảnh: Kyodo News
Khách tham quan xem trưng bày liên quan đến COVID-19 tại Bảo tàng Lịch sử Urahoro, Hokkaido - Ảnh: Kyodo News

 

Không ít người ngạc nhiên cho rằng ông đang tích trữ những thứ phế thải. Tuy nhiên, Mochida cho biết, đến nay, vài trăm vật dụng đã được thu thập sau khi có lời kêu gọi người dân: ai đang gặp vấn đề với việc vứt bỏ đồ đạc trong nhà thì nên nghĩ đến bảo tàng.

Theo Mochida, những bức thư và nhật ký từ đại dịch “cúm Tây Ban Nha” - giết chết hơn 50 triệu người trên toàn cầu - đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hằng ngày trong giai đoạn 1918-1919. Những cách giao tiếp từ đó đến nay đã “biến mất”. Và tương tự, các phương thức tương tác kỹ thuật số của chúng ta hiện nay cũng đều sẽ bị biến mất trong biển không gian mạng. Vì vậy, Mochida muốn nhặt nhạnh tất cả những “dấu vết” của COVID-19. Ông đang lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm lớn những sưu tập của mình vào tháng 2/2021.

Về góc trưng bày nhỏ bé hiện nay tại bảo tàng nằm trong khuôn viên thư viện Urahoro, những thu thập của Mochida cho thấy khẩu trang đã “phát triển” như thế nào chỉ trong một thời gian ngắn. Lúc đầu đại dịch, đây là mặt hàng rất khó tìm thấy tại các cửa hàng ở Nhật Bản. Sau đó, các phiên bản thủ công của khẩu trang ra đời. Nguyên thủy được may từ vải áo sơ mi và vớ. Sau đó, nhiều mẫu khẩu trang mới được trình làng. Chẳng hạn như chiếc khẩu trang dù phủ kín miệng nhưng được thiết kế sao cho người dùng vẫn có thể ăn uống, hoặc những sản phẩm làm bằng nhựa dẻo. Cuối cùng, khẩu trang trở thành một cách để tuyên ngôn thời trang với một số loại có hình ảnh, hoa văn thêu lạ mắt.

Số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng ở Nhật, dù chưa đến mức nặng nề nhất như Hoa Kỳ, Brazil và các khu vực khác của châu Âu. Điều đặc biệt, thị trấn Urahoro đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc nào. Cộng đồng cư dân ở đây ban đầu không tin và phủ nhận sự bùng phát. Dần dần nỗi sợ hãi bắt đầu len lỏi. Người dân cảnh giác cao độ với người ngoài tỉnh và các hộ gia đình có người thân làm việc ở Tokyo hoặc các thành phố lân cận, có thể về thăm nhà.

Tiếp đó là các điều chỉnh kịp thời của chính quyền địa phương. Thị trấn nhỏ đã ra lệnh việc mua bán thực phẩm mang đi phải trở thành quy tắc bắt buộc khi các nhà hàng đóng cửa không phục vụ ăn uống trực tiếp. Trước đại dịch, không ai ở đây có thể nghĩ rằng ngày nào đó họ phải lựa chọn các món đặc sản địa phương như “spa-cut” hoặc mỳ Ý xốt thịt, thịt lợn rán… trên thực đơn rồi mua mang đi hay đặt bữa ăn qua mạng.

Sau khi tham quan bảo tàng của Mochida, cô Shoko Maede - người sinh ra ở Urahoro và là đầu bếp tại một trường mẫu giáo - cho biết, cô có thể hình dung những gì mà nhân loại trong nhiều thập niên sau này sẽ cố gắng cảm nhận, nhớ lại cuộc sống trong đại dịch hiện tại. “Họ có thể nghĩ: ồ, thì ra là như vậy. Mọi thứ đang tiết lộ cách mà mọi người sẽ nghĩ về chúng ta hôm nay”, cô thốt lên. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI