Bảo tàng nỗ lực số hóa

16/12/2022 - 16:33

PNO - Một số bảo tàng đang đẩy mạnh việc số hóa. Công tác này không chỉ có ý nghĩa trong việc giúp công chúng dễ tham quan, phát huy giá trị hiện vật, mà còn có thể đóng góp đáng kể cho giáo dục.

Số hoá: Hướng đi tất yếu của bảo tàng 

Cách đây không lâu, Bảo tàng Lịch sử TPHCM đưa robot Batalis vào hoạt động, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng, hệ thống trưng bày cùng hình ảnh, video clip. Robot này có thể nhảy múa theo nhạc, di chuyển và đặt câu hỏi để khách tham quan tương tác trực tiếp. Trước đó, đơn vị này cũng từng ra mắt bảo tàng tương tác thông minh 3D/360. Từ đây, chỉ việc ngồi nhà thực hiện vài cú click chuột, công chúng đã có thể tham quan khuôn viên và các phòng trưng bày trong bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng cũng đẩy mạnh sản xuất video để đăng tải lên mạng xã hội. 

Cô trò Trường THCS Minh Đức tương tác với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - ẢNH: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TPHCM
Cô trò Trường THCS Minh Đức tương tác với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có phòng trưng bày kết hợp máy Hologram, phần mềm tương tác và công nghệ thực tế ảo, giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thật với nhiều góc độ khác nhau. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM áp dụng mã QR để cung cấp thông tin hiện vật cho khách tham quan. Trong khi đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sử dụng công nghệ 3D, ánh sáng, âm thanh… tái hiện không gian nhà tù xưa. 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng thuyết minh đa phương tiện. Khách đến tham quan sử dụng ứng dụng thay cho phần thuyết minh trực tiếp của hướng dẫn viên. Khách ở xa cũng có thể tham quan bảo tàng bằng cách trả phí. Ngoài ra, đơn vị này cũng phát triển ứng dụng tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam, đẩy mạnh trưng bày triển lãm 3D; tạo các tour tham quan ảo… Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học cũng tích cực ứng dụng công nghệ 3D vào việc quản lý, trưng bày, giới thiệu hiện vật.

Bà Nguyễn Xuân Thi - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM - nói chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bởi phương pháp này có nhiều mặt tích cực: hệ thống hóa được dữ liệu; cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể; giới thiệu được nhiều hiện vật chưa thể trưng bày do thiếu không gian; giúp công chúng có thể theo dõi từ xa, tiếp cận số đông; tiết kiệm nhân lực; thay đổi quan điểm, cách thức bảo quản, phát huy giá trị di sản…

Những nỗ lực của các bảo tàng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, việc số hóa vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Còn nhiều vướng mắc mà các bảo tàng đang gặp phải. Điểm khó đầu tiên là nguồn nhân lực phù hợp, giỏi để phát triển số hóa. Hiện ở nhiều bảo tàng chưa có lực lượng chuyên trách này, mà hầu hết phải kết hợp với bên ngoài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác với một đơn vị phát triển công nghệ, chia sẻ lợi nhuận. Trong khi đó, một số bảo tàng đi theo mô hình vừa học vừa làm. Việc giải quyết nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết. 

Du khách sử dụng ứng dụng Imuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nghe thuyết minh - ẢNH: BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM
Du khách sử dụng ứng dụng Imuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nghe thuyết minh - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Điểm nghẽn thứ hai là nguồn kinh phí cho hoạt động số hóa rất lớn, mà đôi khi nằm ngoài khả năng của các bảo tàng, đặc biệt với các bảo tàng địa phương. Một số bảo tàng chỉ mới số hóa được vài phần, chứ chưa thể toàn bộ, đi vào chi tiết. Các bảo tàng chủ động liên hệ với các công ty, đơn vị truyền thông để thực hiện, trong lúc chờ nguồn kinh phí. Hiện, tiềm năng về công nghệ tại Việt Nam cũng bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới. Điều quan trọng nhất là lựa chọn giải pháp phù hợp với từng đối tượng, chuyên môn của bảo tàng.

Ứng dụng vào giáo dục 

Nguồn thông tin, kiến thức từ bảo tàng là rất lớn. Nhưng trước nay chưa được khai thác hiệu quả trong công tác giáo dục. Tại TPHCM cũng từng có những chương trình đưa học sinh đến với bảo tàng, nhưng kiến thức chỉ được truyền tải một chiều. Việc số hóa phần nào khắc phục được những hạn chế trước nay. Chẳng hạn, với mô hình bảo tàng ảo 3D/360, giáo viên và học sinh có thể quan sát từ xa. Việc tương tác, trải nghiệm với kỹ thuật số tại bảo tàng cũng giúp cho việc tìm hiểu của học sinh sinh động hơn. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu trong công tác giáo dục, chú trọng trải nghiệm thực tế. 

Tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 3809/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động bảo tàng.

Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử TPHCM có nhiều hoạt động đẩy mạnh, gia tăng sự kết nối giữa bảo tàng với học đường. Chẳng hạn, sau khi ra mắt robot Batalis, bảo tàng đã liên kết với trường học để cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Trong buổi đầu tiên ra mắt, nhiều em học sinh của Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM) bày tỏ sự thích thú bởi việc tiếp thu kiến thức lịch sử không quá khô cứng. Sắp tới, bảo tàng tiếp tục tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu thực tế cho học sinh miễn phí. Sau đó, bảo tàng sẽ thực hiện khảo sát, tìm hiểu xu hướng tiếp cận, ý thích của các em, từ đó có sự điều chỉnh, cải tiến việc số hóa cho phù hợp với công tác giáo dục. Bảo tàng cũng tính đến phương án làm việc với các tổ bộ môn dạy lịch sử ở các trường, để từ đó xây dựng những nội dung cài đặt vào robot cho phù hợp. 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam trên ứng dụng. Bảo tàng liên kết với các trường để phát động cuộc thi này, chỉ trong tuần đầu tiên đã có 30.000 học sinh tham gia. Sắp tới, bảo tàng sẽ tiếp tục liên kết, quảng bá để chương trình này phát triển sâu rộng hơn. Bảo tàng đã chuẩn bị hàng ngàn câu hỏi cho chuỗi này. “Việc phát triển hoạt động bảo tàng gắn với giáo dục có ý nghĩa quan trọng, cần được chú trọng trong thời gian tới, vừa nhằm phát huy giá trị hiện vật, vừa giúp việc học tập, giảng dạy được thuận tiện hơn” - ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ. 

Theo bà Nguyễn Xuân Thi, để giá trị của bảo tàng, cũng như công tác số hóa đạt hiệu quả, ngoài nỗ lực của bảo tàng và các trường học, thì những chính sách, sự liên kết các ngành cũng rất quan trọng. “Sau khi có kế hoạch liên tịch của Sở GD-ĐT TPHCM và Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động đưa học sinh tiếp cận tri thức từ bảo tàng bắt đầu mạnh mẽ hơn. Không chỉ học sinh, mà sinh viên cũng bắt đầu đến bảo tàng để học tập” - bà Nguyễn Xuân Thi chia sẻ. 

Vừa qua, UBND quận 1 (TPHCM) cũng phối hợp Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức ký kết đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng và trường học trên địa bàn.

-Hình 4: Các em học sinh chơi với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM (ảnh: Bảo tàng Lịch sử TPHCM)
Các em học sinh chơi với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM (ảnh: Bảo tàng Lịch sử TPHCM)

Cô Tống Thị Mai Hương - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM) - cho rằng việc liên kết có nhiều điểm thuận lợi: chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học di sản văn hóa phù hợp với điều kiện của nhà trường; lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, nhất là đối với các môn lịch sử, địa lý, âm nhạc; hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể thao có liên quan đến chủ đề di sản. Đồng thời, thầy và trò có nguồn cung cấp chính thống bằng cách phối hợp với các bảo tàng trong việc sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về các di sản có liên quan đến bài học, để phục vụ cho tổ chức các hoạt động của học sinh. Hướng dẫn, giới thiệu cho học sinh tự tìm hiểu, khai thác thông tin khác về di sản văn hóa thông qua các tư liệu, hiện vật…

Số lượng hoạt động chưa quá nhiều, nhưng cũng cho thấy được sự nỗ lực bước đầu trong bối cảnh đẩy mạnh số hóa. Tuy nhiên, một trong những điểm còn hạn chế ở các bảo tàng là chưa chú trọng công tác quảng bá, đặc biệt theo các hình thức gần gũi với giới trẻ, học sinh. Đây cũng là điều cần được quan tâm trong thời gian tới, từ đó mới có thể phát huy hết tiềm lực đang có.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI